Mới dự trữ được 1,6 triệu tấn, một nước Đông Nam Á 'phát sốt' vì giá loại nông sản này tăng chóng mặt
Mới dự trữ được 1,6 triệu tấn, một nước Đông Nam Á 'phát sốt' vì giá loại nông sản này tăng chóng mặt
P.V
Chủ nhật, ngày 03/09/2023 18:44 PM (GMT+7)
Giá gạo đang tăng cao chưa từng có trong 15 năm trở lại đây đang khiến Chính phủ Indonesia lo lắng vì nó có thể đảo ngược thành công gần đây của Jakarta trong việc kiểm soát lạm phát. Hiện, Indonesia đã tích trữ được 1,6 triệu tấn gạo, còn cần mua thêm 400.000 tấn nữa.
Nguồn cung khan hiếm, giá gạo tăng cao đang trở thành "cơn đau đầu" với chính phủ nhiều quốc gia châu Á như Ấn Độ, Philippines, Indonesia.
Một trong những biện pháp nhằm kiểm soát tình trạng giá gạo đang tăng là đảm bảo đủ lượng gạo dự trữ. Hiện Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đã tích trữ được 1,6 triệu tấn gạo. Con số này sẽ tiếp tục tăng vì Chính phủ Indonesia đang mua thêm 400.000 tấn gạo.
Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia cũng đang triển khai chương trình trợ giúp xã hội với việc phân phát 30 kg gạo cho mỗi gia đình bắt đầu từ tháng 9/2023 đến tháng 11/2024. Chương trình này hướng tới mục tiêu trợ cấp gạo cho 21,3 triệu hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm đảm bảo sức mua cho các đối tượng này.
Chính phủ cũng tích cực đàm phán với các nước đối tác thương mại trong khu vực về việc nhập khẩu gạo.
Trước đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nêu bật quan ngại về tình trạng giá gạo trên thị trường tăng cao (khoảng 5 - 6%), trong khi các mặt hàng thực phẩm khác đang có xu hướng giảm.
Cùng với động thái cấm xuất khẩu gạo trắng không phải giống basmati của Ấn Độ, thời tiết nắng nóng tại các khu vực trồng lúa quan trọng trên khắp châu Á đang đe dọa sản lượng lúa, đẩy giá gạo tăng đến 20%.
Hoạt động nhập khẩu gạo của Indonesia đang chậm và lượng tồn kho tại thị trường gạo lớn nhất Indonesia giảm khoảng 1/3 so với năm 2022. Nhiệt độ cao do hiện tượng thời tiết El Nino dự kiến đạt đỉnh vào khoảng tháng 10. Tất cả những điều này làm dấy lên lo ngại giá gạo ở đất nước đông dân nhất Đông Nam Á có thể đạt mức cao nhất trong nhiều năm.
Gạo là thực phẩm chính trong số 270 triệu người dân Indonesia. Giá gạo tăng có thể đảo ngược thành công gần đây của Jakarta trong việc kiểm soát lạm phát.
Zulkifly Rasyid, Chủ tịch hợp tác xã bán buôn gạo tại chợ Cipinang lớn nhất Indonesia, cảnh báo, nếu tình hình không được cải thiện, giá gạo có thể đạt mức cao nhất trong nhiều năm là 15.000 Rupiah (gần 1 USD)/kg.
Tính đến giữa tháng 8/2023, Indonesia đã nhập khẩu từ Việt Nam gần 650.000 tấn gạo. Ngoài ra, gần đây Indonesia cũng tìm thêm các nguồn cung gạo giá rẻ qua đường ngoại giao từ các nước trong khu vực ASEAN như Campuchia và Myanmar.
Trước đó, hồi tháng 6/2023, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan đã ký 1 biên bản ghi nhớ (MoU) về việc nhập khẩu 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ để lường trước tác động của hiện tượng El Nino trong năm nay.
Do ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi, nên 5 tháng đầu năm, Indonesia trở thành top 3 quốc gia mua gạo Việt nhiều nhất, chỉ sau Philippines và Trung Quốc.
Dữ liệu từ Hải quan Việt Nam cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia đạt hơn 181 triệu USD, tăng hơn 15 lần so với cùng kỳ 2022, chiếm 9,5% tổng giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam trong nửa đầu năm. Indonesia từ vị trí thứ 8, vươn lên top 3 quốc gia mua gạo Việt Nam nhiều nhất, chỉ sau Philippines và Trung Quốc.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt 3,17 tỷ USD
Báo cáo mới nhất từ Bộ NNPTNT, chỉ trong 8 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo thu về 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá bình quân xuất khẩu gạo trong 8 tháng qua đạt mức 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là năm có mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất lịch sử sau hơn 30 năm dòng chảy gạo Việt vươn ra thế giới.
Đặc biệt, hơn một tháng trở lại đây, khi Ấn Độ và một số quốc gia khác cấm xuất khẩu gạo, giá mặt hàng này của Việt Nam lập tức tăng vọt và liên tiếp phá đỉnh lịch sử.
Tại thị trường trong nước, giá lúa gạo thời gian qua cũng tăng "nóng". Tại Sóc Trăng, lúa Đài thơm 8 ở mức 9.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; các loại khác như RVT và OM 5451 cũng đều tăng 400 đồng/kg, lên mức 8.800 đồng/kg.
Giá lúa ở Hậu Giang cũng tăng trên nhiều loại như: IR 50404 lên 8.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 18 lên 9.100 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; RVT là 9.200 đồng/kg, cũng tăng 200 đồng/kg.
Cùng chung xu hướng, nhiều loại lúa tại Tiền Giang cũng có sự tăng giá như: IR 50404 ở mức 7.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OC10 tăng 200 đồng/kg lên mức 7.700 đồng/kg. Lúa Jasmine ở mức 7.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá lúa Đài thơm 8 từ 8.000 – 8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 5451 từ 7.800 – 8.100 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 8.200 – 8.400 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; lúa OM 18 cũng tăng 200 đồng/kg lên mức từ 8.000 – 8.200 đồng/kg. Giá lúa IR 50404 từ 7.800 – 8.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã xuống giống lúa vụ Thu Đông 2023 đạt 41,02% kế hoạch, ước sản lượng xuống giống bình quân đạt 6,23 tấn/ha, sản lượng thu hoạch ước đạt trên 923.000 tấn.
Vụ này, các doanh nghiệp đã triển khai ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân trong tỉnh thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ nông dân với diện tích trên 13.000 ha đạt 9,35% so với kế hoạch.
An Giang cũng đã khuyến cáo các địa phương và nông dân trong tỉnh trồng các giống lúa cho vụ Thu Đông như: OM 9582, Đài thơm 8, OM 5451, OM 7347, OM 6976, OM 18, Jasmine 85, OM 9577, OM4900… Đây là các giống lúa thời gian qua được doanh nghiệp thu mua giá cao và theo chiều hướng tăng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.