Một loại gia vị của Việt Nam được Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc mua rất nhiều, nhưng thiếu chiến lược tầm quốc gia

Minh Huệ Thứ sáu, ngày 04/11/2022 11:43 AM (GMT+7)
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, quế là một trong những loại gia vị quan trọng, đem lại giá trị xuất khẩu lớn (năm 2021 đạt 274 triệu USD). Sản phẩm quế của Việt Nam được tiêu thụ chủ yếu ở Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc, nhưng nhiều năm nay cây quế vẫn chưa được quan tâm đầu tư xứng tầm.
Bình luận 0

Quế - loại gia vị của Việt Nam được Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc mua rất nhiều

Tại Hội thảo Phát triển quế Việt Nam bền vững 2022 do Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp Tổ chức IDH và CRED tổ chức sáng 4/11, ông Nguyễn Văn Diện - Vụ trưởng Vụ phát triển sản xuất lâm nghiệp cho biết: Tổng diện tích trồng quế nước ta hiện nay đạt khoảng 170.000ha, tập trung ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Quảng Nam.

Trữ lượng vỏ quế Việt Nam ước đạt khoảng 900.000 – 1,2 triệu tấn/năm; sản lượng thu hoạch bình quân đạt 70.000 – 80.000 tấn/năm. Các nhà chế biến vỏ quế thường thu mua trực tiếp từ người thu gom và thực hiện sơ chế thô (sàng lọc, phân loại, bóc vỏ, sấy) và chế biến tinh (cắt và mài, loại bỏ kim loại và cặn, đóng gói).

Một loại gia vị của Việt Nam được Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc mua rất nhiều, nhưng thiếu chiến lược tầm quốc gia - Ảnh 1.

Gia đình chị Trần Thị Huân (xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm từ cây quế. Ảnh: Hoàng Hữu

Đáng chú ý là giá trị xuất khẩu sản phẩm quế hồi của Việt Nam tăng liên tục, năm 2020 đạt 245,4 triệu USD; năm 2021 là 274 triệu USD và dự kiến năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD. Trong đó, thị trường lớn nhất của sản phẩm quế Việt Nam hiện nay là Ấn Độ (90,7 triệu USD), Mỹ (54,2 triệu USD), Hàn Quốc (6,2 triệu USD).

Ông Diện cho biết, ngành quế hồi Việt Nam có nhiều thuận lợi khi các thị trường cao cấp như Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu ngày càng tăng; các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, VPA/FLEGT cho phép cắt giảm hoặc xoá bỏ thuế xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Tuy nhiên, hiện nay ngành quế hồi Việt Nam vẫn "tự thân vận động" là chính. Ông Diện thông tin: Hiện nay chúng ta chưa có định hướng chiến lược phát triển quế bền vững cấp quốc gia; chưa có diễn đàn điều phối hợp tác công – tư; thiếu công nghệ và vốn đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Năng lực kỹ thuật chuyên sâu của khuyến nông - khuyến lâm chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, các mối liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng quế chưa phát triển. Ông Diện chỉ rõ: "Nếu chúng ta không có kế hoạch phát triển căn cơ, bền vững thì sẽ xuất hiện những thách thức phát triển kém bền vững. Hiện nay, diện tích trồng quế đang tăng rất nhanh, một số nơi người dân trồng tự phát, vượt quy hoạch. Điều đáng nói, nếu cây quế trồng ở nơi môi trường bị ô nhiễm thì sẽ có nguy cơ chứa hàm lượng kim loại nặng cao. Tình trạng nhiễm kim loại nặng trong gia vị đã được cảnh báo ở nhiều quốc gia".

Một loại gia vị của Việt Nam được Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc mua rất nhiều, nhưng thiếu chiến lược tầm quốc gia - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Hội thảo Phát triển quế Việt Nam bền vững 2022. Ảnh: Minh Huệ

Hiện nay một số doanh nghiệp xuất khẩu quế đã tuân thủ các nguyên tắc của nhà nhập khẩu, nhưng các sản phẩm quế vẫn có nguy cơ bị nhiễm kim loại nặng từ vùng trồng nguyên liệu, vì vậy ông Diện nhấn mạnh rất cần có sự hợp tác mạnh mẽ giữa công và tư nhằm thúc đẩy phát triển ngành quế bền vững trong tương lai.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Huỳnh Tiến Dũng - Tổng Giám đốc quốc gia Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) chỉ rõ: Sản lượng quế mấy năm gần đây tăng nhanh do nhiều diện tích trồng ồ ạt, dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng, thị trường. Các ngành hàng khác thường có tổ chức liên chính phủ để điều phối sản xuất, thương mại, ví dụ như hồ tiêu, nhưng cây quế, hồi thì chưa có. Chúng ta cũng chưa có văn bản gì mang tính chiến lược cấp quốc gia về cây quế.

"Việc thiếu một định hướng chiến lược chung tầm quốc gia, thiếu cơ chế phối hợp giữa công – tư ở các địa phương, dẫn đến thực trạng hiện nay là mạnh ai nấy làm, các tỉnh trồng quế không có sự kết nối. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang thiếu bộ tài liệu cập nhật liên tục đáp ứng đòi hỏi mới của thị trường quốc tế, nhất là các thay đổi về yêu cầu dư lượng kim loại nặng" – ông Dũng nói.

Cũng theo chia sẻ của ông Dũng, bản thân ông làm tổ chức phi Chính phủ mấy chục năm nhưng chưa thấy có hội thảo nào tầm quốc gia về cây quế. 

Ở các tỉnh trồng quế chủ lực hiện nay đang nặng về mở rộng diện tích mà chưa chú trọng đầu tư chất lượng, chế biến, tìm kiếm thị trường. Sản phẩm vẫn tập trung xuất thô, mới có 1 phần quế vào châu Âu, Mỹ nhưng tỷ lệ chưa đến 10% sản lượng.

Một loại gia vị của Việt Nam được Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc mua rất nhiều, nhưng thiếu chiến lược tầm quốc gia - Ảnh 4.

Một số sản phẩm quế của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: T.L

Theo Giám đốc Hiệp hội Gia vị Mỹ, hiện nay, Mỹ đang đề xuất ngưỡng mới trong việc tồn dư một số chất, sản phẩm nhập vào Mỹ vượt ngưỡng sẽ bị trả lại nên các doanh nghiệp cần lưu ý để đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường.

"Các ngưỡng dư lượng này hiện đang được đề xuất và vẫn phải mất khoảng 3 năm để hoàn thành nghiên cứu, sau đó đi đến thực hiện. Như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gia vị, trong đó có quế, hồi vẫn còn thời gian để chuẩn bị đáp ứng các ngưỡng mới này" - đại diện Hiệp hội Gia vị Mỹ cho biết.

"Chúng tôi đề ra yêu cầu cao, đồng thời tăng cường sản phẩm hữu cơ nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng" - đại diện Hiệp hội Gia vị Mỹ nói thêm.

Trước nhu cầu phát triển cây quế Việt Nam bền vững, đem lại giá trị xuất khẩu, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho bà con nông dân, ông Hoàng Thanh Hải - đại diện IDH cho biết: Hiện nay các ban ngành, doanh nghiệp, tổ chức liên quan đang triển khai các bước để xúc tiến thành lập Hiệp hội đại diện cho ngành quế; đã trình dự thảo thành lập Tổ công tác quế lên Bộ NNPTNT phê duyệt, trong đó đề xuất Bộ NNPTNT xây dựng chiến lược phát triển quế quốc gia. 

Đẩy mạnh triển khai chứng nhận bền vững và cập nhật yêu cầu mới của thị trường. Và kết quả đáng mừng là Chứng nhận RA đầu tiên cho ngành quế đã được cấp cho Công ty Hương Gia Vị Sơn Hà, với sự hỗ trợ của IDH. Gần đây nhất, Sơn Hà cũng là đơn vị đầu tiên được cấp chứng nhận UEBT/RA cho chuỗi quế từ CRED.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã triển khai liên kết theo chuỗi giá trị hiệu quả, điển hình như Vinasamex, Sơn Hà, Nedspice... Các thành viên trong chuỗi quế cũng đã thiết lập kênh liên lạc với Hiệp hội Gia vị Mỹ và Hiệp hội Gia vị châu Âu; tìm hiểu khả năng phát triển tín chỉ carbon cho quế; kết nối các tổ chức phi chính phủ để huy động nguồn lực... 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem