Một nông dân Sóc Trăng phất lên nhờ nuôi con "là đầu cơ nghiệp"

Thứ năm, ngày 01/12/2022 18:45 PM (GMT+7)
Chị Sơn Thị Von, nông dân ở ấp Trung Thống, xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) là hộ điển hình trong việc chịu khó, cần cù lao động vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ thực hiện mô hình nuôi trâu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bình luận 0

Thời gian qua, phong trào thi đua lao động sản xuất ở một số địa phương cúa tỉnh Sóc Trăng có đông đồng bào Khmer sinh sống đã có sức lan tỏa và phát triển sâu rộng, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt đời sống nông thôn. 

Theo đó, chị Sơn Thị Von, nông dân ở ấp Trung Thống, xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) là hộ điển hình trong việc chịu khó, cần cù lao động vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ thực hiện mô hình nuôi trâu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Trần Minh Tâm, Trưởng Ban Nhân dân ấp Trung Thống cho biết: “Ở xứ này, giờ chỉ còn chị Sơn Thị Von nuôi trâu nhiều và làm giàu từ con trâu. Chị chịu khó làm ăn và có kỹ thuật chăm sóc đàn trâu rất tốt nên quanh năm, đàn trâu khỏe mạnh, không hề bị bệnh, đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho gia đình”.

Khi đến nhà thì thấy chị Sơn Thị Von đang tắm cho 16 con trâu, trong đó, có cả con bê và con trâu lớn. Vừa tắm xong cho trâu, chị vội vả quét dọn sạch sẽ máng để thức ăn dài hơn 10m cho trâu ăn. 

Chị Von cho biết: “Tôi nuôi trâu hơn 20 năm nay, thấy nuôi trâu dễ hơn so với nuôi heo, bò và mang lại lợi nhuận khá cao. Cứ 1 năm thì con trâu đẻ một lần nên trong 5 con trâu cái thì đẻ 5 con/năm. Mới đây, tôi bán 4 con trâu, giá từ 28 đến 38 triệu đồng/con và cứ cách 2 đến 3 năm thì tôi bán một lần”. 

Một nông dân Sóc Trăng phất lên nhờ nuôi con "là đầu cơ nghiệp" - Ảnh 1.

Chị Sơn Thị Von, nông dân ấp Trung Thống, xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) đang để rơm cho trâu ăn. Ảnh: ĐA LIN

Theo chị Von, trước đây gia đình chị nuôi trâu là để cày và kéo lúa nhưng khi có máy cày thì nuôi để bán trâu thịt. Vì vậy, để nuôi trâu mau lớn, bán được giá cao thì chị đặc biệt quan tâm khâu chăm sóc. 

Con trâu luôn được tiêm ngừa đầy đủ, chuồng trại giữ khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát và cho trâu ngủ mùng. 

Chị Von chia sẻ: “Nuôi trâu chỉ cần cho thức ăn, nước uống đầy đủ, nhất là cho trâu đi ngâm mình trong nước ao xong thì phải tắm sạch sẽ để tránh một số côn trùng, vi sinh bám vào da trâu gây bệnh. Trong một ngày, tôi cho trâu ăn và ngâm nước 2 lần, còn máng để nước cho trâu uống nước phải vệ sinh sạch sẽ; chuồng trại thì phải tiêu độc khử trùng theo định kỳ. Đối với tôi, khi trâu gần xuất chuồng thì mua cám về trộn với rơm, cỏ cho ăn để vỗ béo, bán được giá hơn”. 

Để có thức ăn đầy đủ cho trâu, chị Von đã dành 3 công đất trồng cỏ và hàng năm đến mùa thu hoạch lúa thì mua rơm ở địa phương về trữ làm thức ăn cho trâu.

Suốt hơn 20 năm nuôi trâu, ngoài kinh nghiệm nuôi trâu của bản thân, chị Von thường xuyên tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trâu, bò ở địa phương để nắm rõ hơn trong việc chăm sóc vật nuôi, nhất là biết cách phòng một số bệnh thường gặp như: tiêu chảy, lở mồm long móng, bệnh tụ huyết trùng.

Đa Lin (Báo Sóc Trăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem