Mô hình nông nghiệp tiêu biểu ở Quảng Trị là “cảm hứng” để nông dân học hỏi, làm giàu
Ngọc Vũ
Thứ năm, ngày 04/01/2024 14:45 PM (GMT+7)
Giai đoạn từ năm 2020 – 2023, dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự chủ động, linh hoạt, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đạt nhiều thành tựu.
Sáng 4/1, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị đánh giá mô hình nông nghiệp và phát triển nông thôn tiêu biểu giai đoạn 2020 – 2023 và định hướng nhân rộng.
Báo cáo tại hội nghị, ông Hồ Xuân Hoè – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, giai đoạn 2020-2023, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thường xuyên chịu tác động của thiên tai và dịch bệnh, ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực nông lâm thủy sản và tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, đặc biệt trong năm 2022.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức, chỉ đạo sản xuất trên tất cả các lĩnh vực đã giúp cho ngành nông nghiệp phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2023 ước đạt trên 3%.
Để gặt hái được những thành công, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã tập trung đẩy nhanh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, nhiều mô hình mới, tiêu biểu, hiệu quả cao đã được các địa phương triển khai và nhân rộng.
Tính lan toả của các mô hình tiêu biểu đã góp phần đưa giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp đạt hơn 9.000 tỷ đồng; sản lượng lương thực đạt hơn 30 vạn tấn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 59.000 tấn, tăng 150%; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hàng năm đạt 1 triệu m3/năm.
Toàn tỉnh có 115 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và 15 chuỗi thực phẩm an toàn... góp phần duy trì ổn định cho tăng trưởng nội ngành nông-lâm-thủy sản, cũng như đóng góp chung vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, giúp ngành nông nghiệp duy trì vị thế là "bệ đỡ" của nền kinh tế, hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế-xã hội.
Trên địa bàn Quảng Trị có nhiều mô hình mới, tiêu biểu được triển khai. Những mô hình này tạo cơ hội, nguồn cảm hứng cho người dân toàn tỉnh có cơ hội tham quan, học hỏi, làm theo để phát triển kinh tế.
Trên lĩnh vực trồng trọt có một số cây trồng chủ lực được ưu tiên và một số mô hình tiêu biểu như mô hình liên kết phát triển sản xuất lúa hữu cơ, ngô sinh khối, chanh leo, hồ tiêu hữu cơ, cà phê đặc sản, dược liệu, sản xuất mướp đắng theo phương pháp canh tác tự nhiên, cây ăn quả…
Năm 2017, diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, canh tác tự nhiên có 250ha, đến năm 2023 đã nâng lên 1.100ha. Dự kiến đến năm 2025, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, tự nhiên trên 3.000ha.
Trên lĩnh vực chăn nuôi, Quảng Trị chú trọng phát triển các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, bán công nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị.
Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Quảng Trị có 697 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 70 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, liên kết với các doanh nghiệp.
Ở lĩnh vực thuỷ sản, tỉnh Quảng Trị chú trọng đến việc giúp người dân áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm để hạn chế rủi ro. Đến nay, Quảng Trị có 107ha nuôi tôm công nghệ cao. Ngoài ra, tỉnh còn tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân trong việc khai thác thuỷ, hải sản bằng cách ứng dụng công nghệ CPF trong bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác xa bờ.
Quảng Trị hiện có 23.000ha rừng đạt chứng chỉ FSC và đang được nhân rộng.
Theo đánh giá, mặc dù đã đạt và đang triển khai nhiều mô hình mới, hiệu quả nhưng hầu hết các mô hình đều ở giai đoạn đầu, việc hình thành vùng nguyên liệu mang tính hàng hoá chưa cao, nhân rộng chưa nhiều. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa đồng bộ. Cơ sở chế biến nông lâm thuỷ sản công suất nhỏ, tỷ lệ chế biến sâu ít, cơ giới hoá chưa cao. Năng lực, trình độ quản trị của đội ngũ hợp tác xã còn yếu…
Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, để khắc phục khó khăn, đạt được bước tiến đột phá trong sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành các chủ trương, chính sách mới, phù hợp, giúp thúc đẩy mở rộng sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết chuỗi giá trị, đầu tư và chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
Theo ông Đồng, các mô hình mới, hiệu quả giai đoạn 2020 – 2023 đã góp phần rất lớn, giúp ngành nông nghiệp toàn tỉnh có bước đột phá mạnh mẽ. Vì vậy, thời gian tới các mô hình mới sẽ được hỗ trợ hơn nữa để nhân rộng, giúp nông dân cùng nhau xoá đói giảm nghèo, làm giàu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.