Có riêu bò, phở gà bò, phở gà bò trứng v.v… vị của riêu cua khác hẳn vị của thịt bò nhưng người ta cứ hào hứng cứ trộn chúng với nhau như là sự phát hiện. Phở bò gà trứng cũng vậy, có gì giao lưu giữa vị thơm của thịt gà với vị đậm thịt bò và vị tanh của trứng? Bây giờ ẩm thực người ta đã đạt đến độ "thực bất tri kì vị". Vấn đề là chất lượng đạm càng cao càng tốt. Chất thanh lịch trong miếng ăn thức uống ở Hà thành cũng trở nên hiếm hoi. Người thông thạo chuyện ăn uống đếm được trên đầu ngón tay vài nơi những món ăn còn giữ được truyền thống.
Trộn được là trộn ngay. Ví thử cà phê thì có cà phê... ôm lâu rồi. Khổ thân cho cà phê chỉ còn là cái cớ để làm việc đú đởn. Bia cũng có bia ôm, karaoke cũng karaoke ôm. Các món ăn chơi đã nhuốm màu dung tục. Câu ca xưa: Chẳng thơm cũng thể hoa lài/Dẫu không lịch, cũng vẫn người Tràng An. Tràng An là thủ phủ Tây An của Thiểm Tây, Trung Quốc, Tràng An sang ta nó thành tính từ để chỉ người kinh kì. Lịch ở đây là chỉ sự lịch duyệt, lịch lãm lịch sự chứ không chỉ riêng thanh lịch. Sự phát triển đô thị thiếu sự chăm sóc và gìn giữ, chữ lịch đã rơi mất từ trong cách ăn, cách chơi và cả cách mặc. Bộ áo dài lụa trắng mặc vào như có gió ở trong. Vẻ đẹp khuê các mất đâu rồi. Nhà thiết kế táp vá lung tung, thậm chí có bộ áo dài mà đưa lên tổng hợp hình phố cổ, gác Khuê văn, chùa Một cột... trông phản cảm và xấu xí mà mọi người mặc nhiên chấp nhận. Nó chẳng khác gì món riêu bò, cua bò và phở gà bò trứng.
Đó là chưa kể đến ăn nói giao tiếp và lan man sang lối buôn bán có bạn có phường của người kinh kì xưa cũng không còn nữa. Bây giờ kiếm đồng tiền là chộp giật lừa lọc.
Chữ "lịch" dần mất đi trong cuộc sống, mà thay vào đó đã có món cua bò!
Đỗ Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.