Một loài sâu xuất hiện với mật độ cao ở nhiều diện tích lúa vùng Đồng bằng sông Hồng
Một loài sâu xuất hiện với mật độ cao, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị tăng cường phòng chống, bảo vệ lúa
Minh Ngọc
Thứ sáu, ngày 25/08/2023 08:35 AM (GMT+7)
Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) – Bộ NNPTNT, hiện nay trên lúa mùa chính vụ tại các tỉnh ven biển và vùng Đồng bằng sông Hồng, sâu cuốn lá nhỏ phát sinh và gây hại với mật độ cao hơn 4-5 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Thời gian tới, mật độ sâu cuốn lá nhỏ tiếp tục gia tăng trên đồng ruộng, có khả năng gây hại nặng.
Nông dân lo lắng trước sâu bệnh gây hại
Bà Phạm Thị Thủy (nông dân xã Đông Vinh, huyện Đông Hưng, Thái Bình) cho biết, những ngày vừa qua thời tiết xuất hiện nắng mưa xen kẽ, lúa được cung cấp thêm lượng đạm tự nhiên, xanh tốt hơn sẽ "kích" quá trình đẩy sức vào nhộng và vũ hóa của pha trưởng thành, chuẩn bị cho lứa sâu thứ 5, tấn công trực tiếp vào lá đòng.
"Sâu rải lứa, xen gối lứa ngay trong từng thôn khiến cho công tác phòng, trừ của bà con thêm phần khó khăn. Do thời tiết nắng mưa xen kẽ khiến việc phun thuốc phòng trừ kém hiệu quả" - bà Thủy cho hay.
Bà Vũ Thị Nhuệ - Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Đông Hưng cho biết, sâu đục thân hai chấm ra rải rác, có khả năng gây hại cục bộ cho diện tích lúa trỗ bông trong tháng 8; rầy phát sinh sớm và gia tăng mật độ nhanh. Bệnh khô vằn cũng phát sinh sớm so với cùng kỳ nhiều năm, tỷ lệ bệnh nơi cao từ 5 - 7%.
Cục BVTV đề nghị các địa phương, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng", đảm bảo trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi tiếp xúc với thuốc; thu gom và xử lý an toàn, đúng quy định với vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng.
Trước tình hình trên, Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Đông Hưng đã khuyến cáo bà con phun kết hợp diệt sâu đục thân cho diện tích trỗ bông trong tháng 8. Ngoài ra, phun trừ rầy khi mật độ trên 800 con/m2, bệnh khô vằn khi tỷ lệ bệnh trên 5%.
Theo điều tra của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thái Bình, vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy trên 75.000ha. Sau đợt mưa cuối tháng 7, đầu tháng 8 đến nay, lúa mùa phát triển khá thuận lợi, trà sớm đang làm đòng, còn lúa mùa đại trà ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến phân hóa đòng. Dự kiến đến ngày 31/8, toàn tỉnh có khoảng 5.500ha lúa mùa trỗ bông, tập trung tại các huyện: Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư.
Tuy nhiên, hiện nay trên đồng ruộng, sâu cuốn lá nhỏ có 2 cao điểm gây hại: Cao điểm 1 sâu non nở rộ từ ngày 10 - 14/8, mật độ phổ biến 20 con/m2, nơi cao từ 40 - 60 con/m2, cục bộ từ 100 - 150 con/m2 gây hại lá đòng, lá công năng lúa mùa trà sớm trỗ trước ngày 31/8 ở các huyện phía Bắc và những diện tích chân quẩn ven làng, vùng có mật độ sâu cao với diện tích khoảng 4.000ha tập trung chủ yếu ở huyện Hưng Hà và Đông Hưng. Cao điểm 2 dự kiến sâu non nở rộ từ ngày 18 - 25/8. Dự báo mật độ sâu non trung bình 100 - 150 con/m2, nơi cao 300 - 400 con/m2, cục bộ trên 600 - 800 con/m2, sâu non gây hại trên diện rộng toàn tỉnh, gây hại lá đòng và lá công năng trên các trà lúa.
Sâu cuốn lá nhỏ tiếp tục gia tăng
Để chủ động phòng, ngừa sâu bệnh trên lúa ở các tỉnh phía Bắc, ngày 21/8, Cục BVTV đã có công văn đề nghị tăng cường công tác phòng, chống sinh vật gây hại trên lúa mùa.
Theo Cục BVTV, vụ mùa 2023 tại các tỉnh phía Bắc đã gieo cấy được 825.653ha, lúa đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái - làm đòng, ôm đòng. Do điều kiện thời tiết liên tục nắng mưa xen kẽ, mưa dông một số đối tượng sinh vật gây hại phát sinh, phát triển triển gây hại lúa; đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu và rầy lưng trắng…
Nhiều nơi sâu cuốn lá nhỏ gây gại trên lúa mùa chính vụ với mật độ cao hơn 4-5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Mật độ ổ trứng phổ biến 50-100 quả/m2, nơi cao 200-300 quả/m2, cục bộ 500-700 quả/m2 (Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh); sâu non phổ biến 10-20 con/m2, nơi cao 30-50 con/m2, cá biệt có nơi 100-200 con/m2 (Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Phòng...).
Theo nhận định của Cục BVTV, thời gian tới mật độ sâu cuốn lá nhỏ tiếp tục gia tăng trên đồng ruộng, nếu không chỉ đạo phòng chống kịp thời, quyết liệt sẽ có khả năng gây hại nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa vụ mùa năm 2023.
Cục BVTV đề nghị Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh, thành phố phía Bắc báo cáo Sở NNPTNT chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn thực hiện nghiêm túc phân công cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng; điều tra phát hiện và dự tính, dự báo chính xác thời điểm phát sinh, gây hại của các sinh vật gây hại chính để chủ động hướng dẫn, chỉ đạo phòng chống.
Phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng chống kịp thời một số sinh vật gây hại chính trên lúa. Cụ thể, đối với sâu cuốn lá nhỏ cần tập trung theo dõi và hướng dẫn phòng chống sâu cuốn lá nhỏ trên các trà lúa xanh tốt, bảo vệ an toàn bộ lá đòng để đảm bảo năng suất lúa.
Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng tiếp tục theo dõi diễn biến phát sinh của rầy trên các trà lúa, nhất là giai đoạn từ trỗ- chín sữa – chín; tổ chức phòng chống kịp thời những diện tích có mật độ cao ngay từ khi rầy tuổi 2-3 bằng các loại thuốc đặc hiệu; Tiếp tục theo dõi diến biến phát sinh của bệnh lùn sọc đen, khoanh vùng phun trừ rầy môi giới truyền bệnh và tiêu hủy cây lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen.
Đối với sâu đục thân 2 chấm, theo dõi chặt chẽ mật độ ổ trứng trên lúa giai đoạn đòng già - trỗ, nhất là trà muộn trỗ muộn trong vùng để chủ động trong công tác chỉ đạo phòng trừ. Với những vùng thường bị bệnh bạc lá gây hại nặng, các Chi cục chỉ đạo, khuyến cáo nông dân không bón phân đạm thúc trỗ và nuôi hạt để hạn chế bệnh bạc lá...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.