Theo các cao niên làng Quan Tử, từ trước thời Lê, làng đã có tên là Gốm bởi gắn bó với nghề làm gốm. Tuy nhiên, sau vì làng có nhiều người đỗ tiến sĩ, ra làm quan nên được đổi tên thành Quan Tử.
Cho đến nay, hai chữ Quan Tử cũng có nhiều cách giải thích không đồng nhất. Tuy nhiên có thể hiểu là thuở xưa, theo luật lệ của triều đình thì những người thi đỗ tiến sĩ, cử nhân, tú tài mà được bổ làm quan thì nhất định không được làm quan ở quê nhà.
Thậm chí, còn có lệ không được dắt díu vợ con đến địa phương mà mình đang làm việc. Vì quy định này mà gia quyến cùng vợ con các quan đều phải ở lại làng.
Tương truyền, dưới triều vua Lê Thánh Tông, con nhà quan ở làng Gốm đông đến mức cứ ra ngõ là gặp. Nhà vua cảm khái cho rằng, đông con nhiều cháu là một cái phúc, bèn ban cho tên làng là Quan Tử, có nghĩa là làng con quan.
Tuy nhiên, thuyết khác giải thích chữ Quan Tử có nghĩa hoàn toàn khác chứ chẳng liên quan gì đến việc làng có nhiều con quan. Chữ “tử” có nghĩa là chỉ người có đức hạnh, học vấn… như cách mà dân gian vẫn gọi Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử. Quan Tử có nghĩa làng làm quan bởi do đức hạnh, tài giỏi – đó là cách gọi tỏ ý kính trọng các vị quan của làng.
12 tiến sỹ nho học ở làng Quan Tử
Cho đến nay, có khá nhiều số liệu khác nhau về tiến sĩ làng Quan Tử. Tuy nhiên, sau khi đối chiếu thì con số 12 người đỗ đại khoa là hợp lý. Hơn nữa, tấm bia dựng lại lập tháng quý đông (tháng 12) năm Tự Đức Mậu Dần (1878) cũng đề danh 12 vị tiên hiền.
Người được coi là khai khoa cho làng là Nguyễn Từ, tên tự là Tử. Ông sinh năm 1442, không rõ năm mất. Năm 25 tuổi ông thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Quý Dậu, niên hiệu Thái Hòa thứ 11 (1453), đời vua Lê Nhân Tông.
Theo như văn bia tại Văn miếu Vĩnh Phúc, các vị đỗ tiến sĩ thuộc làng Quan Tử có Lê Thúc Chẩn (1435 - ?) đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 32 tuổi trong khoa thi năm Bính Tuất, niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466), đời vua Lê Thánh Tông. Ông làm quan đến chức Đô ngự sử. Lê Thúc Chẩn là thúc bá của Hoàng giáp Lê Đức Toản, chú của tiến sĩ Lê Khiết.
Nguyễn Tộ (1440 - ?) đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khi 33 tuổi trong khoa thi Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472), đời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Hiến sát sứ.
Nguyễn Trinh (1447 - ?), 29 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư. Ông là anh của tiến sĩ Nguyễn Tư Phúc và là em của Hoàng giáp Nguyễn Tộ.
Nguyễn Tư Phúc (1450 - ?) thi năm 28 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475), đời vua Lê Thánh Tông. Ông làm quan đến chức Tham chính. Nguyễn Tư Phúc cùng Nguyễn Tộ, Nguyễn Trinh là ba anh em trong cùng một nhà thi đỗ tiến sĩ (nhất gia tam sĩ).
Trần Doãn Hựu (1452 - ?) thi năm 27 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478), đời vua Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư.
Lê Đức Toản (1452 - ?) thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484), đời vua Lê Thánh Tông và làm quan đến chức Đô ngự sử. Đến khi nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê, ông không chịu ra làm quan nên sau này, triều Lê trung hưng phong ông là Tiết Nghĩa.
Đặng Thận (1459 - ?) thi năm 26 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484), đời vua Lê Thánh Tông. Ông là em của tiến sĩ Đặng Điềm.
Đặng Điềm (1459 - ?) thi năm 32 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), đời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Hiến sát sứ.
Lê Khiết (1464 - ?) thi năm 27 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), đời vua Lê Thánh Tông.
Nguyễn Phu Hựu (1478 - ?) thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 28 tuổi khoa Ất Sửu, niên hiệu Đoan Khánh thứ nhất (1505), đời vua Lê Uy Mục. Làm quan đến chức Thượng thư.
Người cuối cùng là Lại bộ Tả thị lang Vũ tướng công, tên chữ là Doãn Tự, thi khoa Tân Sửu, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ triều nhà Mạc.
Tấm bia đá ghi danh tiên hiền Quan Tử nguyên xưa đặt ở Văn chỉ, là nơi hẻo lánh. Về sau khi tu sửa mới di về miếu để tiện cúng tế, và cho giống dáng vẻ phong vị của Văn miếu chốn làng quê.
Đối chiếu tên người đỗ đạt ghi trên bia này với bia Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội, thấy có 4 vị tiến sĩ ghi ở 3 bia là: Lê Thúc Chẩn, Nguyễn Trịnh, Nguyễn Tư Phúc, Trần Doãn Hựu, còn lại thì đều thất lạc cả.
Các nhà nghiên cứu đối chiếu với các sách “Đăng khoa lục” triều Lê, như: Lịch đại đăng khoa lục của Vũ Duy Đoán (sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm), Đại Việt lịch đại Tiến sĩ khoa thực lục, Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, bản khắc in đời Cảnh Hưng, thì làng này có 11 vị đỗ đạt ở triều Lê sơ, còn 1 vị thi đỗ ở triều Mạc.
Thầy giáo làm Thành hoàng làng
Khởi nguồn khoa bảng từ thời Lê sơ nên đến thời Lê trung hưng thì số cử nhân, tú tài của Quan Tử đã rất nhiều, trở thành một làng khoa bảng nổi tiếng nước ta. Điều đặc biệt hơn, ngôi làng khoa bảng này lại suy tôn thầy giáo Đỗ Khắc Chung làm Thành hoàng làng, lập miếu thờ vào năm Cảnh Tự thứ 3 (1665).
Theo các cao niên Quan Tử, trước đây vào mỗi kỳ thi hương, sĩ tử của làng thường hay làm lễ “cầu khoa” ở ngôi miếu này. Hiện nay, miếu đã được trùng tu, tôn tạo thành đền, gọi là Đền Quan Tử hay Đền thờ Đỗ Khắc Chung.
Đền thờ Thành hoàng Đỗ Khắc Chung được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1993. Quan Tử tuy không phải là nơi sinh ra Đỗ Khắc Chung nhưng lại là nơi nhân vật lịch sử này để lại dấu ấn trong cuộc đời mình, khi chưa nắm giữ những trọng trách trong triều đình nhà Trần.
Bản khai “thần tích - thần sắc” làng Quan Tử, tổng Đông Mật, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên đề ngày 2/4/1938 có ghi: “Ông Đỗ Khắc Chung nguyên là người Giáp Sơn, tỉnh Hải Dương, lúc ít tuổi có tài văn võ, học hành rất thông minh, lúc chưa hiển đạt, có đi chơi đến làng chúng tôi… thấy nhân dân phong tục thuần hậu mà ít học hành, ngài mới lập trường dạy học, nhờ đó nhân dân học tập thông thái, thành ra một làng có ý nghĩa”.
Cũng nội dung bản khai này cho biết, khi hiển đạt dân làng đã lập miếu thờ (sinh từ). Sau khi mất, nhờ được linh ứng, nên càng được các triều ban sắc phong. Từ thôn Quan Tử, Đỗ Khắc Chung đã vào triều làm quan.
Ông có công trong cuộc đàm phán với tướng giặc Ô Mã Nhi. Ông cũng là người được giao trọng trách vào Chiêm Thành cứu Huyền Trân công chúa tránh bị thiêu theo vua Chiêm Thành. Vì lập nhiều công lớn, ông được vua Trần Nhân Tông ban quốc tính thành Trần Khắc Chung.
Trong miếu có bức hoành phi trước thượng điện có 4 chữ: Vạn đại chiêm ngưỡng (vạn đời trông theo) khẳng định ân đức của thầy giáo Đỗ Khắc Chung, người mở mang nền văn hiến cho dân ấp. Trong tòa thượng điện có đôi câu đối nhắc đến chiến công của Đỗ Khắc Chung thời làm quan dưới triều vua Nhân Tông.
“Ô tưởng hùng phong tam thoái xá/Long vương hồng huống vạn tư niên”, nghĩa là: Tướng Ô trước gió mạnh, lui về ba sá/Vua Rồng gặp cả sóng, sợ đến vạn năm. Hàng năm, vào ngày mùng 3/10 âm lịch là ngày kỉ niệm thầy Đỗ Khắc Chung mở trường dạy học, người dân làng Sơn Đông thường tổ chức tế lễ rất long trọng.
Ngoài đền thờ thầy giáo làng, Quan Tử còn một linh tích thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1984. Hiện, di tích còn lưu giữ hòn đá cổ, tương truyền được Trần Nguyên Hãn dùng làm mài gươm khi xưa.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, thầy giáo Đỗ Khắc Chung là bậc Nho học thời Trần, có công lao to lớn trong việc khuyến học, đào tạo nhân tài ở các địa phương. Làng Quan Tử là một minh chứng rõ ràng về truyền thống hiếu học và khoa bảng mà Đỗ Khắc Chung là người “gieo mầm”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.