Trồng giống bưởi "xanh vỏ đỏ lòng", một ông nông dân Thái Nguyên giàu có hẳn lên

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ bảy, ngày 19/10/2024 05:23 AM (GMT+7)
Ở tuổi 54, sau khi nghỉ công tác trong quân đội, ông Vũ Đình Hài (xóm Ngò, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) có vườn trồng cây ăn quả quy mô 9.000m2, trong đó chủ lực là cây bưởi "xanh vỏ đỏ lòng"-giống bưởi da xanh, giống bưởi đỏ.
Bình luận 0

Clip: Ông Vũ Đình Hài (xóm Ngò, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ về hiệu quả kinh tế từ mô hinh trồng bưởi, gồm giống bưởi da xanh, giống bưởi đỏ. Clip: Hà Thanh

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Tân Khánh (Phú Bình, Thái Nguyên), năm 1987, ông Vũ Đình Hài tham gia quân ngũ, công tác tại Lữ đoàn pháo phòng không 210 (Quân khu 1) đóng tại Thái Nguyên và gắn bó đến năm 2019 thì về nghỉ hưu tại địa phương. 

Trong quá trình tham gia công tác, nhận thấy diện tích đất vườn đồi của gia đình rộng nên ông Hài đã thuê người san đất để trồng bưởi nhưng do không có thời gian chăm sóc nên bưởi không cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Từ khi về nghỉ công tác, ông Hài đã dành toàn bộ thời gian, công sức để chăm sóc cho vườn bưởi của mình.

Hiện, tổng diện tích vườn đồi của gia đình ông Hài có khoảng 9.000m2, trong đó ngoài trồng bưởi ông còn kết hợp trồng nhiều loại cây ăn quả khác như: Táo, thanh long, vú sữa hoàng kim, nhãn, trám… Trước ông trồng 240 gốc bưởi nhưng nay giảm xuống chỉ còn 120 gốc, do nhiều cây bị chết.

Để có kinh nghiệm trồng bưởi, ông Hài cho biết ông đã phải đi học hỏi ở một số nơi. Ban đầu, ông Hài lựa chọn giống bưởi diễn và bưởi hoàng để trồng, sau đó, ông chuyển sang trồng bưởi da xanh và bưởi đỏ.

Trồng giống bưởi xanh vỏ đỏ lòng, lão nông Thái Nguyên thu nhẹ nhàng hơn trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 1.

Vườn bưởi xanh mướt, sai trĩu quả được trồng theo hướng hữu cơ của gia đình ông Ông Vũ Đình Hài (xóm Ngò, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Hà Thanh

Trồng giống bưởi xanh vỏ đỏ lòng, lão nông Thái Nguyên thu nhẹ nhàng hơn trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 2.

Những quả bưởi căng mọng, vỏ nhẵn thín được ông Hài nâng niu hàng ngày. Ảnh: Hà Thanh

"Kinh nghiệm trồng bưởi cho năng suất và hiệu quả đó là cần chọn giống chuẩn ngay từ ban đầu, phải đến tận cơ sở sản xuất giống uy tín để mua trực tiếp mới đảm bảo được chất lượng", ông Hài chia sẻ.

Hiện nay, vườn bưởi của ông Hài được trồng và chăm sóc chủ yếu theo hướng hữu cơ, trong đó phân bón do ông tự ủ các chất hữu cơ rồi bón cho cây trồng.

Theo ông Hài, để bưởi đạt chất lượng thì quy trình chăm sóc cũng cần đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn. Với bưởi sớm như bưởi hoàng thì cuối tháng 11 đầu tháng 12 âm lịch phải xới cỏ, rồi bón phân trước ngày lập xuân, sau đó ủ đến trước ngày lập xuân từ 10 – 15 ngày sẽ tiến hành tưới nước và kích hoa. 

Sau 21 ngày bưởi sẽ ra hoa đồng loạt, lúc này lưu ý không chăm bón gì cả mà chỉ tưới nước vào những ngày trời nắng.

Khi cây bưởi đã ra hoa thì cần đề phòng bọ trĩ ăn hoa gây hỏng, không đậu quả. Khi quả đậu bằng đầu ngón tay mới tiến hành bón phân tiếp để quả to và lớn nhanh. 

Đồng thời để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho quả, thời điểm này người trồng sẽ lựa chọn những quả đạt chất lượng giữ lại còn đâu sẽ cắt tỉa, loại bỏ những quả nhỏ, kém chất lượng.

Trồng giống bưởi xanh vỏ đỏ lòng, lão nông Thái Nguyên thu nhẹ nhàng hơn trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 3.

Ông Hài tự ủ phân hữu cơ để bón cho cây ăn quả, trong đó có cây bưởi da xanh, cây bưở đỏ đặc sản. Ảnh: Hà Thanh

Trồng giống bưởi xanh vỏ đỏ lòng, lão nông Thái Nguyên thu nhẹ nhàng hơn trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 6.

Ông Hài thường xuyên kiểm tra vườn bưởi để kịp thời phát hiện và xử lý bệnh cho cây bưởi. Ảnh: Hà Thanh

Ông Hài lưu ý, cây bưởi hay mắc bệnh sâu đục thân vào thời điểm tháng 4, tháng 5 hàng năm nếu không để ý rất dễ bị hỏng cây. 

Để hạn chế căn bệnh này, cần kiểm tra thường xuyên, xử lý nhanh khi phát hiện dấu hiệu bệnh bằng việc sử dụng thuốc sinh học để phun phòng trừ bệnh.

Ngoài ra, cây bưởi còn mắc nhiều bệnh khác như rệp kim, rệp sáp, sâu vẽ bùa, nấm hồng, nấm bồ hóng, thối rễ, vàng lá, gân xanh… 

Thời điểm cây bưởi hay mắc bệnh là vào các tháng Giêng, tháng 2, 3, 4 (bắt đầu từ lúc cây ra hoa đến khi kết trái). Theo ông Hài, về cơ bản trồng bưởi tương đối nhàn nhưng lại đòi hỏi phải để ý, quan sát tỉ mỉ thường xuyên để phát hiện bệnh và xử lý kịp thời.

Thông thường mỗi năm với số lượng cây bưởi như hiện nay, gia đình ông Hài thu hoạch được khoảng 5.000 – 6.000 quả bưởi. Nhưng năm nay do ảnh hưởng của bão số 3 (siêu bão Yagi), quả bị rụng nhiều nên chỉ còn khoảng 3.000 quả. Với bưởi diễn có giá bán trung bình khoảng 12.000 đồng/quả, bưởi da xanh khoảng 50.000 đồng /quả, còn bưởi hoàng khoảng 15.000 đồng/quả.

Trồng giống bưởi xanh vỏ đỏ lòng, lão nông Thái Nguyên thu nhẹ nhàng hơn trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 7.

Với vườn bưởi như hiện nay, trung bình mỗi năm mang về thu nhập hơn 100 triệu đồng cho gia đình ông Hài. Ảnh: Hà Thanh.

Với diện tích vườn cây ăn quả như hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình ông Hài có lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng sau khi trừ cho phí. "Nếu năm nào được mùa thì có thể được 170 triệu đồng nhẹ nhàng", ông Hài cho biết.

Trồng giống bưởi xanh vỏ đỏ lòng, lão nông Thái Nguyên thu nhẹ nhàng hơn trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 8.

Ngoài trồng bưởi, ông Hài còn trồng một số loại cây ăn quả khác như táo, thanh long, hồng xiêm, vú sữa. Ảnh: Hà Thanh

Ông Hài hiện là Tổ phó Tổ hợp tác làm vườn trên địa bàn xã Tân Khánh với 35 hộ thành viên. Do đó, ông thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây ăn quả, đồng thời tuyên truyền đến bà con chuyển đổi sang làm hữu cơ để nâng cao chất lượng cây trồng, góp phần tạo ra những sản phẩm có giá trị cao và an toàn cho người dân.

Ngoài trồng cây ăn quả, ông Hài còn đầu tư trang trại nuôi gà và lợn với quy mô lớn, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình ông mỗi năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem