Một góc khác của Trịnh

Thứ sáu, ngày 01/04/2011 18:42 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không thiếu người sau khi qua đời càng trở nên nổi tiếng và Trịnh Công Sơn cũng là một người như vậy.
Bình luận 0

Cho đời chút danh

Không thể chối bỏ thực tế là nhờ hát Trịnh mà rất nhiều ca sĩ đã thành danh, thậm chí có người đóng khung tiếng hát của mình với Trịnh. Từ Khánh Ly đến Hồng Nhung, Cẩm Vân, Quang Dũng đều đã ghi dấu trong lòng công chúng qua những tác phẩm bất hủ như "Sóng về đâu", "Tôi ơi đừng tuyệt vọng", "Thuở bống là người" "Ru đời đi nhé"…

img
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Các ca sĩ trẻ khi muốn nâng cấp tên tuổi cũng chọn phương án hát Trịnh Công Sơn. Nguyên nhân rất đơn giản: Nhạc Trịnh vừa giản dị, vừa sang trọng, có độ phổ quát lớn, vượt ra khỏi phạm vi phán xét thông thường và rằng nhạc Trịnh "ai hát cũng hay, hát sao cũng tốt".

Ở một quán cà phê bất kỳ, chỉ cần tiếng hát cất lên "Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi" hay "Những hẹn hò từ nay khép lại" cũng đã đủ để khán giả vỗ tay, bất chấp người hát là ai. Sau hơn nửa thế kỷ, công chúng đã sẵn sàng để chấp nhận mọi tác phẩm của Trịnh, sẵn sàng thả hồn theo chúng hơn là quan tâm đến bản thân người hát.

Chẳng thế mà ngay cả trong những cuộc hội họp bạn bè người ta cũng hát nhạc Trịnh. Các album cứ liên tục ra mắt và quanh đi quẩn lại những bài đã rất nổi tiếng như một dải an toàn cho nghệ sĩ.

Điều đáng tiếc là dẫu Trịnh đã mang đến danh vọng, tiền bạc cho rất nhiều nghệ sĩ, ở chiều ngược lại người ta đã không dành sự công bằng cho ông cũng như gia đình ông. Nhiều năm qua, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh và gia đình vẫn tiếp tục bức xúc trước vấn nạn vi phạm bản quyền nhạc Trịnh diễn ra trên khắp cả nước trước sự bất lực của bà.

Nhân danh tình yêu dành cho bản thân và âm nhạc của Trịnh, người ta thản nhiên khai thác kho tàng của ông như thể đó là tài sản công cộng, như lẽ tự nhiên mà gia đình không có quyền từ chối, cũng không được đòi hỏi gì.

Chuyện bi hài rằng khi ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh đưa ra một mức giá, rất nhiều cá nhân, đơn vị đã phản ứng cho rằng gia đình Trịnh đã đem chuyện tiền bạc xen vào tình cảm, rằng không được lượng giá nhạc Trịnh và càng không được xâm phạm "quyền thưởng thức Trịnh Công Sơn của công chúng". Khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN không thu phí tác quyền nhạc Trịnh, sự vi phạm ngày càng tràn lan không cách gì ngăn chặn.

Bạn bè khắp chốn

Khi siêu sao ca nhạc Michael Jackson qua đời, thế giới ngỡ ngàng biết ông có quá nhiều "bạn thân". Trên các trang báo, hàng loạt ngôi sao từ nhiều đến ít tên tuổi đều thi nhau thương tiếc ông hoàng nhạc pop - người "rất thân thiết" với họ. Người này kể đã từng gặp Jackson ở đâu, người kia "xúc động" tường thuật lại từng lời Michael nói với mình. Trịnh Công Sơn cũng không ngoại lệ, nhất là khi ông nổi tiếng thích tụ họp bạn bè và rất quảng giao.

Trên nhiều trang báo, ca sĩ này "nhớ lại" những cảm nhận về Trịnh, ca sĩ kia "kể lại" chuyện Trịnh đã thương yêu mình thế nào. Những câu chuyện ít có điều kiện kiểm chứng cứ thế lan ra thành một sự bảo chứng cho khả năng của ca sĩ dù trên thực tế chuyện họ có gặp Trịnh bao nhiêu lần (cứ cho là thế) cũng chẳng liên quan gì nhiều đến chất giọng và thực lực sân khấu.

Chuyện nhạc sĩ Tuấn Khanh khi còn là phóng viên văn nghệ bị một ca sĩ khiếu nại viết bài sai sự thật (dù sau đó anh đã chứng minh mình có lý với bằng chứng thuyết phục là băng ghi âm những gì Trịnh nói trong cuộc phỏng vấn của anh trước đó) có lẽ là trường hợp hy hữu mà những "người thân" của Trịnh bị bóc mẽ. Bao nhiêu nội dung tường thuật, những câu chuyện kể còn lại đáng tin cậy khi người duy nhất có khả năng bác bỏ chúng nay đã đi vào thiên thu?

Tình yêu không có lỗi và sẽ không ai có lỗi nếu chúng ta ứng xử với nhau văn minh và công bằng hơn. Khán giả đã không hề vụ lợi khi ủng hộ Trịnh cùng những tác phẩm của ông và ngược lại Trịnh cũng đã dâng hiến cho cuộc đời - cái cuộc đời mà ông đã yêu nhiều quá - cả một kho tàng đồ sộ các ca khúc, tranh vẽ, bài viết…

Chỉ ngại khi người ta mượn Trịnh làm bình phong hoặc khai thác Trịnh cho những mục đích riêng tư nào đó để rồi trên sân khấu là những tiếng hát cằn cỗi, vô hồn, những câu chuyện không chở theo xúc cảm. Trên hết, chúng ta cũng cần học cách trả tiền cho tác phẩm như một cách chứng minh tình yêu.

Chủ "quán 47" - quán cóc ở ngay đầu hẻm nhà Trịnh Công Sơn (cách nhà khoảng 50m), nhạc sĩ hay ra ngoài đó ngồi uống café: "Năm nào vào ngày giỗ của Trịnh Công Sơn, nhà ông cũng đều mở cửa cho người yêu nhạc vào tham quan. Nhớ ngày còn sống, ổng toàn ra đây uống trà dù rằng ở đây khách đến uống cà phê là chủ yếu".

Họa sĩ Văn Luật: "Trịnh Công Sơn ít nói lắm. Vì yêu mến nhạc của ông nên tôi cũng tìm đến nhà để mong gặp được "thần tượng". Lâu lâu ra quán 47 này uống cà phê lại được bắt gặp bóng áo trắng hơi bạc màu, tay áo xắn cao của Trịnh Công Sơn. Vui lắm! Nhưng từ lúc ông mất đến giờ, tôi buồn, sợ nhớ kỷ niệm xưa, nhớ hình ảnh ông đăm chiêu nhìn khói thuốc nên chưa vào thăm lại ngôi nhà 47C Duy Tân (giờ là 47C đường Phạm Ngọc Thạch)".

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem