Một cây đại 400 tuổi, cây cổ thụ kỳ bí mọc trên khối đá khổng lồ cạnh chùa Thượng ở Ninh Bình
Một cây cổ thụ kỳ bí mọc trên khối đá khổng lồ cạnh chùa Thượng ở Ninh Bình
Vũ Thượng
Chủ nhật, ngày 16/06/2024 05:54 AM (GMT+7)
Cây cổ thụ-cây đại 400 năm mọc trên một khối đá nguyên khối khổng lồ cao khoảng 10m, cành lá xum xuê phủ rộng ra xung quanh chùa Thượng (ngôi chùa thờ Quan Âm Bồ Tát) thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Cây đại cổ thụ này ước 400 năm tuổi nhưng vẫn ra hoa đều hằng năm, tỏa hương thơm rất đặc biệt.
Để đến được chùa Thượng xem cây đại cổ thụ (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), ngôi chùa thờ Quan Âm Bồ Tát ở trên đỉnh núi cao, phóng viên Dân Việt, người dân và du khách phải vượt qua nhiều thử thách.
Clip: Cận cảnh cây cổ thụ-cây đại 400 năm tuổi cạnh chùa Thượng (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình)
Dưới chân núi là chùa Hạ phải đi bộ 120 bậc theo đường hình chữ S lên lưng chừng dãy núi Ngũ Nhạc để vào chùa Trung. Tiếp đến lên chùa Thượng, du khách phải bước thêm gần 40 bậc đá theo sườn núi nhiều lúc bị trơn trượt.
Đặc biệt, đến chùa Thượng còn phải vượt qua thử thách trong động tối ẩm ướt, thâm nghiêm, tĩnh mịch, dài, có nhiều con dơi sinh sống. Đường lên động tối gần thẳng đứng, đi dưới cầu giải oan, vì cửa động có hình như cầu vồng.
Bên trên cửa động có treo chiếc chuông đồng lớn được hai vị sư Trí Kiên và Trí Thể đúc vào năm 1707. Động tối là một không gian dài, rộng hiện có điện thắp sáng.
Tất cả như một thế giới cổ tích bị hoá đá của tạo hoá. Ra gần cửa động tối trước mặt du khách là tượng Đức Phật Di Đà, tượng Văn Thù Bồ Tát. Ra đến gần cửa động, bên tay trái du khách là một hang nhỏ, trên cao thờ Quan Thế Âm Bồ Tát.
Dưới nền hang nhỏ này có nhũ đá giống như hình con rùa và đặc biệt có hai khối đá kỳ lạ, gõ vào kêu như tiếng mõ, một hòn nghe tiếng trầm, một hòn nghe tiếng thanh. Động tối cũng là chùa thờ phật, đó là ngôi chùa thiên tạo.
Chùa Thượng thờ Quan Âm Bồ Tát
Chùa Thượng còn gọi là chùa Đông, chùa thờ Quan Âm Bồ Tát. Đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất, gần đỉnh núi Bích Động. Từ chùa Thượng nhìn ra xa có 5 ngọn núi đứng độc lập chầu về núi Bích Động, trông giống như 5 cánh hoa Sen, gọi là Ngũ Nhạc Sơn, gồm núi Tầm Sặng, núi Gia Định, núi Con Lợn, núi Đầu Cầu và núi Hang Dựa.
Bích động là một ngôi chùa "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam, không nơi nào có thế đất, thế núi như vậy. Chùa Thượng có hai miếu hai bên, bên phải thờ Thổ Địa, bên trái thờ Đức Sơn Thần.
Cạnh chùa có một bể nước gọi là "bể nước Cam Lộ" của Quan Âm Bồ Tát. Phía trước là cánh đồng Ngũ Môn. Đứng trên chùa Thượng có thể phóng tầm mắt bao quát được toàn bộ cảnh đẹp của chùa Bích Động.
Tại đây, người dân và du khách không những chiêm ngưỡng cảnh đẹp về phong cảnh duyên dáng hữu tình, về nghệ thuật văn hóa- kiến trúc, mà còn mang ý nghĩa là một di tích lịch sử của tỉnh Ninh Bình.
Cây cổ thụ-cây đại 400 năm tuổi vẫn ra hoa, tỏa hương thơm ngát
Đến chùa Thượng nhiều người dân trầm trồ khi đứng trước cây đại cổ thụ ước khoảng 400 năm tuổi, nhưng cây vẫn nhiều hoa, cành lá xum xuê và mang vẻ đẹp hiếm có.
Quan sát từ phóng viên Dân Việt, cây đại cao khoảng 10m, thân sần sùi, u bướu, tán lá phủ rộng ra xung quanh. Đặc biệt, phía dưới gốc cây đại cổ thụ này là một khối đá vôi nguyên khối khổng lồ.
Bà Hoàng Thị Hương (du khách Hà Nội) cho biết: "Tôi được biết chùa Bích Động là một di tích lịch sử văn hóa thuộc Quần thể danh thắng Tràng An Tam Cốc - Bích Động đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và UNESCO công nhận là di sản thế giới".
"Ở đấy có chùa Thượng trên đỉnh núi cao với cảnh quan rất đẹp, bên cạnh chùa có cây đại cổ thụ mọc trên khối đá. Tôi quan sát môi trường sống của cây đại khô cằn, khắc nhiệt như thế, nhưng không hiểu sao cây vẫn xanh tốt được", du khách Hương thắc mắc.
Qua tìm hiểu, cây đại có tên khoa học là Plumeria rubra acutifolia (Poir.) Bailey, thuộc họ trúc đào (Apocynaceae). Đây là loài thân gỗ nhỏ, có thể đạt được chiều cao tự nhiên từ 8 đến 12 m. Hoa của cây có màu trắng ở phía ngoài, bên trong màu vàng nhạt hoặc đỏ, mùi thơm.
Ở Việt Nam, hoa đại được trồng làm cảnh, che bóng mát, phổ biến ở gia viên, đình chùa, sân trường. Trong y học cổ truyền người ta còn dùng hoa đại sắc thuốc uống chữa bệnh tim mạch, huyết áp.
Theo Ni sư Thích Đàm Thọ-Chủ trì chùa Bích Động kể: "Cây đại này có từ lâu rồi, ước khoảng 400 năm tuổi gì đó. Xưa kia chắc các cụ lấy thân, cành cây đại nào đó đặt vào khe, hốc đá và với sức sống mãnh liệt đã phát triển thành cây đại cổ thụ như ngày nay".
Được biết, năm Giáp Ngọ 1774, chúa Trịnh Sâm đã đến thăm chùa, nhìn toàn cảnh núi, động, sông nước, đồng ruộng, cây cối đều xanh tươi, chùa như hội tụ nền xanh chùa nên đã đặt tên cho chùa là Bích Động.
Chùa Bích Động được xây dựng theo kiểu chữ "Tam" Hán tự, ba toà không liền nhau, tam cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành 3 ngôi chùa riêng biệt: Hạ, Trung và Thượng.
Điều độc đáo của chùa Bích Động là núi, động và chùa bổ sung cho nhau, lại ẩn hiện giữa những cây đại thụ xanh biếc, làm cho chùa hòa nhập với cảnh trí thiên nhiên ngoạn mục.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.