Mổ nhầm = tắc trách + ... lơ đãng

Diệu Linh Thứ năm, ngày 21/07/2016 16:28 PM (GMT+7)
Sau sự việc mổ tay phải nhầm sang tay trái của Bệnh viện (BV) 115 Nghệ An, lại đến BV Việt Đức - BV đặc biệt chuyên về ngoại khoa hàng đầu của cả nước cũng mắc lỗi chỉ định mổ chân trái, bác sĩ lại phẫu thuật chân phải. Theo các chuyên gia, chỉ cần lơi lỏng quy trình mổ, an toàn người bệnh sẽ bị đe doạ.
Bình luận 0

Mổ 50.000 ca mới nhầm 1 ca

Bệnh nhân T.V.T (37 tuổi, trú tại Ứng Hoà, Hà Nội) bị tổn thương thần kinh mác trái, ảnh hưởng đến vận động. BV Việt Đức đã có chỉ định mổ vào ngày 19.7. Cụ thể, phẫu thuật viên sẽ mổ chân trái, thực hiện tách cơ chày sau của chân trái đưa lên chày trước để hỗ trợ vận động. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành ca mổ, bệnh nhân phát hiện bị… mổ nhầm và thông báo với kíp mổ. Lúc này phẫu thuật viên mới biết mình mổ nhầm chân trái sang chân phải.

img

Phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch cho trẻ tại BV Việt Nam Cuba sáng 20.7.  ảnh: Diệu Linh 

GS Trần Bình Giang – Phó Giám đốc BV Việt Đức cho biết, ngay sau khi phát hiện mổ nhầm, BV đã chủ động phẫu thuật chân trái cho bệnh nhân ngay trong ngày 19.7. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, không có dấu hiệu bất thường ở hai chân bị mổ. GS Giang cũng nhận định, quy trình mổ để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân được BV xây dựng rất chặt chẽ. BV Việt Đức có 1.500 giường, 52 phòng mổ luôn chạy hết công suất, mỗi năm mổ hơn 50.000 ca nhưng vụ việc “mổ nhầm chân” là rất hy hữu. BV cũng đã đình chỉ công tác đối với ê kíp thực hiện ca mổ, yêu cầu giải trình tìm ra “lỗ hổng” để xảy ra sự việc.

 Ngày 20.7, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức yêu cầu BV phải khẩn trương xác minh nguyên nhân xảy ra sự cố; nghiêm khắc xử lý các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành, đồng thời công khai thông tin và kết quả xác minh, xử lý cho cơ quan truyền thông. Ngoài ra, Bộ Y tế chỉ thị phía BV nghiêm túc triển khai áp dụng bảng kiểm tra an toàn phẫu thuật, xác định chính xác người bệnh trước khi tiến hành phương pháp điều trị.

Trước đó, ngày 15.6, bé trai 6 tuổi ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh được chỉ định mổ rút đinh ở tay phải, tuy nhiên các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An đã mổ nhầm từ tay phải sang tay trái. Chỉ sau khi không tìm thấy đinh cần rút, các bác sĩ mới nhận ra có sự nhầm lẫn và… mổ nốt tay phải của bệnh nhi.

TS Dương Đức Hùng – Trưởng Đơn vị Tim mạch, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai) cho biết, tai biến ngoại khoa thường để lại các hậu quả nghiêm trọng hơn nội khoa. Nếu nhân viên y tế không nghiêm túc thực hiện quy trình an toàn người bệnh, thậm chí còn cắt nhầm bộ phận lành, không có cách nào để phục hồi cho người bệnh. Tuy nhiên, quy trình an toàn người bệnh ở một số BV chưa được coi trọng. Có BV có quy trình chặt chẽ, nhưng nhân viên y tế lại thực hành lơ đãng, hoặc tự bỏ qua một số bước, dẫn đến phẫu thuật nhầm. 

Giảm bớt sức ép cho bác sĩ

Theo TS Hùng, hiện nhiều BV cũng đang quá tải, các bác sĩ phẫu thuật phải làm việc liên tục, căng thẳng, mệt mỏi, điều đó cũng dẫn đến việc thực hiện quy trình an toàn người bệnh bị lơi lỏng.

 Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái – Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình răng hàm mặt (BV Việt Nam - Cuba) cũng chia sẻ, nhiều bác sĩ phải mổ 4-5 ca/ngày, các bác sĩ cũng là người vào phòng mổ sau cùng, khi nhân viên phụ mổ đã đặt toan (khăn mổ vô khuẩn) lên phần cơ thể cần phẫu thuật, chỉ để hở chỗ cần mổ. Vì thế, nếu không có sự thống nhất giữa bác sĩ mổ và nhân viên phụ mổ, việc nhầm lẫn bên trái, bên phải, nhầm vị trí mổ… rất dễ xảy ra. “Từ lâu, Bộ Y tế đã ban hành bảng kiểm tra an toàn phẫu thuật nhằm hạn chế tối đa các tình huống nhầm lẫn trong phẫu thuật. Quan trọng là ê kíp mổ phải thực hiện quy củ, nhịp nhàng” – bác sĩ Thái cho biết.

Theo bảng kiểm tra an toàn phẫu thuật, người phụ trách kiểm tra an toàn phòng mổ phải xác nhận với bệnh nhân (hoặc người nhà bệnh nhân) đúng tên, tuổi, bệnh lý, vị trí phẫu thuật trước khi gây mê, xác nhận chắc chắn bệnh nhân đồng ý phẫu thuật và phương pháp phẫu thuật đã giải thích trước. Theo bác sĩ Thái, khi bác sĩ mổ vào phòng, người phụ trách cần đọc to bằng lời xác nhận thông tin với bác sĩ mổ… Như vậy sẽ loại bỏ tối đa các việc cắt nhầm, mổ nhầm.

TS Hùng cũng chia sẻ, dù có quy trình an toàn người bệnh mà nhân viên y tế lơi lỏng thực hiện thì vẫn để xảy ra tai biến. Do đó, các BV phải thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra đột xuất, chấn chỉnh các sai phạm, như vậy mới có thể đặt an toàn người bệnh lên hàng đầu. /.

"Để hạn chế tối đa các tai biến y khoa, đặc biệt trong ngoại khoa, ngày 20.7, BV Bạch Mai đã triển khai thí điểm mô hình quản lý bệnh nhân tái khám bằng vân tay tại Đơn vị Tim mạch. Xưa nay, bệnh nhân ra viện chỉ được hẹn tái khám bằng 1 mảnh giấy, sau 3-4 tháng bệnh nhân đánh mất hoặc làm nhàu nát, khi lên BV có thể nhớ nhầm bệnh lý nên khai báo với bác sĩ có thể sai sót. Do đó rất có thể dẫn đến mổ nhầm. Với việc quản lý bằng dấu vân tay, bệnh nhân tái khám chỉ cần “mang bản thân” vào viện, ấn vân tay vào máy là bác sĩ biết được tiền sử bệnh và đưa các chỉ định chính xác” .
TS Dương Đức Hùng
 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem