Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản tăng mua tôm, cá tra, cá ngừ... chuyên gia dự báo gì về hồi phục xuất khẩu thủy sản?

Minh Ngọc Chủ nhật, ngày 25/02/2024 09:37 AM (GMT+7)
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tháng 1/2024 đạt gần 750 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tăng đột phá nhất là Trung Quốc và Hồng Kông gấp hơn 3 lần, Mỹ tăng 63%, Nhật Bản tăng 43%, EU tăng 34%.
Bình luận 0

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 1/2024 các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực đều có bứt phá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái: tôm tăng 71%, cá tra tăng 97%, cá ngừ tăng 57%, mực, bạch tuộc tăng 45%, các loại cá khác tăng 50%. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu đạt gần 750 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023. 

Về thị trường, tăng đột phá nhất là Trung Quốc và Hồng Kông gấp hơn 3 lần (với tôm, giá trị xuất khẩu tháng 1 đạt gần 73 triệu USD; còn cá tra có kim ngạch gần 50 triệu USD), Mỹ tăng 63%, Nhật Bản tăng 43%, EU tăng 34%... so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thách thức, cơ hội cho ngành tôm Việt Nam trong năm 2024, ngày 23/2, tại một Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ, bà Trần Thụy Quế Phương, Chánh Văn phòng VASEP đánh giá, những yếu tố tiêu cực trong năm 2023 sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng trong năm 2024, vì thế dự đoán ngành tôm toàn cầu tiếp tục đối mặt với tăng trưởng kém trong năm nay.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết đơn hàng đầu năm vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện vì sức mua của thị trường vẫn yếu. Vẫn còn những vấn đề như: lượng tồn kho nhiều, giá mua thấp, khó cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Ecuador…

Tuy nhiên, theo bà Phương, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi và tăng trưởng nhẹ trong năm 2024, với mức từ 10% đến 15% bởi kinh tế của các nước có nhu cầu tiêu thụ tôm dần hồi phục; các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu. 

Ngoài ra, nhu cầu sản phẩm có nguồn protein từ thủy sản đang dần thay thế nguồn protein từ động vật, nên trong thời gian tới thủy sản, đặc biệt là tôm, có cơ hội phát triển.

Về thị trường, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là hai thị trường lớn nhất của xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2024, chiếm khoảng 40% đến 45% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản tăng mua tôm, cá tra, cá ngừ... chuyên gia dự báo gì về hồi phục xuất khẩu thủy sản?- Ảnh 2.

Năm 2024, Việt Nam hướng đến xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD. Ảnh VASEP

Đối với ngành hàng cá tra, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, tình hình thị trường đang có xu hướng lên rất tốt. Hiện, giá cá tra nguyên liệu từ 28.000 - 29.500 đồng/kg.

Với mức giá cá tra tăng cao như hiện nay, ông Quốc cho hay, người nuôi cá tra và các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh nuôi trồng và bắt kịp với xu hướng cá tra đang lên. Bởi lẽ, đa phần các doanh nghiệp và người nuôi theo chuỗi đều có sự chuẩn bị để tạo nguồn hàng liên tục.

Năm 2023, thị trường gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 9,2 tỷ USD, bằng 92% mục tiêu đề ra từ đầu năm. 

Năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 9,5 – 10 tỷ USD, tăng 3 - 5% so với 2023. Trong đó, hướng tới mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, các mặt hàng hải sản còn lại dự báo thu về khoảng 3,6-3,8 tỷ USD.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, với tín hiệu lạc quan ở các tháng đầu năm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của doanh nghiệp, ngành thuỷ sản sẽ đón nhận những khởi sắc trong vấn đề tiêu thụ.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngoài việc triển khai các giải pháp, các đề án được Chính phủ phê duyệt, chúng ta đẩy mạnh chế biến, xúc tiến thương mại. Với thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, chúng ta đã có những Nghị định thư, sắp tới đây tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem