Sài Gòn 1975, ký ức tuổi thơ không quên!

Mỹ Nhân Thứ ba, ngày 29/04/2014 10:56 AM (GMT+7)
Những ngày cận kề tháng 4.1975 đến thời khắc miền Nam được giải phóng, cuộc sống ở Sài thành lúc bấy giờ thật nhốn nháo với muôn vàn khó khăn, gia đình tôi chân ướt chân ráo về quê của Nội.
Bình luận 0

 

Tôi nhớ lúc cả nhà mới về sinh sống ở vùng thôn quê để tránh xa nơi đô thành, cuộc sống do chưa quen nên rất buồn chán, lại thêm thiếu thốn đủ thứ. Niềm vui hằng ngày của chị em tôi là dắt nhau ra bờ sông tắm mát nghịch ngợm, chạy nhảy,... cho thời gian trôi qua nhanh để mong sớm trở về với ngôi nhà thân quen, với cuộc sống mới.

Thời điểm đó, chị em tôi là con gái nhưng trên mình chỉ mang mỗi chiếc quần đùi, tắm sông mà không biết bơi, chỉ biết “ nằm mẹp” trên những bãi đá, bãi cát có nước cạn gần bờ. Mấy em tôi đứa nào cũng “ở chuồng” lộng ngộng tung tăng chạy nhảy, tắm mát giữa trưa hè oi ả. Ở quê tôi miền Tây Nam bộ, cứ khoảng tháng Tư, tháng Năm là mùa nước sông cạn, nên chúng tôi suốt ngày thích ngâm mình dưới nước, vui đùa, bắt ốc, bắt hến, tối về lại hóng chuyện người lớn, nhưng nghe vậy mà chẳng hiểu gì cả.

Tôi lúc đó cũng còn bé, nhưng là chị lớn nhất trong nhà, nên phải cai quản cả một bầy nhóc vừa em ruột vừa em con cô con cậu, gần chục đứa trẻ tuổi xấp xỉ nhau, chưa biết một tý gì về khái niệm cuộc sống, ăn chưa no lo chưa tới, chỉ biết theo gia đình về quê. Nhưng sao tôi cứ luôn canh cánh và cảm nhận có một điều gì đó thay đổi, xen lẫn nỗi nhớ mênh mang khó tả khi phải xa thầy cô, bạn bè và ngôi nhà thân quen đã từng gắn bó kỷ niệm của tuổi thơ chị em tôi.
Bộ đội về làng. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Bộ đội về làng. (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Nhưng nỗi buồn rồi cũng tan biến rất nhanh. Ở quê lúc đó, cả trong xóm ngoài thôn bỗng rộn rã, vui mừng hân hoan tổ chức văn nghệ, treo băng rôn, cờ hoa, bánh kẹo đón bộ đội về làng, đưa bộ đội về từng nhà dân trong niềm xúc động dâng tràn. Hình ảnh ấy đã in đậm trong ký ức của tôi, thấy thắm đượm biết bao nghĩa tình, đúng nghĩa với những từ: “tình quân dân như cá với nước”. Nhà Nội tôi lúc đó cũng có 4 chú bộ đội ở trong nhà, trạc tuổi ngang ngửa bố tôi, nhìn chú nào cũng có ánh mắt bao dung, hiền hòa, vui vẻ và đặc biệt rất chân tình.

Thế là niềm vui của chị em tôi cũng bắt đầu từ đây, không còn đứa nào thiết tha ra bờ sông nữa, mà suốt ngày cứ quanh quẩn ngồi bên các chú bộ đội, để nghe kể chuyện cổ tích, chuyện cười, giải câu đố và còn được nhận phần thưởng “đặc biệt” là những thanh lương khô ngon lành, cho ai trả lời đúng những câu đố…

Chị em tôi như những chú chim non nho nhỏ, suốt ngày líu lo, đùa vui bên các chú. Các chú cũng ôm chúng tôi vào lòng như những đứa con, thể hiện tình cảm một cách thật thân thương, thật gần gũi, ấm áp… Hình như cứ mỗi lần như thế, mắt các chú lại rơm rớm lệ dõi về xa xăm như đang nhớ tới những đứa con lúc ra đi còn rất nhỏ, thậm chí còn nằm trong bụng mẹ chưa hề thấy mặt mũi. Vì quê hương đất nước mà các chú đã ra đi, hy sinh tuổi thanh xuân, gia đình, cuộc sống … nên mới có câu “ra đi từ thuở tóc xanh, ngày về tóc đã bạc màu khói sương".

Từ ngày có các chú bộ đội, trong gia đình tôi cũng như bao gia đình khác rộn ràng một niềm vui khôn tả, nhà luôn ăm ắp tiếng cười và sự chăm nom, tình cảm dành cho nhau còn hơn cả máu mủ ruột rà.

Mỗi buổi tối, khi mảnh trăng quê bắt đầu ló dạng sau lũy tre làng, cả xóm lại tụ tập trước nhà Nội tôi, trải chiếu ra giữa sân, nhâm nhi từng ngụm nước chè xanh, bồi hồi xúc động khi nghe các chú kể chuyện chiến trường với những năm tháng chiến đấu ác liệt, những tình huống ngàn cân treo sợi tóc và biết bao nhiêu cực khổ, gian nan để đổi lấy chiến thắng vẻ vang cho đất nước và cho cả dân tộc .

Tối đến các chú bộ đội trong Ban văn hóa cũng tổ chức nhiều buổi sinh hoạt cho các em thiếu niên nhi đồng. Các chú dạy học chữ, dạy hát và tổ chức nhiều trò chơi thú vị. Chị em tôi và những đứa trẻ trong làng, đứa nào cũng nôn nao, suốt ngày lóng ngóng trông trời mau tối để tham gia những buổi sinh hoạt đầy hào hứng và phấn khởi. Những bài hát về Bác Hồ kính yêu, về miền Nam... mà chỉ qua vài buổi sinh hoạt, bọn trẻ con đã thuộc nằm lòng, đi đâu cũng hát, ở đâu cũng nghe hát, đủ các loại âm điệu cao thấp, rồi lại bật cười, làm rộn ràng cả một làng quê.

Tình quân dân (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Tình quân dân (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

 

Khi các chú bộ đội về làng giúp dân, cả người lớn chứ không riêng gì trẻ thơ, trên khuôn mặt ai cũng rạng ngời niềm tin yêu, khung cảnh làng quê bao đời vốn tĩnh lặng, buồn tênh, bỗng dưng nhịp sống trở nên sôi động, rộn ràng hẳn lên.

Hằng ngày khi gà vừa gáy sáng là đã nghe vang lên những hồi kẻng của các chú bộ đội, mỗi giờ đánh theo mỗi kiểu: báo hiệu giờ tập thể dục buổi sáng, giờ ăn cơm, giờ đi lao động, giờ tập họp, giờ ngủ…Ôi chao, lũ trẻ chúng tôi chẳng cần người lớn phải nhắc nhở, quát mắng, chỉ thấy vậy mà cứ răm rắp làm theo.

Những giao thông hào trước đây chỉ toàn những vòng kẽm gai đan chằng chịt, không ai dám động, hay bén mảng tới gần vì sợ những quả mìn, quả lựu đạn vô tri vô giác, vô tình vô nghĩa kia cướp đi sinh mạng con người, nay các chú bộ đội về làng đã giúp dân tháo gỡ hết và dọn dẹp sạch sẽ. Thay vào đó, bên dưới dần hình thành nên những ô ruộng, luống rau xanh tốt, hai bên bờ là những luống cà, luống cải, luống khoai, bụi mướp, bụi bầu do chính tay các chú bộ đội giúp dân trồng để cải thiện thêm, có rau xanh trong bữa ăn.

Chiến tranh đã chấm dứt, ở lại quê tôi, rồi cũng đến ngày chia tay trong bịn rịn, nhớ thương. Các chú đã phải quay về nơi tập trung, về quê cha đất tổ, nơi có những người thân yêu đang mong ngóng đợi chờ các chú từng phút từng ngày. Tiếng kẻng báo hiệu hằng ngày của các chú bộ đội giờ đây ở làng tôi không còn nữa. Tiễn đưa nhau trong bùi ngùi tiếc nuối, ôm chầm nhau trong màn mưa lệ, cặp mắt người lớn, trẻ con, ai cũng đỏ hoe, mong có ngày gặp lại.

Ở nhà, chị em tôi khóc như mưa, cả 4 chú bộ đội ôm hôn chúng tôi trong nước mắt. Ôi giây phút thiêng liêng cảm động xiết bao khi cuộc đời là vô thường, nhưng kỷ niệm này sẽ không bao giờ có thể xóa nhòa và luôn đeo đẳng bên tôi trong suốt cuộc đời .

Đã gần đến Ngày kỷ niệm 30.4 - Ngày thống nhất đất nước, bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa khi còn thơ bé lại òa về trong tâm trí tôi. 40 năm trôi qua, mà sao tôi cứ cảm thấy những ký ức ấy như mới xảy ra ngày hôm qua, hôm kia. Tôi vẫn nhớ như in tên của từng chú bộ đội, từ khuôn mặt, bóng dáng, giọng nói, tiếng cười… Có lẽ bây giờ, những chú bộ đội ngày xưa ấy cũng đã già yếu, đang ở nơi quê xa, trên mọi miền Tổ quốc. Các chú có còn nhớ đến bé con ngày xưa này, cứ nũng nịu đòi lương khô…

Buổi chiều, từ loa phát thanh của phường nơi tôi đang sinh sống, văng vẳng bài ca “Các anh đi” đã làm cho “con bé ngày xưa” ấy xao xuyến trong lòng, mắt rưng rưng ngấn lệ lại chực trào dâng.

Các anh về, mái ấm nhà êm / Câu hát tiếng cười rộn ràng trong xóm nhỏ / Các anh về, tưng bừng trước ngõ / Lớp lớp đàn em hớn hở theo sau / Mẹ già bịn rịn áo nâu / Vui đàn con nhỏ rừng sâu mới về…Các anh đi, ngày ấy đã lâu rồi / Các anh đi, đến bao giờ trở lại / Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ trông…

XEM THÊM

>> Ký ức đêm rực lửa!

>> Ngày chiến thắng, Mẹ nghẹn ngào xen lẫn buồn vui!

 

 

 

 

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem