Một làng cổ ở Quảng Ngãi đẹp như phim, nhà rường cổ kính, có cây cổ thụ hình thù kỳ dị

Chủ nhật, ngày 24/09/2023 14:25 PM (GMT+7)
Ở làng cổ Lâm Sơn, xã Hành Nhân nằm bên dòng sông Phước Giang, huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) dấu thời gian đọng lại nơi cổng đình rêu phong, trên những ngôi nhà rường cổ...
Bình luận 0

Làng cổ Lâm Sơn thuộc xã Hành Nhân nằm bên dòng sông Phước Giang, đoạn chảy qua huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Một làng cổ ở Quảng Ngãi đẹp như phim, nhà rường cổ kính, có cây cổ thụ hình thù kỳ dị - Ảnh 1.

Đình làng cổ Lâm Sơn, xã Hành Nhân nằm bên dòng sông Phước Giang, huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi).

Làng cổ còn lưu giữ nhiều sắc phong

Con đường từ thị trấn Chợ Chùa về thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân băng qua những cánh đồng của làng. Lúa đang vào độ chín vàng ươm. 

Người quê, sau 3 tháng bỏ công chăm bón, giờ vào mùa gặt mới. Đình làng Lâm Sơn ngập tràn ánh nắng ban mai. Ai đó đã xin phép phơi lúa ở sân đình.

Ông Đoàn Pháp Luật, Trưởng Ban Quản lý đình Lâm Sơn, cho hay đình làng Lâm Sơn được xây dựng thời Gia Long (1802-1820) để thờ thành hoàng và các bậc tiền hiền của các dòng họ: Nguyễn Đăng, Nguyễn Văn, Lê và các bậc hậu hiền thuộc dòng họ Nguyễn Tấn, Bùi, Đinh…

Và cũng như đình làng An Định của xã Hành Dũng gần đó, đình làng Lâm Sơn lưu giữ nhiều sắc phong của triều Nguyễn trong hành trình mở cõi.

Đình xây dựng trên gò đất khá bằng phẳng. Mặt đình xưa quay về hướng Bắc, từ đằng xa nhìn thấy cây đa cổ thụ (nay đã được công nhận là cây di sản) vươn cao.

Một làng cổ ở Quảng Ngãi đẹp như phim, nhà rường cổ kính, có cây cổ thụ hình thù kỳ dị - Ảnh 2.

Dấu thời gian trên cổng đình làng cổ Lâm Sơn, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Đình làng xưa có hình chữ Đinh, tường xây gạch, trát vôi và lợp ngói âm dương. Trên mái đình tạc đôi con rồng. Đình có ba gian, cửa bàn khoa khá lớn. Bên trong đình là hàng cột gỗ lim bóng láng, mỗi cột to hơn cả một vòng tay ôm.

Rồi tháng năm sông Phước Giang đổi dòng. Người làng bèn sửa lại hướng, nên bây giờ đình quay mặt về hướng Nam. Phía trước đình có một vũng sâu, dân làng quen gọi là vũng Đình. Ngày xưa, quanh năm suốt tháng nước vũng Đình không bao giờ cạn, nên người làng trước khi làm nhà đều đem cây gỗ ra ngâm.

Hội tụ miền xuôi, miền ngược

Cụ Đoàn Khắc Lập, nay tròn 84 tuổi nhưng vẫn nhớ nhiều về những ngày tháng cũ.

Hồi trước Cách mạng Tháng Tám và cả thời 9 năm chống Pháp, đôi bờ của dòng sông Phước Giang tre xanh tốt bời bời. Sau mùa mưa bão, xuân về nước trong xanh.

Những thương thuyền từ vùng Kỳ Tân dưới hạ nguồn và nhiều nơi khác theo gió căng buồm ngược dòng chở theo mắm nục, mắm cơm, cá biển ướp muối, rìu rựa… lên neo đậu ở bến Lở và bến Ông Quyên - đối diện UBND xã Hành Dũng bây giờ, để bán buôn. Khi trở về, các thương thuyền chở đầy lúa, gạo, chè xanh, mây tre... để bán cho bà con làm nông nghiệp.

Còn trên miệt Long Sơn, đồng bào dân tộc hái những bó chè tươi, thu hoạch mây rừng gùi xuống chợ phiên Tam Bảo, xã Hành Dũng và nhiều vùng ở xã Hành Nhân để đổi chác.

Người làng Lâm Sơn vừa làm nông vừa bán buôn với các thương thuyền và đồng bào dân tộc. Làm ăn khấm khá nên bà con làm rất nhiều nhà rường cổ, quanh vườn trồng những hàng chè tàu cắt tỉa khá đẹp mắt. 

Người làng cũng đóng góp tiền của xây dựng đình làng với cấu trúc thuần Việt, ghi lại dấu ấn của một thời khai phá ở vùng đất bên sông Phước Giang.

Một làng cổ ở Quảng Ngãi đẹp như phim, nhà rường cổ kính, có cây cổ thụ hình thù kỳ dị - Ảnh 3.

Người quê thắp hương ở đình làng trong dịp Tết Nguyên đán

Ông Nguyễn Văn Đoàn, nhà ở phía Tây của đình, nói: "Cha tôi kể ở làng xưa kia, dịp tế xuân và tế thu đều vật heo, bò làm cỗ để cúng. Trước khi cúng ở đình, người làng chu đáo xếp đặt những mâm lễ vật, cử người mang đến tận nhà thờ những dòng họ tiền hiền, hậu hiền để cúng bái, nhớ ơn người tạo dựng nên làng.

Ngày tổ chức tế lễ, người làng còn mời cả các vị trưởng thượng của những làng lân cận và đón những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Hrê ở vùng cao Long Sơn về dự, tạo nên sự cố kết trong cộng đồng dân cư. 

Người làng Lâm Sơn trong những ngày lễ kéo nhau ra đình thắp hương, tưởng nhớ công đức của tiền nhân và cầu mong sự phù hộ độ trì để mưa thuận gió hòa, làm ăn tấn tới, tổ chức hát bài chòi cho người làng tiêu khiển.

Cứ vài năm, người làng còn thuê những gánh thợ hát bội từ trong tỉnh Bình Định về hát thâu đêm".

Đưa tay chỉ cánh đồng làng lúa đang vàng rực, ông Nguyễn Tuấn, người lo việc trông coi đình, kể: "Hồi xưa, cánh đồng này vụ đông xuân cấy lúa nhưng đến vụ hè thu nhà nhà đều dành một đám để cấy nếp cút. 

Giống nếp này hạt tròn và thơm nức mũi, từ khi bắt mạ, cấy xuống ruộng đến 4 tháng sau mới gặt. Gặt xong là phơi phóng, đổ vào bồ chứ mấy ai bán. Còn trong vườn, mọi người đều trồng cây huỳnh tinh, khi thu hoạch bà con mài củ, lấy bột đem phơi".

Một làng cổ ở Quảng Ngãi đẹp như phim, nhà rường cổ kính, có cây cổ thụ hình thù kỳ dị - Ảnh 4.

Một cây cổ thụ là cây đa di sản ở phía sau đình làng Lâm Sơn, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Sau những ngày lũ lụt rồi đông giá, dòng Phước Giang trong xanh trở lại. Nàng xuân sắp về. Đi từ đầu làng đến cuối làng thấy nhà nhà bắc nồi đất lên rang nếp nổ. Rồi cũng từ đó, đêm đêm vọng tiếng thậm thịch đóng bánh nổ.

Hết đóng bánh, người làng đem bột huỳnh tinh kết hợp với trứng gà, đường, đánh cho dậy bột để đổ bánh thuẫn. Bấy giờ, đi từ đầu đến cuối làng cứ phảng phất mùi thơm. Dịp Tết đến xuân về hay ngày giỗ tổ, người làng lại cùng nhau gói bánh tét, rồi kê nồi ra sân, chọn những cây củi gộc để nấu, kịp vớt bánh cúng giao thừa.

"Cái không khí rộn ràng của làng quê xưa cứ đọng mãi trong lòng người. Cứ dịp lễ, Tết, người làng ly hương lại nhớ, nên gọi điện về thăm và hỏi cảnh ấy nay có còn không" - bà Nguyễn Thị Lệ Dung, con dâu của làng Phước Lâm, kể.

Bảo tồn dấu vết cha ông

Làng Lâm Sơn từng bình yên qua nhiều đời.

Nhưng rồi chiến tranh. Năm 1969, địch bắn phá ác liệt nên ở làng có đến 150 ngôi nhà bị sập, mà phần lớn là nhà rường cổ. Đình Lâm Sơn cũng bị pháo bắn hư hỏng nhiều chỗ.

Người làng nhìn cảnh đổ nát, ai cũng xót. Nhưng người còn thì của còn. Bà con làm ăn chắt chiu xây dựng lại nhà, đóng góp tiền của tu sửa lại đình làng để thờ phụng. 

Cổng làng và khu vực tẩm, thờ thần hoàng phía trong đình làng cũng được nhiều lần trùng tu. Âu cũng là cách bảo tồn dấu vết của cha ông, để cháu con hôm nay và mai sau hiểu thêm về nét đẹp của đình làng.

Bây giờ, ở làng Lâm Sơn, Lệ Xuân và Lệ Thu chỉ mang tính tượng trưng. Thay vào đó, người làng "nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3" là ngày Giỗ Quốc tổ Hùng Vương để cúng đình.

Ngày cúng đình, người làng có mâm cúng tưởng nhớ đến vua Hùng có công dựng nước và những mâm cúng tiền nhân khai phá đất này, tạo cơ nghiệp cho con cháu. Trong ngày cúng đình, người làng còn tổ chức biểu dương con em trong làng học hành đỗ đạt, làm ăn tấn tới.

Ông Đoàn Pháp Luật cho hay kỳ cúng đình năm nay, Ban Quản lý đình đã họp bàn việc tổ chức lễ cúng. Bà con trong làng cũng gọi điện nhắc nhở người thân đi làm ăn xa hẹn nhau trở về trong dịp cúng đình, chứ mấy năm dịch COVID-19, rồi hậu dịch, nên việc tổ chức lễ cúng đình không được bài bản như trước.

Một làng cổ ở Quảng Ngãi đẹp như phim, nhà rường cổ kính, có cây cổ thụ hình thù kỳ dị - Ảnh 5.

Bên trong ngôi nhà cổ của dòng họ Nguyễn Văn ở làng Lâm Sơn, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Theo lời chỉ dẫn của người làng, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Đông, 74 tuổi, trưởng dòng họ Nguyễn Văn.

Nhà ông Đông quay mặt hướng Nam, thẳng hướng ra cánh đồng. Ông Đông cười vui, nói: "Mình làm trưởng tộc nên ngày Tết, sau khi thắp hương ở đình làng là thường trở về để đón bà con họ hàng đến thăm".

Ngôi nhà rường cổ của ông Đông đã trải qua 5 đời. Ngày xưa, khi làm nhà này, cụ tổ của ông Đông phải bỏ công tìm mua gỗ mít ở quanh vùng và lên mạn ngược mua cây gỗ sến, đóng bè xuôi dòng Phước Giang đưa về. Sau đó, cụ thuê cánh thợ mộc gò lưng đục đẽo, chạm trổ đến 3 năm mới hoàn thành.

Ngôi nhà của ông Đông là nơi tụ họp của các chi phái họ tộc. Ngày xưa, khi Tết đến xuân về hay ngày giỗ họ, các bà, các cô, con cháu trong họ kéo đến cùng nhau nấu nướng. Cánh đàn ông lo sửa soạn lại ba gian thờ, cắm hoa tươi vào các lọ, rồi sau đó đem dàn cỗ cúng ngoài sân và cúng rước ông bà trong các gian thờ.

Hết ông nội rồi đến cha của ông Đông trong ngày cúng rước đều áo dài, khăn đóng, chỉnh tề hành lễ. Những ngày đó, con cháu nơi xa thường về tảo mộ, thắp hương, bày tỏ niềm tưởng nhớ công đức tổ tiên.

Còn đình làng Lâm Sơn đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Năm 2021, tỉnh đã cấp kinh phí 100 triệu đồng để tu sửa lại sân đình, xây dựng bình phong, trụ biểu...

Người làng cổ Lâm Sơn xưa nay có lệ chọn ngày Giỗ Tổ Hùng Vương tổ chức cúng đình để tưởng nhớ các vua Hùng có công dựng nước và công đức của tiền nhân khai phá đất này.

Võ Quý Cầu (Báo Người lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem