Trịnh Công Sơn - những gương mặt trong đời

Thứ tư, ngày 30/03/2011 12:51 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dường như ở mọi nơi chốn của cuộc sống, những giai điệu của Trịnh Công Sơn vẫn đang ngân vọng, qua những khuôn mặt, nét cười của những con người bình dân.
Bình luận 0

"Thời Khánh Ly"

Thỉnh thoảng ngồi ở quán O - quán rượu nhỏ trên phố Thợ Nhuộm (Hà Nội) do gia đình một bà cụ người Huế mở, bạn bè tôi mượn cây ghita của quán để hát vài bài nhạc Trịnh. Thường có một người lam lũ ngồi cạnh đó tỏ vẻ hào hứng, anh lắng nghe, lim dim đôi mắt...

img
Các bạn trẻ hát nhạc Trịnh trong một đêm kỷ niệm ngày mất nhạc sĩ năm 2010.

Anh là Thịnh, một người lái xe ôm, yêu Trịnh "điên đảo" từ hồi một số người ở Hà Nội còn "dấm dúi" truyền tay nhau băng cối và khoá kín cửa lại để nghe nhạc Trịnh. Anh Thịnh có người bạn là kiến trúc sư, cũng mê Trịnh lắm! Hai người tự dưng một hôm nào đó "sản sinh" ra cụm từ "thời Khánh Ly".

Như giải thích của Thịnh thì từ đó không nhằm chỉ ca sĩ Khánh Ly hay thời gian Khánh Ly hát nhạc Trịnh trước kia, cũng không hẳn nói về nhạc sĩ, mà như để đánh dấu lại một thời, hai anh em yêu mến nhạc Trịnh, nhận được từ đó sự tự tin, chín chắn và đàng hoàng. Đến nỗi chẳng hạn khi một người mua cái áo mới nhìn chưa ưng mắt thì người kia bảo: "Chưa được "thời Khánh Ly" lắm!".

Chuyện anh Thịnh là một ví dụ trong vô vàn ví dụ về những tấm lòng yêu Trịnh mà ta có thể nhận ra trên đường đi. Trịnh Công Sơn là một trong những nghệ sĩ hạnh phúc nhất bởi khi còn sống, ông đã cảm nhận tình yêu của rất nhiều người, nhiều thế hệ dành cho mình, cũng như ông đã và mãi mãi yêu thương tất cả.

Hẳn rằng tâm hồn ông còn phiêu du trong những câu ca, và khi giọng nối giọng, tuổi nối tuổi, những con người mới lại hát lên, thì ta lại thấy như phảng phất đâu đó một Trịnh Công Sơn, rất ảo mà rất thực.

Luôn có ánh nhìn nhạc sĩ

Và trường hợp Trịnh Công Sơn là một trong những tiêu biểu của cuộc đời tác giả và tác phẩm được nối dài bởi công chúng. Lại nhớ những cuộc hát kỷ niệm ngày sinh, ngày mất Trịnh Công Sơn của các nhà báo, sinh viên, thanh niên hoặc nhiều người đã là công nhân, viên chức vẫn diễn ra đều đặn.

Tối nay 30.3, theo lời mời của PGS.TS Ngô Văn Giá - Trưởng khoa Sáng tác và lý luận phê bình văn học, Trường ĐH Văn hoá Hà Nội, nhiều văn nghệ sĩ sẽ cùng đến khoa dự đêm nhạc Trịnh mang tên "Cho đời chút ơn".

Cuộc hát ở một quán café ngoài bãi An Dương năm kia và ở quán Kiến trên đường Nghi Tàm năm ngoái, hay những đêm trong Quán Cuối Ngõ dưới Nghĩa Tân và Nhạc Tranh quán đường Thái Thịnh, không ngờ lại có nhiều bạn trẻ hát nhạc Trịnh rất hay, nhiều gợi mở đến thế.

Anh Sơn - chủ Nhạc Tranh quán kể: Hồi còn trong quân ngũ, đóng ở tận Tây Nguyên, ngày mưa dầm dề, bỗng đâu nghe đài bật băng nhạc Trịnh, tự dưng thấy cuốn hút lạ thường, rồi cứ thế mà suốt những năm sau này cứ thấy cuốn hút mãi. Dường như thế mà trong hàng chục năm mở Nhạc Tranh quán, cùng với nhạc Beatles, "món" chính của quán để phục vụ khách luôn là nhạc Trịnh.

Anh bạn nhiếp ảnh gia kể chuyện, hồi còn là sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, có về thực tập ở chùa Hương (Hà Tây cũ). Năm đó sư thầy Thích Viên Thành vẫn còn. Các thầy rất nhiệt tình, "nuôi” sinh viên cơm chay. Tối tối, sinh viên ngồi chơi ghita, thầy Thích Minh Hiền (nay là sư trụ trì) cũng ra hát cùng, thầy hát rất hay những bài của Trịnh Công Sơn.

10 năm qua, đông đảo những người nghe, người hát vẫn thấy có Trịnh Công Sơn ở rất gần. Ông ở trong mình và trong những người đối diện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem