Mỗi năm Trung Quốc cần nhập khẩu 25 triệu con lợn, tại sao Việt Nam vẫn chưa bán được lợn sang Trung Quốc?

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 05/03/2024 08:32 AM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, Trung Quốc đang cần nhập 25 triệu con lợn mỗi năm mà Việt Nam không xuất khẩu được, đến lúc họ đã có đối tác rồi là rất khó. Mọi thứ thuận lợi như thế mà không làm được là tại chúng ta.
Bình luận 0

Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng trưởng mạnh, nhu cầu của Trung Quốc rất lớn

Báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) tại Hội nghị triển khai biên bản ghi nhớ về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh giữa Việt Nam và Trung Quốc (vừa được tổ chức tại tỉnh Lào Cai) cho thấy, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi là lĩnh vực có mức tăng trưởng mạnh nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp năm 2023 (tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2022); tuy nhiên giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi mới chỉ đạt 515 triệu USD. 

Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 132 triệu USD, tăng 24,1%; xuất khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 157 triệu USD, tăng 36,3%.

Mỗi năm Trung Quốc cần nhập khẩu 25 triệu con lợn, tại sao Việt Nam vẫn chưa bán được lợn sang Trung Quốc?- Ảnh 1.

Chăm sóc lợn tại trang trại của tỉnh Nam Định. Ảnh: Trần Quang

Theo thống kê của Cục Thú y, năm 2023, cả nước có 29 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) tại 20 huyện của 14 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh là 1.023 con, số gia súc chết và tiêu hủy là 103 con. Từ đầu năm 2024 đến ngày 26/2/2024, cả nước có 5 ổ dịch LMLM tại 4 huyện của các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Quảng Ngãi và Kon Tum; số gia súc mắc bệnh là 144 con, số gia súc chết và tiêu hủy là 59 con. Hiện nay, cả nước có 2 ổ dịch LMLM tại tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum chưa qua 21 ngày.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 12.300 tấn thịt lợn, tăng 28% so với cùng kỳ 2022, xuất khẩu thịt bò đạt 76,8 tấn, tăng 15% so với năm trước; xuất khẩu thịt trâu đạt 316,4 tấn, gấp 2,5 lần; xuất khẩu sữa gấp 1,8 lần so với năm 2022; xuất khẩu thịt gia cầm đã qua giết mổ đạt 4.634 tấn, tăng 115%; xuất khẩu trứng 3,1 lần so với năm 20223.

Đối với thị trường Trung Quốc, mặc dù Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất thịt lợn (thị phần thịt xẻ chiếm 49% tổng thịt lợn thế giới), đứng thứ 3 thế giới về sản lượng thịt bò, thứ ba thế giới về sản lượng thịt gia cầm; nhưng với hơn 1,4 tỷ dân, Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng về thịt và sản phẩm chăn nuôi nói chung (đứng đầu tiêu thụ thịt lợn, thứ hai về tiêu thụ thịt bò và thịt gia cầm của thế giới).

Với việc các nghị định thư được ký kết, cùng với hạ tầng thương mại giúp trao đổi giao thương hai chiều thuận lợi hơn; việc cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác kiểm dịch động vật, thực vật; nhiều mặt hàng nông sản sắp được ký nghị định thư… đây là cơ hội để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi, đồng thời đặt ra những thách thức đối với ngành chăn nuôi để phát triển trong giai đoạn tới, hướng tới xuất khẩu.

Mới đây, Việt Nam và Trung Quốc cũng đã ký bản ghi nhớ về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng có sử dụng vaccine.

Cấp thiết xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

Theo báo cáo của Cục Thú y, đến nay cả nước có 4.464 lượt cấp chứng nhận cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh với 2.257 cơ sở và vùng còn hiệu lực chứng nhận tại 59 tỉnh, thành phố.

Theo ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y việc ký các bản ghi nhớ về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh với bệnh lở mồm long móng (LMLM) là sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam nói chung và Bộ NNPTNT nói riêng với nước bạn Trung Quốc. Theo đó, vùng an toàn dịch bệnh cần được lựa chọn dựa trên đặc điểm ngăn cách địa lý, hàng rào nhân tạo và quy định của pháp luật. Vùng an toàn dịch bệnh phải được xây dựng tập trung và liên tục. 

Phân tách địa lý phải rõ ràng ở một quy mô nhất định, phù hợp với vùng địa lý hành chính được công bố trên website chính thức của Nhà nước. Hệ thống ngăn cách vùng an toàn dịch bệnh với những vùng khác có thể được bố trí theo ngăn cách địa lý, hoặc thiết lập khu vực phong tỏa, khu vực cách ly, chốt kiểm soát thú y để ngăn chặn có hiệu quả động vật từ bên ngoài di chuyển vào vùng an toàn dịch bệnh.

Mỗi năm Trung Quốc cần nhập khẩu 25 triệu con lợn, tại sao Việt Nam vẫn chưa bán được lợn sang Trung Quốc?- Ảnh 2.

Hội nghị triển khai biên bản ghi nhớ về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh giữa Việt Nam và Trung Quốc vừa được tổ chức tại tỉnh Lào Cai. Ảnh: Báo Lào Cai.

Trạm kiểm dịch động vật và khu cách ly động vật được xây dựng phải có các trang thiết bị cần thiết, phục vụ công tác kiểm dịch và phòng ngừa dịch bệnh truyền nhiễm. Cần có các biển cảnh báo đặt trên các tuyến đường giao thông đi đến vùng an toàn dịch bệnh. 

Cơ quan chức năng của nước xuất khẩu phải xác nhận và công bố rộng rãi về các cung đường vận chuyển, chốt kiểm soát trên các tuyến giao thông bao gồm cung đường bộ, cảng, đường vào, đường ra khỏi vùng an toàn dịch bệnh. 

Ngoài ra, cần xác định vùng đệm với khoảng cách tối thiểu 3km bao xung quanh vùng an toàn dịch bệnh theo yêu cầu tại Bản ghi nhớ với Trung Quốc.

Để thực hiện xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh theo biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam – Trung Quốc, Bộ NNPTNT giao Cục Thú y là đầu mối để trao đổi, thống nhất các nội dung kỹ thuật với các cơ quan liên quan của Trung Quốc để tổ chức thực hiện nội dung của các bản ghi nhớ nêu trên; tổ chức thẩm định và cung cấp cho phía Trung Quốc danh sách các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu của Trung Quốc. Đàm phán, thống nhất các bước đánh giá, công nhận vùng an toàn dịch bệnh và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch thú y với cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, chăn nuôi an toàn sinh học và xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu là biện pháp phòng chống dịch bệnh từ sớm, từ xa để hướng tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn sinh học. 

Muốn vậy, các ngành, địa phương phải có các giải pháp, đề án triển khai thật đồng bộ. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố phải nhận thức đúng về chủ trương, chiến lược, đầu tư đúng mức để xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu, nâng giá trị của ngành chăn nuôi trong cơ cấu nền nông nghiệp. 

"Trung Quốc đang cần nhập 25 triệu con lợn mỗi năm mà Việt Nam không xuất khẩu được, đến lúc họ đã có đối tác rồi là rất khó. Mọi thứ thuận lợi như thế mà không làm được là tại chúng ta. Doanh nghiệp phải đi tiên phong trong việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu chứ đừng nghĩ sẽ chỉ bán mãi ở Việt Nam. Phải tính lộ trình xuất khẩu, cứ không chỉ đổ đầu 100 triệu dân nội địa" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Lào Cai tìm cơ hội từ vùng an toàn dịch bệnh

Ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho biết, Lào Cai có trên 182km đường biên giới với 5/9 huyện, thành phố có đường biên giới với Trung Quốc. Hằng năm, lượng hàng hóa trung chuyển đến và qua tỉnh Lào Cai lớn, đặc biệt là có tuyến đường giao thông thuận lợi, việc vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật vào và đi qua địa bàn tỉnh thuận tiện, chưa được kiểm soát triệt để. Đây chính là nguyên nhân dịch bệnh động vật xâm nhập, lây lan vào địa bàn tỉnh.

Việc triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu là cơ hội tốt để tỉnh Lào Cai nâng cao nhận thức, chủ động, có nhiều biện pháp phù hợp hơn để phòng chống dịch bệnh động vật, tiến tới xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang thị trường Trung Quốc. Tỉnh Lào Cai cam kết tích cực chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả việc ngăn chặn, kiểm soát, phòng tránh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn.

P.V

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem