HAGL chịu khoản lỗ khác gần 184 tỷ đồng khiến cho Tập đoàn này chấp nhận lỗ ròng 124 tỷ đồng trong quý IV.2016.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa công bố BCTC hợp nhất quý IV.2016 với kết quả tiếp tục lỗ 124 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế cả năm lên con số hơn 1.020 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến HAGL lỗ ròng là do mỗi ngày phải trả nợ lãi hơn 74,97 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2016, BIDV vẫn là chủ nợ lớn nhất của Bầu Đức với dư nợ là 10.860 tỷ đồng, Eximbank là 2.962 tỷ đồng, ngân hàng liên doanh Lào Việt 1.741 tỷ đồng, HDBank là 1.532 tỷ đồng, Sacombank là 1.018 tỷ đồng…
Trong quý IV, hoạt động kinh doanh chính của HAGL đã khởi sắc hơn nhiều so với quý trước đó khi đạt 1.543 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó giá vốn hàng bán chỉ tăng 25% nên lãi gộp HAGL bỏ xa cùng kỳ với con số gần 236 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu HAGL, mảng bò vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất khi đạt gần 905 tỷ đồng nhưng biên lãi gộp mảng này chỉ đạt hơn 5,4%. Việc giá cao su hồi phục vào thời điểm cuối năm đã giúp HAGL không còn thua lỗ như quý trước đó khi có lãi gộp gần 6 tỷ đồng.
Mảng duy nhất HAG lỗ ở quý cuối năm là bán sản phẩm đường nhưng con số lỗ không lớn, chỉ hơn 11 tỷ đồng.
Và một trong những lý do lớn nhất khiến HAG vẫn còn thua lỗ trong quý 4 đó là do chi phí tài chính ở mức khá cao, hơn 382 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ trong khi doanh thu tài chính lại sụt giảm 16%.
Thêm vào đó, HAGL còn chịu khoản lỗ khác gần 184 tỷ đồng khiến cho Tập đoàn này chấp nhận lỗ ròng 124 tỷ đồng trong quý IV.2016.
Lũy kế cả năm 2016, HAGL đạt doanh thu thuần gần 6.455 tỷ đồng, tăng 3% so cùng kỳ nhưng giá vốn tăng mạnh 24% khiến lãi gộp chỉ còn hơn 1.000 tỷ đồng, giảm 46%. Tính chung cho cả năm 2016, cao su chính là mảng duy nhất HAGL bị lỗ.Kết quả là HAGL lỗ 1.020 tỷ đồng cho năm 2016, ghi nhận năm đầu tiên thua lỗ trong 10 năm qua kể từ năm 2006.
Tại thời điểm cuối năm 2016, tổng nợ vay của HAGL tăng nhẹ so với đầu năm, ở mức hơn 27.366 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn còn 6.572 tỷ đồng, giảm hơn 1.700 tỷ đồng so với đầu năm (chủ yếu giảm dư nợ vay ở BIDV hơn 1.000 tỷ đồng và Ngân hàng liên doanh Lào Việt hơn 500 tỷ đồng).
Ngược lại thì vay nợ dài hạn lại tăng đáng kể so với đầu năm khi ở mức 20.794 tỷ đồng. Nhưng có một điểm đáng chú ý ở đây đó là nhiều khoản vay trái phiếu trong nước của HAGL nhiều khả năng đã được trái chủ đồng ý gia hạn.
Cụ thể như việc phát sinh nợ trái phiếu phát hành cho BIDV và CTCK BIDV (BSI) vào ngày 31.12.2016 là 6.546 tỷ đồng và thời gian đáo hạn kéo dài từ 31.12.2021-31.12.2026.
Theo BCTC hợp nhất quý III.2016 mà HAGL công bố trước đó, các khoản vay nợ bằng trái phiếu cho BIDV và BSI của HAGL được phát hành vào thời điểm 2013, 2014 và ngày đáo hạn tối đa vào 2020.
Ngoài ra, theo báo cáo quý IV.2016 thì đối tác đã mua 930 tỷ đồng trái phiếu mà HAGL đã phát hành ngày 29.12.2016 vừa qua cũng là CTCK Phú Gia (PGSC).
Nhà đầu tư đang “tiếc nuối” bộ đôi HAG - HNG?
Dù các khoản lỗ này được công bố trước thời điểm giao dịch chứng khoán sáng nay 13.2 nhưng cả 2 mã chứng khoán HAG và HNG của bầu Đức đều tăng điểm.
Cụ thể, giá cổ phiếu HAG hiện đang ở mức 6.170 đồng/CP (tăng khoảng 25%) và HNG đang ở mức 8.700 đồng/CP (tăng khoảng 60,52%). So với nhiều mã chứng khoán khác, mức tăng giá của bộ đôi cổ phiếu này không phải là quá lớn, nhưng đặt trong bối cảnh vốn hóa thị trường rất lớn của 2 doanh nghiệp thì đây là lại con số rất ấn tượng và có khá nhiều nhà đầu tư đang tỏ ra tiếc nuối vì đã bỏ qua cơ hội “bắt đáy” hai mã cổ phiếu này thời điểm trước tết âm lịch 2017.
Quốc Hải
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.