Một tấc đất cũng không thể để mất

Thanh Hải Chủ nhật, ngày 06/07/2014 07:09 AM (GMT+7)
“Trên đảo Gạc Ma, cách đây 26 năm, 64 đồng đội của tôi đã ngã xuống, tôi cũng đổ máu tại đảo này. Trung Quốc ngang nhiên chiếm giữ và đưa vào bản đồ dọc của họ công bố ngày 25.6 vừa qua. Điều đó là không thể chấp nhận được”. Đó là tâm sự của Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh người đã bất chấp cái chết, cương quyết giữ lá cờ Việt Nam trên đảo Gạc Ma...
Bình luận 0

Cướp đất trắng trợn

Vượt 40km, chạy thẳng theo Quốc lộ 1A tới xã Vạn Ninh (huyện Quảng Xương, tỉnh Quảng Bình) hỏi thăm nhà anh Lanh, chị bán hàng rau cổng chợ Yên Bình chỉ ngay: “Nhà chú Lanh bộ đội Hải quân, chú chạy thẳng rồi quẹo phải, nhà có cái cổng màu nâu đó” . Chị còn nói theo: “Chú Lanh con bà Kỷ, người cắm cờ trên đảo Gạc Ma ngày trước đúng không chú?”. Tôi ngoái lại cảm ơn.

Trong căn nhà nhỏ hướng mặt ra biển, rót ly nước trà xanh mời khách, đôi mắt binh nhất Nguyễn Văn Lanh năm xưa nhìn xa xăm ra biển. Những ký ức về trận đánh cách đây 26 năm, vết thương vẫn hằn sâu trên da thịt chưa bao giờ nguôi ngoai trong anh. Câu chuyện anh kể cho chúng tôi nghe không phải về những tấm huy chương, nhiều năm cống hiến, mà là niềm tự hào của người chiến sĩ hải quân Việt Nam đã xả thân, giành giật với quân Trung Quốc khi chúng trắng trợn chiếm các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. “Trong khi Hải quân Việt Nam hết công hết sức bê từng gói bê tông, chuyển từng kg sắt ra tít Gạc Ma để xây dựng đảo, tốn bao nhiêu công sức, thậm chí phải đổi bằng máu, vậy mà chúng đã cướp đảo của ta một cách trắng trợn, Chẳng qua hồi ấy mình trang bị sơ sài, chứ như bây giờ thì đừng hòng cướp được”- anh Lanh nói, giọng đầy phẫn nộ.

Ngay từ trước năm 1988, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng xác định Gạc Ma giữ vị trí rất quan trọng, không chỉ thuận lợi cho việc tiếp tế chi viện cho các căn cứ tại quần đảo Trường Sa, mà còn là cửa ngõ của tuyến hàng hải quốc tế. Chính vì vậy, Trung ương Đảng trực tiếp giao cho thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân hạ quyết tâm đóng giữ các đảo đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao... Thường vụ Đảng ủy Quân chủng giao tàu HQ 604, do anh Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng, nhổ neo từ Cam Ranh chở theo lính công binh của Trung đoàn 83 và lực lượng giữ đảo của Lữ đoàn 146 ra xây dựng đảo Gạc Ma, Cô Lin (thuộc cụm đảo Sinh Tồn) - cách đất liền khoảng 500km. Đảo chìm Gạc Ma lúc đó chỉ là những bãi san hô cạn giữa biển, có tên trong bản đồ Việt Nam.

Dấu mốc không quên

“Năm ấy, tôi tròn 19 tuổi, vừa mới trải qua khóa huấn luyện 6 tháng ở Hội An, nhanh chóng bổ sung về tàu HQ 604 làm nhiệm vụ”- anh Lanh chậm rãi kể tiếp.

20 giờ ngày 11.3.1988, tàu HQ-604 bắt đầu xuất kích rời cảng Cam Ranh đi thực hiện nhiệm vụ. Đến 15 giờ ngày 13.3 tàu HQ 604 cơ động ra tới đảo Gạc Ma. 5 giờ sáng ngày 14.3, thủy triều bắt đầu rút, hơn 30 chiến sĩ nhận lệnh đổ bộ xuống đảo Gạc Ma cắm cờ Tổ quốc và cùng nhau chuyển vật liệu xây dựng lên đảo, khoảng 1 tiếng sau, quân xâm lược bắt đầu xuất hiện. Chúng đi trên 3 chiếc tàu chiến lớn, quây vòng quanh đảo. 7 giờ sáng, khoảng 50 tên lính Trung Quốc đổ bộ.  Thiếu úy Trần Văn Phương- Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma được cử canh giữ lá cờ Tổ quốc. Đang trong lúc làm nhiệm vụ bất ngờ bị 1 làn đạn quân thù bắn xối xả vào người, thiếu úy Phương đã hy sinh. 

“Ngay lập tức tôi xông lên dùng tay không đánh nhau giằng co với địch. Đang mải đánh nhau, bất ngờ một tên lính gần đó đâm lưỡi lê, tôi bị thương nặng nhưng tay tôi vẫn ghì chặt cán cờ. Tôi may mắn sống sót, sáng ngày hôm sau được đồng đội chuyển về đất liền điều trị”- nhắc tới thời khắc này, anh Lanh rơm rớm nước mắt. Rồi anh nói tiếp: “Mặc dù trận chiến ngày 14.3 diễn ra không cân sức, nhưng khi quân Trung Quốc cướp đảo của ta, tình yêu nước thiêng liêng, máu giữ biển cứ trỗi dậy trong người, chúng tôi sẵn sàng đánh trả bọn chúng đến cùng, để giữ lấy lá cờ Tổ quốc”.

  Sau trận đánh năm 1988, anh Lanh vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày đón nhận danh hiệu Anh hùng, nhiều phóng viên hỏi anh: “Lực lượng Trung Quốc đông và mạnh hơn ta, sao anh không sợ? Anh trả lời: “Từ ngàn xưa người dân đất Việt chưa bao giờ biết sợ quân Trung Quốc xâm lược. Mặt khác, chủ quyền lãnh thổ của ta dù chỉ là một tấc đất, thì ta quyết giữ cho bằng được, không thể rơi vào tay quân thù”
26 năm trôi qua, nhớ về trận chiến Gạc Ma ngày ấy, anh càng đau đáu lo cho chủ quyền của Việt Nam trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Anh bày tỏ: “Một lần nữa bài học lớn nhất cho Hải quân Việt Nam là phải nêu cao tinh thần cảnh giác, mài sắc ý chí, cầm chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Bài học về sự kiện Gạc Ma luôn còn nóng hổi, và vẫn nguyên tính thời sự”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem