Cá diếc là loại cá nước ngọt phổ biến ở Việt Nam, giàu dinh dưỡng. Theo Đông y, cá diếc vị ngọt, tính bình, tác dụng kiện tỳ, bổ vị điều khí, trừ thấp, giúp ăn ngon miệng, phòng chống lạnh bụng, ăn uống không tiêu, tiêu chảy, lợi tiểu, tiêu thũng, cầm máu (ho ra máu, nôn ra máu, đại tiểu tiện ra máu…).
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, trong thịt cá diếc chứa nhiều dinh dưỡng, với protein chiếm 17,7%, lipit 1,8% và nhiều khoáng chất khác như calci 70mg%, phốt pho 152mg%, sắt 0,8mg%. Ngoài ra còn có nhiều vitamin các loại như B1, axit nicotinic...
Theo y học cổ truyền, cá diếc được sử dụng như một bài thuốc trị yếu sinh lý cho phái mạnh bởi những công dụng như điều hòa khí, tăng cường sinh lực và các bệnh khác như đại tiện ra máu, tiểu đường hay bệnh trĩ...
Cá diếc hầm cà rốt ăn lúc đói có tác dụng tiêu đờm, trị ho; dùng cho cả trường hợp ho ra máu, ho lao. Cá diếc bé kho nhừ với củ cải (ăn được cả xương) cũng là món ăn bồi bổ canxi, chữa ho.
Cá diếc hầm đậu (cá diếc 1 con 250 - 300g, thương lục thái nhỏ 10g, xích tiểu đậu (đậu đỏ nhỏ hạt) 30g. Cho thương lục và đậu vào bụng cá hầm chín. Ăn cái, uống nước vào lúc đói, ăn 2 ngày một lần. Ăn 3 lần) có thể chữa phù nhẹ.
Trẻ biếng ăn, gầy còm, hay đi lỏng, sức yếu: cá diếc 1 con 250g, gừng tươi 30g, trần bì (vỏ quýt khô) 10g, hồ tiêu 1g. Gói 3 thứ sau cho vào bụng cá (đã làm sạch). Nấu chín, ăn cá, uống nước. Chia 2 lần ăn trong ngày. Ăn liền vài ngày.
Chữa ít ngủ, ngủ không ngon giấc: cá diếc 300g, lá vông nem bánh tẻ 50g, hoa thiên lý 50g, gia vị. Xương cá giã nhỏ lọc lấy nước khoảng 400ml, đun sôi rồi cho lá vông và hoa thiên lý cùng với phần cá nạc. Nấu sôi lại là được. Ăn nóng lúc đói vào buổi chiều. Ngày 1 lần trong một tuần lễ.
Một số lưu ý khi nuôi cá diếc
Theo các chuyên gia nông nghiệp, cá diếc có ưu điểm là có thể nuôi ở những nơi có mực nước thấp như ruộng lúa, nhất là những vùng ruộng trũng.
Ao nuôi cá diếc nên gần nguồn nước sạch để chủ động thay nước mới vào ao như: sông ngòi, ao hồ, mương, giếng khoan, giếng đào; đất không bị chua hoặc mặn, không có chất độc hại cá, là đất thịt hoặc đất pha cát; đáy ao bằng phẳng, hơi dốc về phía cống thoát để thuận lợi khi thu hoạch và công tác cải tạo ao.
Trước khi thả cá cần cải tạo lại ao độ sâu bùn không quá 25cm, nước sâu 1,5m trở lên. Mỗi ao đặt một dàn cho ăn, trên lắp 1 máy cho ăn tự động, máy tăng oxy. Đồng thời phải có bút máy đo pH để đo và canh chỉnh độ pH cho nước ao.
Sau khi cải tạo xong có thể bón lót phân chuồng đã ủ mục để tạo thức ăn ban đầu cho cá con, với lượng 50 – 60 kg/100m2. Sau khi bón lót và lấy nước vào ao để khoảng 3 – 4 ngày mới thả cá.
Một trong những mấu chốt quan trọng của nuôi thâm canh cá diếc là nuôi bằng thức ăn có chất lượng cao, còn nuôi thức ăn thông thường giá trị thấp không thể cho năng suất cao được, sử dụng thức ăn như cám, bột đậu tương, thức ăn có hàm lượng đạm 38-40%, hệ số chuyển hóa cao, có thể giúp cá lớn nhanh, chất lượng thịt tốt. Nên viên hạt thức ăn nhỏ vì miệng cá diếc nhỏ.
Chất lượng cá giống là một trong các tiêu chuẩn kỹ thuật quan trọng quyết định đến năng suất. Do vậy khi chọn con giống thả nuôi cần phải đạt các tiêu chuẩn con giống khỏe mạnh, đồng đều về kích cỡ, không bị xây xát; bơi lội nhanh nhẹn, hoạt bát, bơi lội dưới mặt nước và thích bơi ngược dòng nước nhẹ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.