Cây cổ thụ cả làng trầm trồ chu vi gốc 14m bên sân miếu cổ ở Long An, đó là loài cây gì?
Có một cây cổ thụ hơn 200 năm tuổi, chu vi gốc 14m bên sân miếu cổ ở Long An, đó là loài cây gì?
Thứ bảy, ngày 15/06/2024 10:31 AM (GMT+7)
Ngôi miếu cổ Bình Tây, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An nằm ngay bên cạnh ngã ba rạch Đăng Mỹ, từ đó có thể về TP Tân An và thị trấn Tân Trụ bằng đường thủy. Trên sân miếu là cây cổ thụ-cây đa già hơn 200 năm tuổi.
Miếu Đăng Mỹ nằm sâu cuối con đường nhỏ thuộc ấp Bình Tây, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Ngôi miếu nhỏ nằm ngay bên cạnh ngã ba rạch Đăng Mỹ, từ đó có thể về TP.Tân An và thị trấn Tân Trụ bằng đường thủy. Trên sân miếu là cây đa cổ thụ hơn 200 năm tuổi.
Cây đa lớn, có chu vi gốc lên đến 14m, cành lá xòe rộng che mát cả khu vực miếu. Dáng cây cổ kính, độc đáo với nhiều đoạn rễ to quá vòng tay ôm.
Người dân Bình Tây tự hào về gốc đa cổ thụ ở quê mình. Ông Nguyễn Tấn Quốc (Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Bình Tây) kể: “Ngôi miếu và cây đa này có mặt ở đây từ khi nào chắc không ai biết rõ nhưng lại có ý nghĩa quan trọng đối với người dân trong ấp. Dù ở vị trí khá heo hút nhưng bao nhiêu năm nay, người dân Bình Tây vẫn chăm sóc, bảo vệ ngôi miếu và gốc đa già như một phần không thể thiếu trong cộng đồng dân cư”.
Nhắc lại chuyện xưa
Theo những người cao tuổi sống tại ấp Bình Tây, trước đây, khu vực miếu và cây đa thưa vắng dân cư, địa hình rậm rạp.
Dọc hai bên bờ rạch, dừa nước mọc um tùm và vốn là vùng căn cứ cách mạng trong giai đoạn chống Mỹ. Với địa thế thuận lợi về đường thủy lại được chở che bởi tán đa trăm tuổi, khu vực miếu Đăng Mỹ thường là địa điểm ta “ém quân” trước và sau các đợt tấn công.
Cây cổ thụ-cây đa già trong sân miếu Đăng Mỹ có chu vi gốc lên đến 14m. Cây cổ thụ này ở ấp Bình Tây, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An khoảng 200 năm tuổi.
Người dân trong vùng vẫn truyền tai nhau rằng, gốc đa ở miếu Đăng Mỹ là “chứng nhân” cho tinh thần chiến đấu anh dũng và cả những mất mát, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ ta trong những ngày đấu tranh giành độc lập.
Đó cũng là một trong những lý do khiến ngôi miếu nhỏ được người dân trân trọng, giữ gìn cho đến hôm nay. Gốc đa già trên sân miếu trở thành biểu tượng gắn liền với đời sống người dân ấp Bình Tây.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trương Minh Trí, cây đa tại miếu Đăng Mỹ là cây đầu tiên trên địa bàn huyện Tân Trụ được công nhận Cây di sản Việt Nam.
Cây đa không chỉ có giá trị về cảnh quan mà còn gắn liền với đời sống người dân cũng như các giai đoạn đấu tranh cách mạng của Nhân dân ấp Bình Tây, xã Tân Bình nói riêng, huyện Tân Trụ nói chung.
Trong buổi lễ công nhận Cây di sản Việt Nam diễn ra gần đây, ông Trương Minh Trí đề nghị Ban Quản lý cây di sản cũng như người dân địa phương quan tâm chăm sóc gốc đa nhằm cải tạo cảnh quan cũng như giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tại địa phương.
Một vùng quê đổi mới
Cây đa ở miếu Đăng Mỹ là Cây di sản Việt Nam đầu tiên của huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình - Nguyễn Thành Trung cho biết: “Việc chăm sóc, bảo vệ cây đa di sản tại địa phương sẽ gắn liền với hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ. Cây đa di sản như một “chứng nhân” cho truyền thống đoàn kết, anh hùng của người dân địa phương trong kháng chiến. Và truyền thống đó được gìn giữ, phát huy cho đến ngày nay. Điều đó được chứng minh bởi việc Đảng bộ, chính quyền và người dân Tân Bình đã đoàn kết cùng nhau xây dựng thành công xã nông thôn mới (NTM) nâng cao”.
Trở thành xã NTM nâng cao, Tân Bình có những đổi thay rõ nét, mang diện mạo mới từ kết cấu hạ tầng nông thôn đến cảnh quan môi trường. 100% đường xã được bảo trì hàng năm, có đầy đủ các hạng mục cần thiết như biển báo, biển chỉ dẫn, gờ giảm tốc. 80% đường xã có điện chiếu sáng, trồng cây xanh và trang bị thùng đựng rác. 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân cải thiện; công tác giảm nghèo, chính sách đền ơn đáp nghĩa được thực hiện tốt. Hơn 99% hộ gia đình có nhà ở đạt chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ Xây dựng.
Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 68 triệu đồng/năm, hộ nghèo đa chiều của xã còn 0,58%. Giáo dục, y tế tiếp tục phát triển; trật tự xã hội bảo đảm; cảnh quan môi trường sạch sẽ,...
Những thành quả khi xây dựng thành công xã NTM nâng cao tại Tân Bình tạo nên sự phấn khởi trong người dân, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền và người dân địa phương. Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Bình Tây - Nguyễn Tấn Quốc chia sẻ: “Từ khi xây dựng thành công xã NTM và NTM nâng cao, người dân càng đồng thuận hơn. Chỉ trong vòng 3 tháng, xã vận động toàn bộ người dân sống dọc tuyến đường kết nối Đường tỉnh 833C với đường Đăng Mỹ đồng thuận hiến đất để mở rộng đường. Không chỉ hiến đất, người dân còn đóng góp kinh phí. Tuyến đường đang được thi công, dài 1,2km và mặt đường rộng 5m. Khi Nhà nước và Nhân dân cùng làm thì điều gì cũng làm được!”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.