Mở rộng cánh cửa tương lai

Thứ tư, ngày 31/10/2012 10:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cho học sinh, sinh viên (HS-SV) vay vốn học tập được triển khai thực hiện từ năm 1998, nhưng chỉ thực sự trở thành chính sách lớn của Nhà nước và đi vào cuộc sống từ khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với HS-SV.
Bình luận 0

Đi học nhờ... vốn

Chị Hoàng Thị Thuỷ, thôn Đào Xá, xã Đào Dương (Ân Thi, Hưng Yên) rất cảm kích nhất với chính sách cho HS-SV nghèo vay vốn học tập. Chồng chị mất vì tai nạn khi 2 đứa con còn nhỏ. Giờ thì cháu đầu tên Huy đang học năm thứ 3 Trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội, còn cháu thứ hai đang học cấp 2. Cả 2 cháu đều học rất giỏi.

Năm 2009, Huy là một trong những sinh viên suất sắc nhận Giải thưởng Hoa Trạng nguyên và được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng quà. "Cháu Huy theo học được ĐH là nhờ chính sách cho vay vốn. Cho vay vốn học tập chính là Nhà nước thương những người nghèo như tôi".

img
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) giải ngân vốn HS-SV tại trụ sở xã Vạn Linh.

Gia đình chị Thủy chỉ là một trong rất nhiều hộ nghèo, khó khăn, hoàn cảnh éo le ở vùng nông thôn được hưởng lợi từ chính sách tín dụng HS-SV. Theo Ngân hàng CSXH Việt Nam, tổng dư nợ Chương trình tín dụng HS-SV hiện nay là 10.177 tỷ đồng với 535.000 hộ, chiếm 28,46% tổng số hộ đang vay vốn...

Việc tuyên truyền Quyết định 157 được Ngân hàng CSXH, các bộ, ngành, địa phương thực hiện với tinh thần cao. Nhiều địa phương nổi tiếng là đất học như Hưng Yên, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hoá, Nghệ An… việc tổ chức thực hiện Quyết định 157 là một nhu cầu cấp bách.

Trách nhiệm với cộng đồng

Chị Hồ Thị Thu, thôn Đồng Văn, xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu, Nghệ An) phấn khởi chia sẻ: "Con trai tôi là Hồ Hữu Việt được ngân hàng cho vay vốn học ĐH Công nghiệp Hà Nội. Cháu đã ra trường và đi làm trong Khu lọc hóa dầu Dung Quất, lương tháng trên dưới 10 triệu đồng nên việc trả nợ vốn vay là không khó. Nếu cháu chưa có thu nhập, vợ chồng tôi cũng cam kết trả đủ nợ gốc lẫn lãi cho Nhà nước".

“5 năm thực hiện Quyết định 157 (2007-2012) hiện đã có 2,8 triệu HS-SV là con em hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với tổng dư nợ 35.000 tỷ đồng; doanh số thu nợ Chương trình tín dụng HS-SV hiện đạt hơn 4.900 tỷ đồng...”.
Nguồn: Ngân hàng CSXH

Ông Đinh Huy Giáp - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Uyên (đất học của tỉnh Cao Bằng) quả quyết: "Chính sách tín dụng HS-SV góp phần phát triển, bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho các địa phương vùng cao, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như “chăm cây tốt để có ngày ra quả ngọt".

Hiện nay, Ngân hàng CSXH đang tích cực thu hồi nợ lãi, gốc đối với những món nợ đã đến hạn và những khách hàng tự nguyện trả nợ trước hạn. Tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, tiến độ thu hồi vốn gốc và lãi của chương trình tín dụng HS-SV cũng đang được tiến hành với trách nhiệm cao của Ngân hàng CSXH, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể nhận ủy thác với Ngân hàng và của chính người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem