Một nông dân tỷ phú nuôi gà, nuôi thủy sản kiểu gì mà thu 3 tỷ/năm, cả làng khen "mát tay"?

Đ. Lực - M. Chiến Thứ ba, ngày 21/03/2023 18:51 PM (GMT+7)
Nhờ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản “mát tay” nên gia đình anh Nguyễn Văn Khuynh (SN 1972, xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) luôn có vốn tích trữ. Trung bình, mỗi năm trang trại nuôi gà đem về cho gia đình anh khoảng 3 tỷ đồng.
Bình luận 0

Khởi nghiệp từ nuôi gà lông trắng

Qua lời giới thiệu của vị Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Đông, tôi biết đến mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản của gia đình anh Nguyễn Văn Khuynh. Gia đình anh là 1 trong những hộ tiên phong nuôi gà lông trắng từ rất sớm, nói không ngoa là hộ đầu tiên nuôi gà lông trắng trên địa bàn huyện Hải Hậu.

Anh Khuynh tâm sự, sau khi xây dựng gia đình, anh cùng vợ tập trung vào công việc nấu rượu, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nghề nấu rượu không "hợp" với vợ chồng anh. Rượu nấu ra, không tiêu thụ được, lý do ít người uống.

Nuôi đâu thắng đó, một nông dân quê Nam Định “đút túi” 3 tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Khuynh (xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) giới thiệu về giống gà lông trắng. Ảnh: Mai Chiến.

Cùng thời điểm đó, vợ anh đang mang bầu cháu đầu tiên, không có người đi bán rượu nên anh Khuynh quyết định bỏ nghề nấu rượu, chuyển hướng sang chăn nuôi. Năm 2000, được bố mẹ, người thân cho vay ít vốn, anh đã mạnh dạn xây chuồng trại, nuôi gà lông trắng dù chưa kinh nghiệm chăn nuôi.

"Thời điểm đó, trên địa bàn huyện Hải Hậu chưa có gia đình nào nuôi giống gà lông trắng. Tôi vừa nuôi, vừa lo. Rất may, lứa gà đầu tiên khoảng 800 con của gia đình sống sót gần 100% và phát triển ổn định; sau 50 ngày nuôi, tôi bán và có lãi", anh Khuynh nhớ lại.

Nuôi đâu thắng đó, một nông dân quê Nam Định “đút túi” 3 tỷ đồngnăm

Lứa gà đầu tiên chăn nuôi thành công, vợ chồng anh mừng rơi nước mắt. Đó là thành quả xứng đáng mà vợ chồng anh "gặt hái" được sau nhiều ngày, đêm vất vả chăm lo cho đàn gà.

Thành công bước đầu, đã tạo tiền đề cho gia đình anh mở rộng quy mô chăn nuôi. Anh đã nâng tổng đàn gà lên hàng nghìn con ở những lứa nuôi tiếp theo. Song song với chăn nuôi gà lông trắng, năm 2003, anh quyết định thuê đất, xây dựng thêm trang trại, kết hợp nuôi lợn nái siêu và nuôi cá nước ngọt.

Nuôi đâu thắng đó, một nông dân quê Nam Định “đút túi” 3 tỷ đồng/năm - Ảnh 4.

Hiện nay, trang trại đang duy trì chăn nuôi 18.000 con gà lông trắng với 4 chuồng nuôi. Ảnh: Mai Chiến.

Năm đó, anh nuôi hơn 20 con lợn nái siêu và 5 mẫu mặt nước nuôi cá diêu hồng, trắm, chép… Một năm đánh dấu sự nghiệp chăn nuôi của gia đình anh với những thành công ban đầu.

Thế nhưng, trong chăn nuôi không nói trước được điều gì. Dịch bệnh sẽ tấn công đàn vật nuôi bất kỳ lúc nào nếu người chăn nuôi chủ quan, thiếu kinh nghiệm. "Năm 2005, dịch cúm gia cầm đã tấn công trang trại, buộc gia đình tôi phải tiêu hủy gần 1.000 con gà lông trắng, thiệt hại trên 40 triệu đồng. Thời điểm đó, số tiền này là rất lớn so với bây giờ", chị Lý (vợ anh Khuynh) ngồi kế bên chia sẻ.

Mỗi năm "đút túi" tiền tỷ

Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, anh Khuynh cho biết, hiện tại, gia đình vẫn trung thành nuôi gà lông trắng, cá nước ngọt, chỉ riêng giống lợn là thay đổi từ lợn siêu sang nuôi thương phẩm lợn trắng truyền thống.

Đến nay, quy mô trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản của gia đình anh rộng hơn 16 mẫu. Trang trại nằm ở huyện Hải Hậu và huyện Giao Thủy, được vợ chồng anh quản lý và giám sát chặt chẽ qua hệ thống camera.

Nuôi đâu thắng đó, một nông dân quê Nam Định “đút túi” 3 tỷ đồng/năm - Ảnh 5.

Gia đình anh Khuynh mở thêm đại lý bán thức ăn chăn nuôi cho người dân trên địa bàn xã, huyện. Ảnh: Mai Chiến.

Theo anh Khuynh, sau nhiều năm tích lũy vốn làm ăn, gia đình anh đã sửa sang lại trang trại chăn nuôi, chuyển đổi từ nuôi chuồng hở sang nuôi chuồng kín để đảm bảo an toàn dịch bệnh, giảm thiệt hại trong chăn nuôi.

"Chăn nuôi trong chuồng kín, giúp gia đình kiểm soát được dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Đàn vật nuôi phát triển ổn định, sức đề kháng cao; qua đó, giảm thiểu chi phí đầu vào", anh Khuynh tâm sự, rồi nói vui: "Gà, lợn được ở trong chuồng mát, sạch sẽ; có hệ thống máng ăn, nước uống tự động; đói lúc nào thì ăn lúc đó; sướng hơn người".

Hiện nay, trong quá trình chăn nuôi, anh Khuynh còn chủ động phòng bệnh, tiêm vắc xin đầy đủ cho đàn lợn, gà. Nhờ đó, nhiều năm nay, gia đình anh chăn nuôi thắng lợi. Nuôi đâu thắng đó. Lợn, gà, cá xuất bán đều đều.

Anh khuynh cho biết thêm, hiện tại trang trại đang duy trì nuôi 1.000 con lợn với 2 chuồng nuôi, mỗi chuồng rộng 5.000m2; gà 18.000 con với 4 chuồng nuôi, diện tích từ 4.000 - 5.000m2/chuồng, cá với diện tích nuôi 15 mẫu mặt nước.

Trung bình, mỗi năm, gia đình anh xuất bán 2 lứa lợn thương phẩm, mỗi lứa khoảng 120 tấn thịt hơi; xuất bán 6 lứa gà, mỗi lứa trên 60 tấn thịt hơi và hàng chục tấn cá thương phẩm các loại. Thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, gia đình anh còn mở đại lý bán thức ăn chăn nuôi (cám công nghiệp) cho người dân trên địa bàn xã, huyện.

Nuôi đâu thắng đó, một nông dân quê Nam Định “đút túi” 3 tỷ đồng/năm - Ảnh 7.

Toàn bộ trang trại được quản lý, giám sát qua hệ thống camera. Ảnh: Mai Chiến.

Với quy mô chăn nuôi lớn, trang trại phải thuê thêm 10 lao động, với mức lương từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho người lao động đang sinh sống trên địa bàn, giúp họ có cuộc sống ổn định hơn.

Theo tính toán của anh Khuynh, sau khi trừ tất cả các chi phí, mỗi năm gia đình anh "đút túi" khoảng 3 tỷ đồng. Đây là công sức mà vợ chồng anh cùng các lao động vất vả làm ngày, làm đêm mới có được.

Anh Khuynh tâm sự, thời gian qua, đầu vào (cám công nghiệp, vật tư sản xuất…) tăng liên tục; giá bán lại biến động, không ổn định, phần nào cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của trang trại.

Nhiều năm nay, bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, anh Khuynh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, ủng hộ tiền bạc xây dựng các công trình phúc lợi, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của địa phương.

"Anh Nguyễn Văn Khuynh là hội viên Hội Nông dân xã Hải Đông, rất năng động, sáng tạo, chịu thương, chịu khó; tích cực phát triển mô hình kinh tế tại địa phương. Với những thành tích, đóng góp của gia đình anh, anh Khuynh vinh dự được chính quyền các cấp trong tỉnh tặng nhiều Bằng khen", lãnh đạo Hội Nông dân xã Hải Đông, huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem