Một anh nông dân Tiền Giang cho cây thanh long "chung chạ" với cây gấc, hóa ra kiếm bộn tiền
Một anh nông dân Tiền Giang cho cây thanh long "chung chạ" với cây gấc, không bất hòa mà cây nào cũng ra trái bự
Trần Đáng
Thứ năm, ngày 23/03/2023 13:02 PM (GMT+7)
Không nỡ đốn hạ vườn thanh long suốt mấy năm trời giá bán trái thấp lè tè, anh Nguyễn Ngọc Thành (xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) quyết định trồng gấc xen canh trong vườn thanh long và bất ngờ thu bộn tiền.
Hiện, anh Thành trồng gấc sạch với 120 dây xen canh bao phủ trong vườn thanh long rộng 2.000m2.
Dễ như…trồng gấc
Anh Thành kể, bức bí với vườn thanh long hữu cơ mấy năm trời cho thu nhập bấp bênh, anh đã đi khắp nơi tham quan, học hỏi các mô hình trồng cây, nuôi con cho hiệu quả kinh tế nhằm thay thế vườn thanh long. Và anh quyết định trồng gấc khi thấy thị trường tiêu thụ ổn định, giá tốt…
Nâng niu trái gấc to bự lúc lỉu trên dây, anh Thành cho biết, ngay ban đầu anh không có khái niệm trồng gấc sạch hay trồng gấc thường, nhưng do đã trồng thanh long theo hướng hữu cơ nên buộc anh phải trồng gấc như vậy.
Theo anh Thành, trồng gấc rất dễ. Cây gấc thích hợp các loại đất. Gấc ít sâu bệnh. Gần được trồng bằng phân bón hữu cơ, như phân bò, phân dê, rơm rạ ủ mục. Khi gấc bị sâu bệnh gây hại anh Thành chỉ sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ, không ảnh hưởng đến môi trường.
Theo đó, khi xuống giống, anh Thành đào một hố lớn, trộn phân bò và tro trấu tạo độ xốp để cây phát triển bền vững. Đồng thời, anh Thành làm giàn để dây gấc leo, cho trái.
Khi dây gấc cho trái, anh bón phân mỗi tháng 1 lần, chủ yếu là NPK. Nếu dây tốt thì rải phân kali cho vỏ gấc dày, ruột đỏ, tránh sâu bệnh. Chỉ sau 3 - 4 tháng trồng, gấc đã cho trái.
Chỉ dây gấc bò lên giàn với gốc to gần bằng cổ tay, ông Thành cho biết, sau một năm trồng gấc nên cắt dây chừa lại một đoạn gốc dài 40 - 60cm trên mặt đất. Sau đó, đào hố xung quanh gốc, rộng 20m, sâu 10cm cách gốc 25 - 30m bón phân hữu cơ rồi lấp đất lại và tưới nước để gốc tái sinh chồi mới.
"Theo kỹ thuật trồng gấc, mỗi năm sẽ cắt dây một lần, cùng với việc chăm sóc tốt nhằm cho gốc gấc to, nhiều trái", anh Thành chia sẻ.
Anh Thành lưu ý, khi gấc cho trái thường gặp 2 loại bệnh là thán thư và vàng lá làm trái bị nhỏ. Để trị bệnh này, chỉ cần cắt đoạn nhánh dây bị bệnh và phun chế phẩm sinh học.
Hiện, anh Thành đang trồng gấc với 2 loại, là gấc thường và gấc nếp. Gấc cho trái to, trung bình đạt trọng lượng hơn 2kg/trái.
"Gấc là cây trồng cho thu nhập lâu dài, trung bình tuổi thọ mỗi gốc gấc 17 - 20 năm", anh Thành thổ lộ.
Trồng gấc thu bộn tiền
Theo anh Thành, so với các loại rau màu khác, trồng gấc cho thu nhập cao hơn 30 - 40%.
Hiện, trung bình mỗi tuần anh Thành thu hoạch gấc 2 lần. Mỗi lần hơn 200kg trái. Với giá gấc chín là 16.000 đồng/kg, tính ra mỗi tuần anh Thành bỏ túi hơn 6 triệu đồng.
"Do vườn gấc mới trồng khoảng 1 năm nên sản lượng thu hoạch chưa nhiều. Tôi hy vọng thời gian tới vườn gấc sẽ cho trái nhiều hơn khi dây trưởng thành. Tôi hy vọng, khi giá thanh long quay đầu, 2 loại cây trồng này sẽ cho thu nhập tốt hơn", anh Thành bộc bạch.
Về tiêu thụ gấc, anh Thành cho biết, khi gấc chín thương lái sẽ đến tại vườn thu mua, tiền trao cháo múc.
Quả gấc là một loại trái cây giàu dinh dưỡng. Trong quả gấc có chứa nhiều hàm lượng vitamin, chất chống oxy hóa và carotenoid giúp mang lại lợi ích đối với sức khỏe con người.Tuy dân dã, nhưng nhờ những tác dụng tuyệt vời với sức khỏe, gấc được các nhà khoa học ví như "loại trái đến từ thiên đường".
Tuy nhiên, trái gấc có chứa rất nhiều dạng tiền vitamin A (beta-caroten). Khi thừa, tiền vitamin A tích lũy lại trong gan, nên dùng gấc thời gian dài có thể gây ngộ độc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.