Tôi ghé Hamburg 24 tiếng, chỉ muốn đến nhà thăm mẹ cậu ta một chút, rồi quay về khách sạn, ngày mai bay tiếp. Dự định là thế. Tôi uể oải với những gì hiện đại, và với Hamburg lại càng uể oải hơn nữa.
Bà cụ chống gậy đón tôi ở phi trường. Bất ngờ và cảm động! Bà bảo cô con gái, Pat, lái xe đến Bardowick, ngoại ô Hamburg, uống càphê, ăn bánh ngọt và nhìn cối xay gió. Tôi lại bất ngờ, sao cụ già người Đức này lại bắt được ý thích của tôi thế nhỉ, khác xa với thằng con của bà, mà chúng tôi giao du hơn 15 năm, thay đổi smartphone, laptop, tablet... xoành xoạch.
Cối xay gió ở Bardowick thuộc loại cổ lỗ sĩ, năm ngoái nó vừa tròn 200 tuổi.
Khoảng 30 phút lái xe từ phi trường đến Bardowick. Dọc đường không thấy nhà cao tầng, không tiếng còi xe, chỉ có cánh đồng lúa mì, ngựa bò gặm cỏ và những ngôi nhà gạch đỏ biệt lập rải rác. Tôi e gió lạnh, nói bà vào hẳn trong quán, nhưng bà muốn ngồi ngoài sân uống càphê nhìn cối xay gió.
Cối xay gió thì có gì lạ đâu, phát minh lâu đời rồi, châu Âu nước nào chả có. Biến năng lượng gió thành dạng năng lượng khác. Sức gió đỡ sức người. Thời xưa dùng gió để chạy máy xay bột, bơm nước, tưới tiêu… Thời nay biến gió thành điện, xài cho tiện.
Cối xay gió ở Bardowick thuộc loại cổ lỗ sĩ, năm ngoái nó vừa “happy birthday” 200 tuổi, và hiện nay vẫn còn hoạt động. Nó xay bột lúa mì bán cho cư dân quanh vùng, và bán ngay cho quán càphê này làm bánh. Bánh ngọt ở đây nổi tiếng, nhiều khách nơi xa cũng tìm đến, bà cụ bảo thế. Tôi không hảo ngọt, nhưng cũng nuốt hết một lát bánh, đủ để không ăn nổi bữa tối.
Khu này có vẻ như khu cư xá, tôi đoán thế. Nhà cửa cách nhau 50 – 70m, đường phố, hoa lá sạch đẹp, xa xa là nóc chuông nhà thờ… Tôi hỏi, nhà ở đây giá bao nhiêu? Chừng 200.000 – 300.000 euro, Pat trả lời. À, dân thường ở, nhà đẹp thế mà rẻ hơn biệt thự ở khu thượng lưu Phú Mỹ Hưng.
Bà cụ trầm ngâm nhớ lại Hamburg đã một thời bị tàn phá vì chiến tranh. Vâng, điều này tôi biết. Hamburg là thành phố cảng và công nghiệp nặng, đóng tàu, kể cả tàu ngầm, lọc dầu... Trong thế chiến 2, nó là mục tiêu oanh kích lai rai của đồng minh, và cao điểm là chiến dịch không kích Gomorrah (*) tháng 7.1943, kéo dài tám ngày bảy đêm. Không lực Mỹ (USAAF) ban ngày, không lực Anh (RAF) ban đêm thay nhau oanh kích Hamburg. Hơn 40.000 người chết, gần
1 triệu người di tản khỏi thành phố, nhiều quận hạt (borough) của Hamburg như Hammerbrook, Billbrook trở thành bình địa.
Sau cuộc chiến, người dân Hamburg thuộc thế hệ bà cụ hoặc hơn đã phải cật lực để xây dựng lại thành phố từ con số không, làm việc và làm việc chứ không biết hưởng thụ. Quận Hammerbrook nay đã trở thành trung tâm thương mại. GDP của thành phố gần 2 triệu dân này khoảng 95 tỉ euro (năm 2011), xấp xỉ với GDP của đất nước Việt Nam 88 triệu dân.
Thế hệ “baby booming” và kế tiếp hưởng thụ những thành quả cật lực này. Họ phát triển và hưởng thụ. Mấy ai còn hiểu được chiến tranh, thấm thía được giá trị của cuộc sống và tồn tại. Những nhà văn Đức của một thời lưu đày như Thomas Mann, E. M. Remarque… đã chìm vào quên lãng.
Sài Gòn của tôi cũng thế, mà không phải như thế. Sài Gòn cũng là thành phố cảng, là trung tâm công nghiệp, thương nghiệp. Sau chiến tranh, Sài Gòn may mắn hầu như còn nguyên vẹn. 40 năm sau, Sài Gòn có nhiều nhà cao tầng, bên cạnh nhiều nhà ổ chuột, nhiều người bán vé số và công nhân lương tháng 150 USD. Sài Gòn là thành phố gia công, cả nước cũng thế. Kim ngạch xuất xài ké thành tích của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hơn 20% kim ngạch xuất khẩu tuỳ thuộc vào một công ty điện tử, trong nước chỉ cung cấp được bao bì, in ấn và lao động cho họ. Hàng da giày, may mặc xuất, nhưng chỉ toàn là nguyên liệu nhập.
Đã có thời tôi cũng hào hứng tham quan các nước công nghiệp phát triển Singapore, Hàn Quốc, và rồi vài nước ở châu Âu. Ngưỡng mộ và học hỏi từ họ cũng nhiều. Thầm nghĩ, Việt Nam đi sau sẽ rút được kinh nghiệm từ nước đi trước, mặc dù còn khuya mới đuổi kịp họ, nhưng ít ra cũng rút ngắn khoảng cách coi sao cho được.
Kiên nhẫn rồi cũng đến lúc cạn kiệt. Có nhiều lý do để giải thích cho Việt Nam không thể phát triển nhanh như Hamburg, Hàn Quốc, Nhật Bản dù điểm xuất phát của họ sau chiến tranh có khi còn tệ hơn. Lý do nào cũng hợp lý, nhưng yếu tố con người có lẽ là chủ yếu. Một khi giáo dục xem con người là phương tiện, thì mơ mộng phát triển chỉ là lạc quan tếu. Thời gian trôi qua… Xã hội nào cũng thay đổi và đi lên, nhưng cũng có thứ khư khư ôm lấy quá khứ. Ngắm nhìn một Hamburg công nghiệp hiện đại làm gì nữa cho thêm buồn!
Hamburg là thành phố châu Âu đầu tiên tôi ghé thăm, cũng hơn 12 năm rồi, và tôi đã bị choáng ngợp bởi sự hiện đại của nó. Năm đó, trời cuối thu, bà cụ đã đưa tôi qua những con phố ngập lá vàng… Thành phố Hamburg chiều thứ bảy yên tĩnh và tuyệt đẹp! Năm nay, bà cụ chống gậy đưa tôi về ngoại ô Hamburg uống càphê, nhìn cối xay gió.
Hamburg mùa này ngày dài đêm ngắn, tiết trời hơi lạnh như Đà Lạt. Tôi nghĩ đến đời người và cối xay gió. Thời gian chẳng chờ đợi ai… Nửa đêm về sáng, khi viết những dòng chữ này từ Hamburg, chợt thấy nhớ và thương Sài Gòn lận đận của tôi, nơi tôi sinh ra, lớn lên và sống gần hết cuộc đời mình.
Đêm Hamburg mưa nhẹ. Sài Gòn giờ này trời sáng tỏ rồi, nhưng chắc Sài Gòn sẽ không mưa buổi sáng đâu, phải thế không?
Hamburg 25.6.2014
Vui lòng nhập nội dung bình luận.