'Mọt' Tam quốc (Kỳ 3) - Phong vũ Kinh châu: Truyền kỳ 'mượn Kinh Châu'

Thứ sáu, ngày 19/04/2019 10:32 AM (GMT+7)
Năm đó, trên con thuyền nhỏ từ Hán Khẩu xuôi về Giang Nam gặp Tôn Quyền không phải chỉ có một người ôm mộng gộp sức phá Tào, xây dựng liên minh Tôn - Lưu để chia ba thiên hạ. Vậy nhưng, với Tam quốc diễn nghĩa, hậu thế ngàn năm sau chỉ còn nhớ đến Khổng Minh mà quên đi người ngồi chung thuyền với ông: Lỗ Túc.
Bình luận 0

Thảm bại Xích Bích buộc Tào Tháo phải rút lui về phương Bắc, bỏ lại sau lưng vùng đất vừa giành được từ Lưu Biểu. Và một giai đoạn mới lại mở ra tại Kinh Châu, với cuộc giành giật gay gắt giữa hai lực lượng vừa liên thủ chống Tào.

Trái với sự thật thà khờ khạo dưới ngòi bút La Quán Trung, tất cả tầm nhìn chiến lược, khả năng ngoại giao, sự ứng biến nhạy bén… của Lỗ Túc đều có thể thấy rõ qua giải pháp “mượn Kinh Châu” đã thành kinh điển.

Lùi một…

Không thể tiến vào Trung Nguyên hay quay sang Tây Thục, Lưu Bị gặp chướng ngại vật rất lớn từ cứ điểm Giang Lăng, nơi Chu Du trấn giữ. Từ sau trận Xích Bích, hơn ai hết, Chu Du chính là người sớm nhận ra mối họa từ lực lượng đang phát triển của Lưu Bị - để rồi luôn cảnh giác cao độ với người đồng minh này.

Điển hình, đến tận lúc sắp mất, trong lần dâng biểu cuối cùng tới Tôn Quyền, Chu Du đã đặt Lưu Bị cùng Tào Tháo là 2 mối họa mà Đông Ngô phải đề phòng: “Nay Tào Công tại phía Bắc, bờ cõi chưa yên. Lưu Bị ở Công An, như có nuôi hổ. Việc trong thiên hạ, chưa biết kết cuộc ra sao” (Tam quốc chí, Giang biểu truyện).

img

Tiếp nhận chức đại đô đốc từ Chu Du (phải), Lỗ Túc (trái) đã đưa cục diện Kinh Châu sang một bước ngoặt mới

Thực tế, có một đại tướng như Chu Du tọa trấn Giang Lăng, e rằng cả đời Lưu Bị cũng khó ra khỏi bốn quận phía Nam Trường Giang. Nhưng, cái chết của vị đô đốc này, cũng như việc Giang Đông không thể mãi gánh được áp lực từ hai phía Tào - Lưu, đã đưa cục diện bước sang một hướng mới khi Lỗ Túc lên nắm quyền.

Không hổ danh là người vạch ra Tháp Thượng sách, Lỗ Túc có một đề nghị vô cùng nhạy bén và táo bạo với Tôn Quyền để gỡ bế tắc: cho Lưu Bị mượn Giang Lăng, hay chính xác hơn là phần Nam quận thuộc Kinh Châu mà Ngô đang giữ. Khái niệm “mượn Kinh Châu” thực chất chính là việc mượn Giang Lăng này.

Giao Giang Lăng cho Lưu Bị, giải tỏa được áp lực từ phía Tây, Tôn Quyền có thể rảnh tay toàn lực phòng thủ tại Nhu Tu trước quân Tào đang rầm rộ thao luyện tại Hợp Phì. Ngược lại, Lưu Bị sau khi nhận Giang Lăng tự nhiên sẽ trở thành lá chắn từ phía Kinh Châu cho Giang Đông và khiến Tào Tháo phải dè chừng.

Tất nhiên, cho mượn Giang Lăng, Đông Ngô sẽ mất hẳn cơ hội tiến vào Tây Thục. Nhưng cảnh giằng co Tôn - Lưu hiện tại không cho phép Ngô theo đuổi cuộc viễn chinh xa xôi đầy nguy hiểm này. Và thực tế cũng cho thấy: đánh Thục không hề dễ dàng. Sau này, Lưu Bị lấy Thục cũng không hoàn toàn dựa vào chinh phạt mà còn dựa vào chính trị: mượn tiếng giúp Lưu Chương chống Trương Lỗ để ở đất Thục hai năm, rất được lòng người, lại có đám người Trương Tùng, Pháp Chính hỗ trợ mới có thể thành công.

Và với tính toán của Lỗ Túc, việc nhường cơ hội phạt Thục cho Lưu Bị sẽ là một món nợ lớn để sau này Tôn Quyền đòi cả vốn lẫn lãi và dần thu lại Kinh Châu.

Đến đây, Tháp Thượng sách của Lỗ Túc và Long Trung sách của Gia Cát Lượng đã trở nên hoàn toàn nhất quán. Chỉ bằng một bước lùi, Lỗ Túc đã tranh thủ cho Giang Đông cơ hội thở dốc sau mấy năm chinh chiến, thắt chặt liên minh Tôn - Lưu và tặng cho Tào Tháo thêm một đại địch. Bởi thế, vẫn theo Tam quốc chí, Tào Tháo khi nghe tin Tôn Quyền cho Lưu Bị mượn đất đã “thất thần đến nỗi đánh rơi bút”.

Thực tế cho thấy những sự việc sau này đều diễn ra đúng như Lỗ Túc dự đoán. Năm 211, Tôn Quyền cho Lưu Bị mượn Giang Lăng. Năm 213 và năm 214, Tào Tháo vốn vẫn chưa từ bỏ ý định Nam hạ, tiếp tục hai lần tấn công Tôn Quyền ở Nhu Tu. Nhưng không còn phải lo lắng phía Giang Lăng, Tôn Quyền đã tập trung toàn lực phòng thủ và hai lần đánh bật các đợt chinh phạt này. Đồng thời, năm 214, Lưu Bị cũng đoạt được Ích Châu từ Lưu Chương.

Đến đây, bài toán “đòi nợ” bắt đầu được Giang Đông triển khai.

img

Cục diện Kinh Châu và Giang Đông sau khi Tôn Quyền cho Lưu Bị mượn Giang Lăng. Nhu Tu - Hợp Phì đã trở thành chiến trường chính của Ngô và Ngụy

… để tiến hai

Như những ghi chép trong Tam quốc chí, Tôn Quyền vốn chỉ cho Lưu Bị mượn một nửa Nam quận, nay lại sai Gia Cát Cẩn sang đòi hết “mấy quận Kinh Châu”. Dĩ nhiên Lưu Bị không thể đồng ý với khoản cho vay nặng lãi này, nên trả lời rằng đang mưu lấy… Lương Châu, khi xong việc sẽ trả Kinh Châu cho Đông Ngô.

Lập tức, Tôn Quyền phái Lã Mông đem hai vạn quân đánh lấy ba quận Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, sai Lỗ Túc đem một vạn người đóng ở Ba Khâu ngăn Quan Vũ, đồng thời đích thân đóng ở Lục Khẩu để điều phối chư quân. Lưu Bị hay tin, vội dẫn năm vạn quân trở về Công An.

Tình thế hết sức căng thẳng, nhưng hai quân chưa giao chiến thì Lưu Bị nhận được tin Tào Tháo đánh Hán Trung, Ích Châu nguy cấp nên muốn cầu hòa. Tôn Quyền cũng đồng ý, hai bên lập minh ước giao hảo lấy sông Tương làm ranh giới: Trường Sa, Quế Dương thuộc về Đông Ngô còn phần Giang Lăng (Nam quận), Linh Lăng, Vũ Lăng thuộc về Tây Thục.

Hung hăng rồi lại mềm dẻo, thậm chí còn trả lại quận Linh Lăng cho Lưu Bị, ý đồ của Tôn Quyền thực tế gắn rất chặt với chiến lược mà Lỗ Túc vạch ra khi xây dựng liên minh Tôn - Lưu.

Ban đầu, khi bày ra Tháp Thượng sách, Túc muốn hình thành cục diện phân tranh Nam - Bắc: Tôn Quyền chiếm cứ Kinh, Dương, Ích ba châu, liên kết với Mã Siêu ở Lương Châu để chống lại Tào Tháo từ phương Bắc. Đến khi Chu Du mất đi, cục diện thiên hạ thay đổi, Lỗ Túc đã “sửa quy hoạch” bằng việc cho Lưu Bị mượn Giang Lăng để phát triển ở phía Tây, còn Đông Ngô ở phía Đông, cùng diệt Ngụy chia đôi thiên hạ.

Việc “xoay trục”, đổi từ cục diện Nam - Bắc sang Đông - Tây như thế được phản ánh khá rõ trong những động thái của Tôn Quyền ở khoảng thời gian Lưu Bị vào Xuyên:

Năm 211, dời đô về Mạt Lăng, đắp thành Kiến Nghiệp, biến nơi đây thành hậu phương vững chắc cho chiến trường phía Đông.

Năm 212, lập phòng lũy ở Nhu Tu khẩu.

Năm 214, tấn công Hoãn thành.

Năm 215, sau khi nghị hòa với Lưu Bị, Quyền từ Lục khẩu lui về lập tức tiến đánh Hợp Phì.

Nhìn tổng thế, các hoạt động liên tiếp này chính là những chuẩn bị của Đông Ngô để mở chiến dịch Hợp Phì sau này, chuyển dịch chiến trường sang phía Đông theo như quy hoạch của Lỗ Túc. Đánh hạ được Hợp Phì, toàn bộ vùng đất màu mỡ vùng Giang Hoài sẽ thuộc về Đông Ngô, hơn nữa Tôn quân cũng có thể dễ dàng theo sông Hoài tiến vào Hứa Lạc.

Bởi thế, đồng ý nghị hòa với Lưu Bị, chưa “đòi hết nợ” Kinh Châu, Tôn Quyền vừa thu về 2 quận, vừa mở ra cơ hội để Thục tập trung cho chiến dịch Hán Trung, đẩy chiến trường phía Tây lên cao trào. Đồng thời, khi Tào Tháo bị kìm chân ở đây, lực lượng của Ngụy ở Trung Nguyên cũng phải hết sức đề phòng Quan Vũ từ Giang Lăng đánh lên, giống như kịch bản của Long Trung sách. Khi ấy Giang Đông có thể thừa cơ dốc toàn lực tấn công Hợp Phì.

Một loạt nước đi liên hoàn như vậy tưởng như sẽ khiến vấn đề Kinh Châu được giải quyết ổn thỏa…

Thuận theo thời mà làm

Tam quốc chí kể khi gặp Lã Mông và được hỏi về cơ hội lấy lại Kinh Châu, Lỗ Túc đáp bằng năm chữ “thuận theo thời mà làm”. Phương châm ấy cho thấy rõ chủ trương ứng biến linh hoạt và chờ cơ hội của chiến lược gia này.

Lợi dụng cơ hội Lưu Bị có Ích Châu để thu lại một phần Kinh Châu, đồng thời vẫn giữ được quan hệ liên minh, để Thục “đứng mũi chịu sào”, đại chiến với chủ lực của Tào Tháo còn Đông Ngô tranh thủ tiến đánh Hợp Phì - đó là bước đi rất quan trọng của Lỗ Túc. Sau khi ông mất, từ phần địa bàn mới này, Lã Mông dùng kế “áo trắng qua đò”, lấy nốt Kinh Châu khi Quan Vũ mải mê Bắc phạt, âu cũng là 5 chữ “thuận theo thời mà làm” của Túc.

Giang Tả cầu hôn

Giang Tả cầu hôn là một sự kiện lớn trong mối quan hệ ngoại giao Tôn - Lưu sau Xích Bích. La Quán Trung mô tả sự kiện này như là cuộc so kè đấu trí tầng tầng mưu kế giữa Chu Du và Gia Cát Lượng.

Kỳ thực không hề có sự kiện Ngô Quốc Thái đến chùa xem rể bởi bà đã mất năm Kiến An thứ bảy (năm 202), tức là 6 năm trước trận chiến Xích Bích. Lưu Bị cũng không hề phải vượt bao chướng ngại để cầu hôn. Và mối quan hệ giữa hai vợ chồng Lưu Bị cũng không mặn nồng như Tam quốc diễn nghĩa mô tả.

Thực tế, cuộc “hôn nhân chính trị” này diễn ra rất nhanh chóng. Năm Kiến An thứ mười bốn (năm 209), trong lúc Chu Du đang vây đánh Giang Lăng thì Tôn phu nhân xuất giá về nhà chồng. Mãi 1 năm sau, tức năm 210, Lưu Bị mới đến gặp Tôn Quyền.

Trần Tiến (Thể thao & Văn hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem