Đứt gãy hệ thống thú y cơ sở: Nghịch lý ở Long An, thiếu 43 cán bộ chuyên ngành thú y mà khó tuyển dụng

K.N Thứ năm, ngày 08/06/2023 14:04 PM (GMT+7)
Đứt gãy hệ thống thú y cơ sở khiến thực hiện nhiệm vụ kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến vừa ký công văn đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư sớm kiện toàn hệ thống thú y cơ sở.
Bình luận 0

Thiếu trầm trọng lực lượng thú y cơ sở

Thực trạng này xảy ra ở rất nhiều địa phương trong việc triển khai công tác kiểm soát giết mổ, kiểm soát vận chuyển động vật và sản phẩm động vật. 

Lãnh đạo Sở NNPTNT TP.HCM cho hay, nhân sự thú y thực hiện công tác kiểm soát giết mổ tại các cơ sở hiện đang thiếu để có thể đáp ứng kiểm soát đủ các khâu theo quy định tại Thông tư 09/2016 và Thông tư 10/2022 của Bộ NNPTNT.

Trong khi đó, theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, từ năm 2020, sau khi hợp nhất Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, khuyến ngư cấp huyện thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện và chuyển một số chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước ở các đơn vị này về Phòng NNPTNT (hoặc Phòng Kinh tế) cấp huyện; hệ thống thú y cấp huyện bị đứt gãy; UBND tỉnh đã giao công tác kiểm soát giết mổ sản phẩm động vật cho địa phương quản lý, thực hiện. 

Chi cục ủy quyền công tác kiểm soát giết mổ cho Trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, do khó khăn về cơ chế hợp đồng lực lượng làm công tác kiểm soát giết mổ, in hóa đơn..., Trung tâm là đơn vị sự nghiệp, không có chức năng, nhiệm vụ này.

Đứt gãy hệ thống thú y cơ sở: Thiếu “cánh tay nối dài” kiểm soát giết mổ - Ảnh 1.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi, thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La kiểm soát sản phẩm thịt lợn sau giết mổ. Ảnh: Văn Ngọc.

Còn theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số điểm giết mổ lậu, tiềm ẩn mối nguy rất lớn phát sinh và lây lan dịch bệnh, gây mất an toàn thực phẩm và ô nhiễm. 

Theo khảo sát ghi nhận có hơn 70 điểm giết mổ nhỏ lẻ không phép với số lượng giết mổ bình quân hàng ngày khoảng 12 con trâu, bò; 110 con lợn; 1.200 con gà, vịt và 2.000 con chim cút.

Với đặc điểm địa lý có đường biên giới dài hơn 133 km và tiếp giáp thị trường tiêu thụ lớn là TP.HCM, nên áp lực thực hiện các hoạt động quản lý kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ trên địa bàn tỉnh Long An là rất lớn. 

Trong khi đó, hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh và huyện mặc dù sớm được củng cố nhưng đến thời điểm hiện tại số người làm việc vẫn còn thiếu so với đề án vị trí việc được phê duyệt (thiếu 43 người và rất khó khăn trong tuyển dụng).

Với đặc thù công tác kiểm soát giết mổ gắn liền với cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật xuất tỉnh; số lượng cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sau giết mổ khoảng 400-450 giấy/ngày, do đó ở một số cơ sở giết mổ, cán bộ thú y đã thiếu về số lượng lại phải dành phần lớn thời gian để viết giấy kiểm dịch, ít thời gian cho công tác nghiệp vụ chuyên môn.

Kiến nghị kiện toàn hệ thống thú y

Từ thực tế đó, lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Long An kiến nghị Bộ NNPTNT phối hợp Bộ Nội vụ khẳng định rõ loại hình tổ chức của Trạm Chăn nuôi và Thú y là "đơn vị hành chính" theo đúng Điều 6 Luật Thú y đã nêu: "Trạm thuộc Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y"; đồng thời đề nghị T.Ư bổ sung biên chế công chức cho các tỉnh để phân bổ cho các Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện nhằm đảm bảo tư cách pháp nhân của nhân viên thú y khi thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành. Xem xét đề xuất chế độ chính sách hợp lý cho cán bộ thú y thực hiện kiểm soát giết mổ do đây là ngành có đặc thù riêng làm việc hoàn toàn vào ban đêm.

Đứt gãy hệ thống thú y cơ sở: Thiếu “cánh tay nối dài” kiểm soát giết mổ - Ảnh 3.

Cán bộ thú y huyện Phúc Thọ (Hà Nội) tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn bò trên địa bàn. Ảnh: Phương Nga

Cả nước có 463 cơ sở giết mổ động vật tập trung và trên 24.000 nhỏ lẻ giết mổ động động vật có cơ sở vật chất cơ sở giết mổ chưa bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.

Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Hà Tĩnh cũng có một số kiến nghị để củng cố lực lượng thú y làm công tác kiểm soát giết mổ. 

Theo đó, đối với lực lượng cán bộ trực tiếp thực hiện công tác kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung, cho phép hợp đồng những người có trình động chuyên môn từ trung cấp chăn nuôi, thú y trở lên được tập huấn, có chứng chỉ về kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y trực tiếp thực hiện nhằm đảm bảo có đủ lực lượng cán bộ chuyên môn trong bối cảnh tinh giản biên chế hiện nay.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cũng vừa ký văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tăng cường công tác quản lý kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, bảo đảm vệ sinh thú y, mà một nội dung ưu tiên là kiện toàn hệ thống thú y cơ sở. Cụ thể, Bộ NNPTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư kiện toàn, tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp. 

Theo đó, đối với địa phương đã sáp nhập trạm quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện với các đơn vị khác thuộc UBND cấp huyện thì khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y năm 2015, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt khẩn trương thành lập lại trạm thú y cấp huyện thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.

Đối với địa phương đang giữ ổn định hệ thống trạm quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện trực thuộc chi cục, tiếp tục duy trì thực hệ thống tổ chức theo quy định.

Bộ NNPTNT cũng đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khẩn trương rà soát, sớm ban hành kế hoạch của địa phương và có lộ trình xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chị thị số 02 ngày 14/1/2023.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem