Quảng Trị: Nông dân liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, cuối vụ có công ty tới tận nơi
Quảng Trị: Nông dân liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, cuối vụ có công ty tới tận nơi thu mua
PV
Thứ ba, ngày 09/01/2024 19:29 PM (GMT+7)
Hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững mỡ rộng vùng nguyên liệu của Tổng công ty Sông Gianh. Vụ đông xuân 2023-2024 ở xã Hải Định (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) Tổng công ty Sông Gianh đang sản xuất lúa VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và sẽ từng bước nhân rộng mô hình này ra trên các cánh đồng.
Trên cánh đồng ở xã Hải Định (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) nông dân đang hối hả tát nước, làm đất, bón phân để chuẩn bị gieo trồng vụ lúa đông – xuân năm 2024.
Đều tay rải phân trên ruộng lúa, bà Trần Thị Xuân Dịu (60 tuổi, ở xã Hải Định, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cho biết: "Tôi đang rắc phân bón của Tổng Công ty Sông Gianh xuống ruộng để chuẩn bị gieo vụ lúa mới. Vụ này, gia đình tôi làm 2,5 mẫu bằng giống lúa Khang Dân 18. Chúng tôi được Tổng Công ty Sông Gianh đầu tư phân bón đến khi thu hoạch mới phải thanh toán, điều này giúp nông dân đở phải lo trong việc chuẩn bị tiền mua vật tư phân bón để sản xuất.
Vừa qua, HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Phước Điền cũng đã hướng dẫn bà con thực hiện đúng quy trình từ làm đất, bón phân, gieo giống nhằm giảm "chi phí đầu tư cho nông dân".
Tại ruộng lúa cạnh bên, bà Ngô Thị Cơ (51 tuổi, ở xã Hải Định, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cũng đang cần mẫn làm đất để chuẩn bị gieo trồng vụ lúa mới.
Bà Ngô Thị Cơ cho hay: "Vụ lúa năm nay, gia đình tôi làm 1,5 mẫu ruộng bằng giống lúa Khang Dân 18. Ngay từ đầu vụ Tổng công ty Sông Gianh, HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Phước Điền đã tổ chức họp và triển khai với bà con về việc liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua đó, chúng tôi được Tổng công ty Sông Gianh cung cấp toàn bộ nguồn nguyên liệu đầu vào phân bón, thuốc bảo vệ thực vật … toàn bộ quá trình sản xuất được quản lý chặt chẻ và đảm bảo sự an toàn cho sản phẩm lúa gạo. Đến khi thu hoạch Tổng Công ty Sông Gianh thu mua lúa tươi ngay tại ruộng nên cũng an tâm".
Ông Nguyễn Quyền – Giám đốc HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Phước Điền (xã Hải Định, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), chia sẻ: "Vụ lúa đông – xuân năm nay, HTX chúng tôi liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với Tổng Công ty Sông Gianh trên diện tích 30 ha. Đây là vụ đầu tiên trên địa bàn triển khai liên kết với Tổng công ty Sông Gianh. Việc sản xuất lúa VietGAP giúp nông dân giảm chi phí vật tư đầu vào, giá lúa gạo cao, quan trọng là bảo vệ được sức khỏe, môi trường sinh thái... nếu hiệu quả sẽ mở rộng diện tích triển khai trên địa bàn, để người nông dân tiếp cận được những lợi ích từ việc liên kết sản xuất theo VietGAP mang lại".
Theo lãnh đạo UBND xã Hải Định (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), xây dựng cánh đồng lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm là hướng đi tất yếu của ngành Nông nghiệp nhằm phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việc sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP có nhiều cái lợi cho nông dân. Chi phí sản xuất thấp hơn, vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nông dân và người tiêu dùng, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất theo hướng an toàn, bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.