Khó nhập gia tuỳ tục…
Là gái phố về làm dâu quê, bản thân chị Nguyễn Hương Giang (phường Tân Sơn, TP. Thanh Hoá) cũng đã lường trước những khó khăn trong gia đình mới, nhưng chị không ngờ mọi mâu thuẫn đều xuất phát từ những lý do rất nhỏ. Gia đình chồng chị là một gia đình nền nếp nên con dâu phải theo "khuôn phép". Chị Giang phân trần: "Mình cũng đi làm cả ngày mệt nhoài, vậy mà về đến nhà là phải cơm nước. Sáng phải dậy sớm lo dọn dẹp, ăn sáng cho cả nhà. Nhiều hôm nhà có giỗ, có khách là mẹ chồng bắt nghỉ làm ở nhà phục vụ". Chuyện gia đình, chuyện cơ quan nhiều lúc làm chị điên đầu. Cũng từ đó, chuyện "cơm không lành, canh không ngọt" diễn ra thường xuyên hơn. Sau những trận rượu chè say khướt của chồng là những trận cãi vã không dứt. Ở với nhau chưa đầy năm, vợ chồng chị đã 2 lần kéo nhau ra toà. Mới đây, khi biết mình sắp làm mẹ, chị đành nhẫn nhục tìm đến trung tâm tư vấn những mong cứu vãn cuộc hôn nhân đang trên vực thẳm của mình.
Cũng khó "nhập gia", chị Bùi Thị Hà (Kiến Xương, Thái Bình) bị nhà chồng… chê vì sống "không chan hoà". Chị Hà phân trần: "Quê chồng em có lệ có cỗ bàn là cả làng làm giúp nhau. Họ hàng đi làm giúp nhau 2-3 ngày. Em đi làm dưới huyện, sáng sớm đi, tối mịt mới về, công việc hành chính không nghỉ ngang được. Vợ chồng vì thế mà cãi vã, không khí gia đình rất nặng nề".
Có thực tế là khá nhiều cô gái trẻ, khi chưa chồng thì nói năng hoạt bát, vui vẻ nhưng lấy chồng một thời gian bỗng dưng… trầm cảm, ít nói ít cười. Nguyễn Thị Hằng (Quỳnh Lưu, Nghệ An) là một trường hợp điển hình. Gặp chúng tôi, Hằng kể như lần đầu tiên được giãi bày: "Ở nhà chồng có anh và chị chồng ở chung, em đi đâu, làm gì cũng phải xin phép. Nói năng với các anh chị cũng phải giữ ý. Có lần em lỡ miệng nói chị chồng một câu, chị nhảy vào đánh em mà chồng cũng mặc kệ. Em sinh con cũng chỉ một mình trông con trong 4 bức tường. Xin về nhà mẹ đẻ ở, mẹ chồng không cho về. Chồng em làm lái xe, cũng đi suốt. Những bức bối, khó chịu em không biết nói cùng ai". Bị ức chế, Hằng bảo: "Em như bị tâm thần. Nghe tiếng mẹ chồng, chị chồng là… sợ. Giờ chỉ muốn bỏ đi thật xa, không chồng con gì nữa cả".
Thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn
Bà Bùi Thị Thanh Hoà - chuyên viên tư vấn của Công ty TNHH Linh Tâm (Hà Nội) nêu thực tế, hiện nay các cặp vợ chồng ở quê còn thiếu khá nhiều kiến thức về hôn nhân gia đình. Vì thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong gia đình nên có tình trạng chuyện bé mà hay xé ra to. Việc thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn xảy ra ở cả 2 giới. Đặc biệt, cánh mày râu vẫn giữ thói quen gia trưởng, ép vợ phải tuân theo.
Bà Hoà cũng cho biết thêm: "Mỗi ngày trung tâm tiếp nhận hàng trăm cuộc điện thoại xin tư vấn về các vấn đề gia đình, nhưng số lượng các cặp vợ chồng ở nông thôn gọi không nhiều. Bản thân họ có thể rất muốn được tư vấn nhưng lại không biết tìm đến kênh nào để được chia sẻ"...
Nhìn nhận ở một góc độ khác, bà Nguyễn Thu Hồng -Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng: "Đời sống người dân các vùng quê đang thay đổi hàng ngày theo quá trình đô thị hoá nên các mâu thuẫn gia đình ngày càng phức tạp. Khi mâu thuẫn nhỏ không được giải quyết sẽ dẫn tới những hành động không kiềm chế nổi như chồng đánh đập vợ, con; vợ ức chế bức tử con rồi tự tử…". Vì vậy, theo bà Hồng, cần bồi dưỡng nâng cao kiến thức gia đình cho nhiều nhóm đối tượng, đồng thời kết hợp với nhiều kênh tuyên truyền cung cấp thông tin, số điện thoại tư vấn tâm lý để người dân có điều kiện được chia sẻ.
Nằm trong chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam, Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL) đã triển khai Đề án "Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam 2010-2020" nhằm hướng dẫn kỹ năng giải quyết mâu thuẫn cho các gia đình. Năm 2011 đề án sẽ triển khai rộng khắp trên tất cả các xã ở 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Minh Nguyệt - Huyền Thanh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.