Một tấm lòng với nông dân

Thứ tư, ngày 06/03/2013 09:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Vốn vay Ngân hàng CSXH là đòn bẩy kích thích ND nghèo ở huyện biên giới Tân Châu phát triển sản xuất” - ông Trương Hoàng Sơn - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Châu (Tây Ninh) khẳng định.
Bình luận 0

Theo ông Sơn, khi mới thành lập (năm 2003) vốn của Ngân hàng CSXH huyện chủ yếu phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo, bây giờ đã thực hiện thêm 8 chương trình, trong đó có Chương trình tín dụng hộ nghèo, Chương trình cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) và cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó.

img
Em Nguyễn Thị Liên đã ra trường, có việc làm, dành tiền trả nợ ngân hàng.

Hiệu quả từ những đồng vốn

Ông Chum Chòm Ran - Trưởng ấp Tầm Pô, xã Tân Đông chia sẻ: "Ngân hàng CSXH không chỉ giúp chúng tôi xóa nghèo, mà còn làm đòn bẩy hỗ trợ bà con Khmer làm cuộc cách mạng về nước sinh hoạt - vệ sinh môi trường. Đến nay, gần 100% hộ Khmer trong xã sử dụng nước sạch sinh hoạt, trên 50% hộ có nhà tắm và nhà vệ sinh hợp chuẩn".

Em Nguyễn Thị Liên (ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Đông), sinh viên hệ trung cấp Trường Đại học Lạc Hồng, nay đã ra trường và có việc làm xúc động nói: "Nhờ chính sách tín dụng ưu đãi HSSV, cha mẹ cháu không phải đi vay “chợ đen” cho con đi học. Hàng tháng, cháu trích một phần lương phụ cha mẹ trả nợ ngân hàng để các bạn khác cũng được vay như cháu"...

Không chỉ hỗ trợ công tác giảm nghèo, giải quyết nhà ở theo Quyết định 167/CP, Ngân hàng CSXH ở Tân Châu còn khuyến khích ND chuyển đổi cây trồng - vật nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập. Tuy chỉ có 5.000m2 trước đây trồng đậu (lạc), được Ngân hàng CSXH cho vay vốn, anh Nguyễn Chiến Trường ở xã Tân Hội đầu tư trồng 100 cây dừa kết hợp nuôi gà ta, mỗi năm thu trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn được vay vốn Chương trình HSSV cho con gái học đại học. Ra trường, có việc làm, cháu dành một phần lương phụ bố trả ngân hàng. "Đà này, vợ chồng tôi sẽ trả hết nợ trước thời hạn" - anh Trường tâm sự.

Tổ TKVV - kênh chuyển tải vốn tin cậy

Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hòa thành lập năm 2007 với 44 hộ thành viên. Tính đến cuối năm 2012 dư nợ của tổ là 788 triệu đồng. Các thành viên còn gửi tiết kiệm 95 triệu đồng.

Tính đến 31.12.2012, dư nợ các chương trình tín dụng của Ngân hàng CSXH huyện Tân Châu đạt 121,059 tỷ đồng, cho 7.297 hộ vay. Riêng chương trình tín dụng hộ nghèo có 10.244 hộ vay 109,618 tỷ đồng, giúp 5.420 thoát nghèo bền vững.

Theo bà Phạm Thị Thực - Tổ trưởng Tổ TKVV Suối Bà Chiêm: Các thành viên được công khai bàn bạc dân chủ từ khâu bình xét đối tượng vay, mục đích vay... đến tham gia cùng cán bộ tín dụng, đơn vị ủy thác giải quyết rủi ro của hộ vay trong quá trình sử dụng vốn. Trong điều hành, vai trò, vị thế của người tổ trưởng hết sức quan trọng. Tổ trưởng phải công tâm, có trách nhiệm với người vay vốn.

Thời gian ông Ngô Khắc Lợi làm Chủ tịch Hội ND xã biên giới Tân Đông cũng là thời điểm Ngân hàng CSXH thành lập, ông Lợi xác định, muốn làm tốt nhiệm vụ, phải học thông, nói thạo tiếng dân tộc và "ba cùng" với ND, tìm hiểu vì sao một bộ phận bà con dân tộc tuy còn nghèo nhưng không muốn vay vốn chỉ vì chưa biết cách sử dụng. Ông cùng chính quyền, MTTQ… vận động bà con không phóng uế ngoài đồng, không tắm nước ao tù, hướng dẫn họ thành lập tổ TKVV tiếp nhận vốn Ngân hàng CSXH để khoan giếng nước sạch, xây nhà tắm, nhà vệ sinh tự hoại. Hộ nhà cửa lụp xụp, ông chỉ đạo chi hội ấp giúp họ vay vốn dựng lại nhà.

Ông Lợi cho biết: "Trong số 1.229 hộ thuộc 4 đoàn thể vay 26,05 tỷ đồng Ngân hàng CSXH, có 572 hộ do Hội ND quản lý với dư nợ 11,837 tỷ đồng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem