Một người gọi là ông “Thành điên” trồng nho Nhật Bản ở Lâm Đồng, hái cả tấn trái mà chả kịp bán
Một người mà dân gọi là ông “Thành điên” trồng nho lạ ở Lâm Đồng, hái cả tấn trái mà chả kịp bán
Văn Long
Thứ năm, ngày 07/03/2024 13:47 PM (GMT+7)
Sau thời gian dài thử nghiệm, học tập, "bị" mọi người xung quanh gọi là “Thành điên” vì trồng nho tại Lâm Đồng thì ông Nguyễn Hữu Thành (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng) đã thành công với 4 loại nho, thu hoạch hàng tấn vẫn không đủ bán.
Bị gọi là "Thành điên" vì đem nho Nhật Bản về trồng ở Lâm Đồng
Clip: Vườn nho Nhật Bản được trồng tại Lâm Đồng của ông Nguyễn Hữu Thành, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng.
Những ngày sau Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, nhiều du khách, người dân địa phương dựa vào thông tin trên mạng xã hội đã rủ nhau đến vườn nho của ông Nguyễn Hữu Thành tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng để check-in, chụp ảnh.
Vườn nho này nổi tiếng bởi những chùm nho dài, đen bóng, vị ngọt thanh cũng như sự độc lạ khi một địa phương của Lâm Đồng lại trồng được loại cây này.
Người dân tại Lâm Đồng thích thú chụp ảnh bên những chùm nho bên trong vườn nho Nhật Bản của ông Thành, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng.
Có mặt tại vườn nho "Bồng Lai Farm" của ông Thành nhờ sự hướng dẫn của cán bộ Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh, phóng viên cũng bất ngờ bởi sự phát triển tươi tốt của những cây nho do chính tay ông Thành trồng và chăm sóc.
Ông Thành cho biết, những cây nho này được ông trồng cách đây 6 năm, đến nay đã thu hoạch chính, hiện cung không đủ cầu.
Dẫn phóng viên đi tham quan vườn nho rộng 2.000m2 của gia đình mình, ông Thành cho biết: "Trước đây, gia đình tôi cũng trồng cà phê và hồ tiêu như bao gia đình khác tại địa phương.
Tuy vậy, đến năm 2017 thì giá cà phê, hồ tiêu khá thấp, năng suất lại không cao do dịch bệnh, vì vậy tôi đã nghĩ đến việc chuyển hướng trồng loại cây trồng khác có giá trị cao hơn. Năm 2018, một người bạn của tôi làm việc tại Nhật Bản đã mời tôi qua đó chơi.
Nhận lời mời của người bạn, tôi đã đi Nhật Bản và được người bạn này tư vấn trồng nho, anh ấy sẽ chỉ cho tôi kỹ thuật, nhập cây giống về.
Sau thời gian suy nghĩ, tôi đã quyết định phá 2.000m2 đất trồng cà phê và hồ tiêu, nhập 300 gốc nho giống gồm nho đen, nho mẫu đơn, nho móng tay và nho đỏ về trồng.
Lúc đó, mọi người xung quanh cứ gọi tôi là "Thành điên" vì chả có ai trồng nho ở Lâm Đồng cả. Vợ con tôi cũng phản đối, nhưng tôi cố gắng thuyết phục để trồng thử nghiệm và chờ đợi kết quả".
Sau khi nhập giống về, ông Thành đã học hỏi và làm theo hướng dẫn của người bạn tại Nhật Bản. Do múi giờ cũng có sự chênh lệch nên ông "Thành điên" và người bạn sống tại Nhật Bản chủ yếu hẹn nhau trao đổi qua mạng xã hội.
Đến cuối năm 2021, những cây nho đã bắt đầu đơm hoa, kết trái và ông Thành thu hoạch được khoảng 300kg nho.
"2 năm đầu tôi trồng nho không có quả, vợ tôi cũng càu nhàu ghê lắm. Nhưng tôi vẫn cố gắng, thuyết phục vợ để chăm sóc giàn nho của mình.
Đến bây giờ, vườn nho đã bước đầu cho tôi và gia đình trái ngọt, thu hoạch không đủ bán ra thị trường. Trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục trồng thêm 2.000m2 nữa, hy vọng sẽ là cách làm mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa", ông Thành chia sẻ.
Giá nho Nhật Bản bán 250.0000 đồng/kg
Rất vui vì lựa chọn, cách làm của mình đã mang lại hiệu quả bước đầu, hiện mô hình của ông Thành đã được cơ quan chức năng địa phương đến ghi nhận, đánh giá. Thời gian vừa qua, nhiều khách du lịch đã đến tận nơi tham quan, thu hoạch và mua nho tại vườn của ông Thành.
Tại vườn nho của ông Thành, phóng viên cũng ghi nhận sự tỉ mỉ, khoa học khi ông Thành trồng nho. Toàn bộ những gốc nho được ông Thành tưới bằng hệ thống tưới nhỏ giọt, bên trên được phủ nilon dạng nhà kính.
Tuy nhiên, lớp nilon này không phủ toàn bộ bên trên giàn nho mà cách nhau khoảng 1 mét. Bên dưới các gốc nho cũng được phủ rơm để giữ độ ẩm, giúp nho phát triển tốt hơn.
Ông Thành, nông dân trồng nho Nhật Bản ở xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, (tỉnh Lâm Đồng) bới lớp rơm dưới gốc nho để lộ ra đường ống tưới nhỏ giọt nằm trên mặt đất.
"Thời gian đầu tôi trồng nho gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù, tôi được bạn hỗ trợ kỹ thuật nhưng chỉ hướng dẫn qua mạng xã hội, không chỉ tận tay với một loại cây mới, chỉ mình mình làm nên rất khó.
Việc tôi trồng nho ở Lâm Đồng nên việc học tập kinh nghiệm, kỹ thuật ở các tỉnh khác như Ninh Thuận, Bình Thuận cũng không khả thi do khác khí hậu, thổ nhưỡng.
Mặc dù vậy, tôi vẫn quyết tâm trồng nho tại Lâm Đồng. Thời điểm ban đầu, có lúc vừa làm, vừa cầm điện thoại trao đổi với bạn, anh ấy bảo cắt tỉa thế nào là mình làm theo luôn.
Tôi hoàn toàn phải tự làm hết, thuê công cũng không được vì họ chưa biết làm, mình cũng chưa biết để chỉ. Vì thế mà khoảng thời gian đầu, thật sự là khó khăn và thử thách đối với tôi", ông Thành nhớ lại.
Nói về dự định của mình, ông Thành cho biết, những năm tới, mỗi năm ông sẽ trồng thêm 1 giàn nho các loại. Đồng thời, hoàn thiện các kỹ thuật để chuyển giao kỹ thuật cho người dân có nhu cầu trồng nho tại Lâm Đồng.
Hiện nay, ông Thành đang cho người dân, du khách đến tham quan miễn phí, thu hoạch nho chín và bán tại vườn với giá 250 ngàn đồng/kg nho đen. Đối với nho đỏ quả to, nho mẫu đơn và nho móng tay ông Thành sẽ bán với giá cao hơn nhiều do hàm lượng dinh dưỡng cao, kỹ thuật trồng khá khó.
Hiện nay, giàn nho rộng 2.000m2 của ông Thành cho thu hoạch hơn 1 tấn quả thành phẩm. Loại nho này có thể phát triển được trong khoảng 20 năm, càng ngày năng suất càng cao, chính vì vậy, ông Thành hy vọng trong thời gian tới năng suất sẽ tăng cao, hiệu quả kinh tế rõ rệt hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.