Được hỗ trợ mở rộng mô hình trồng mai vàng, anh nông dân thoát nghèo

An Khánh Chủ nhật, ngày 19/11/2023 06:17 AM (GMT+7)
Nhờ mở rộng quy mô trồng mai, anh Nguyễn Thanh Tùng đạt thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, đảm bảo nhu cầu của gia đình, kinh tế cải thiện nhiều so với trước đây.
Bình luận 0

Dù có nhiều kinh nghiệm trồng mai truyền thống, gia đình anh Nguyễn Thanh Tùng (khu phố 7, phường Linh Đông, TP.Thủ Đức) vẫn gặp nhiều khó khăn bởi quy mô nhỏ. Được Hội Nông dân phường tư vấn, tìm thị trường tiêu thụ cho vườn mai, hỗ trợ vay vốn không lãi để mua phân bón, thuốc men... đến nay cuộc sống gia đình anh đã dần ổn định.

Hằng ngày, công việc chính của anh Tùng là chăm sóc cho vườn mai, còn vợ anh chăm lo việc nhà, phụ làm vườn, nhổ cỏ, bón phân... Tranh thủ lúc rảnh, vợ anh làm thêm nghề giúp việc để tăng thu nhập, có đồng ra đồng vào cho con ăn học. Đến nay, con lớn của anh chị đã tự trang trải cuộc sống bằng nghề sửa xe, con nhỏ đang học lớp 4.

Được hỗ trợ mở rộng mô hình trồng mai vàng, anh nông dân thoát nghèo - Ảnh 1.

Được hỗ trợ mở rộng mô hình trồng mai vàng, anh nông dân thoát nghèo. Ảnh: An Khánh

"Trước đây gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, chỗ ở cũng chưa ổn định. Từ khi được kết nạp hội viên Hội Nông dân, vợ chồng tôi nhận được nhiều sự hỗ trợ của Hội Nông dân phường Linh Đông và chi hội khu phố 7, cũng như sự giúp đỡ của các hội viên nông dân và bà con xóm giềng, cuộc sống của hai vợ chồng ngày càng tốt hơn. Nhờ lợi nhuận từ vườn mai mà hai vợ chồng có thể sửa lại ngôi nhà, trang trải sinh hoạt phí cho gia đình, đóng học phí cho con, tiêm thuốc men cho ba mẹ già yếu", chị Trúc - vợ anh Tùng chia sẻ.

Chị Trúc cho biết từ mô hình trồng mai này, mỗi năm gia đình thu được hơn 200 triệu đồng nhờ hai mảnh vườn thuê, tổng điện tích khoảng 2.000m. Trừ chi phí thuê đất, điện, nước, phân bón, thuốc... thu nhập vào khoảng hơn 100 triệu đồng/năm, đảm bảo nhu cầu chỉ tiêu cơ bản trong gia đình.

Được biết, nghề trồng mai vàng là một trong những ngành nghề nông thôn tiêu biểu của TP.HCM, đã có thời gian tồn tại hơn 20 năm. Hiện nay, nghề trồng mai vàng có 3 doanh nghiệp/cơ sở sản xuất, 1 hợp tác xã, hơn 100 hộ, khoảng 300 lao động tham gia thường xuyên.

Riêng làng nghề hoa cây kiểng Thủ Đức (TP.Thủ Đức) có 256 hộ tham gia sản xuất tập trung chủ yếu tại 4 phường: phường Hiệp Bình Chánh; phường Hiệp Bình Phước; phường Linh Đông; phường Tam Phú thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/người/tháng.

Được hỗ trợ mở rộng mô hình trồng mai vàng, anh nông dân thoát nghèo - Ảnh 3.

Vừa giữ được nghề "cha truyền con nối", vừa thoát nghèo khiến gia đình anh Tùng vô cùng phấn khởi. Ảnh: An Khánh

Kế hoạch triển khai chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu tiếp tục sưu tập, bảo tồn các giống hoa, cây kiểng bản địa làm nguyên liệu, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chọn tạo giống hoa, cây kiểng mới. Trong đó tập trung giống hoa lan, hoa mai vàng, hoa nên đặc trưng có giá trị kinh tế cao.

Đồng thời, nhập nội, thuần hóa, nghiên cứu lai tạo giống đưa vào sản xuất trung bình 2 - 3 giống hoa, cây kiểng mới phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, phù hợp với phát triển nông nghiệp đô thị.

Phấn đấu sản xuất giống lan tại chỗ cung ứng khoảng 15% - 22% nhu cầu mở rộng diện tích hoa lan của thành phố và cung ứng cho thị trường khoảng từ 15 - 20 triệu cây giống/năm (chủ yếu lan cây mô) đáp ứng khoảng 220 - 250 ha canh tác. Ngoài ra cần nghiên cứu hoàn thiện 3 - 4 quy trình nhân giống in vitro một số giống hoa, cây kiêng có triển vọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem