Từng bị chê bởi kiểu trồng chè "bắt cây ăn kham khổ", nay ai cũng mong vào HTX này ở Phú Thọ

Hoan Nguyễn Thứ bảy, ngày 03/06/2023 05:36 AM (GMT+7)
HTX chè Cẩm Mỹ là đơn vị trồng chè hữu cơ tại xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Nhờ tham gia HTX và trồng chè hữu cơ, nhiều bà con dân tộc Mường ở đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Bình luận 0
Từng bị chê bởi kiểu trồng chè "bắt cây ăn kham khổ", nay ai cũng mong vào HTX này ở Phú Thọ - Ảnh 1.

Từng bị chê "điên" bởi quyết tâm trồng chè an toàn

Những ngày cuối cùng của tháng 5, trời nắng chang chang, chúng tôi tìm đến HTX chè Mỹ Cẩm tại xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Biết có khách đến tìm, chị Nguyễn Thị Cẩm Mỹ - Phó Giám đốc HTX chè Cẩm Mỹ trên vai vẫn đeo gùi, đầu đội nón, thoăn thoắt từ trên đồi chè chạy về trụ sở HTX.

Vội lau đi những giọt mồ hôi, chị Mỹ chia sẻ, làm chè vất vả lắm, nhưng biết làm sao khi nghề đã chọn mình, còn mình thì gắn bó máu thịt với nó, say mê nó.

Vừa pha một ấm trà Kim Tuyên mời khách, chị Mỹ vừa kể, Thanh Sơn có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp với cây chè. Tuy nhiên trước đây, bà con vẫn lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật khi trồng chè. Đến khi thu hoạch, bà con lại bán chè tươi cho thương lái hoặc chè được chế biến đóng thành bao to, không nhãn mác, đem bán ở chợ, mặc cho người buôn ép giá. Cuộc sống của bà con trồng chè vì thế mà vẫn mãi bấp bênh và chưa phát huy được tiềm năng thế mạnh của cây chè

Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc 2023 ở Phú Thọ trồng chè theo hướng hữu cơ, tạo việc làm cho người dân tộc Mường - Ảnh 2.

Vùng chè nguyên liệu giống Kim Tuyên của HTX chè Cẩm Mỹ được trồng tại xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hoan Nguyễn

Chính những bất cập này khiến chị Mỹ luôn trăn trở và thôi thúc chị tìm cách trồng cây chè theo hướng hữu cơ. Nghĩ là làm, bắt đầu từ năm 2015, bên cạnh diện tích trồng chè của gia đình, chị Mỹ đã vận động người thân, họ hàng thay thế, chuyển đổi giống chè cũ sang trồng chè giống mới chất lượng cao như giống chè LDP1, chè Kim Tuyên LDP2…

Đồng thời, chị còn đi đầu trong việc thay đổi phương thức canh tác chè - tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ cỏ, không phun thuốc trừ sâu bệnh mà áp dụng sản xuất chè hướng đến hữu cơ trên toàn bộ diện tích chè trồng.

"Trước đây bà con canh tác theo hình thức truyền thống, cứ thấy chè bị sâu bệnh là phun thuốc. Phun đủ loại thuốc, chừng nào thấy sạch sâu, bệnh thì thôi. Để giảm công làm cỏ, bà con còn sử dụng thuốc trừ cỏ hóa học. Bởi vậy khi bắt đầu triển khai trồng chè hữu cơ, nhiều người cho rằng tôi bị điên, dở người. Có người còn cười chê, nói tôi làm chè như vậy để bán thì càng làm nhiều càng thua lỗ, lấy đâu ra lãi" - chị Mỹ cười tủm tỉm nói.

Dù còn có nhiều ý kiến nghi ngại, song chị Mỹ vẫn không nản lòng. Năm 2018, chị Mỹ gom hết vốn liếng, vận động mọi người thành lập HTX chè Cẩm Mỹ và sản xuất chè hữu cơ với diện tích ban đầu là 8,7ha.

Tham gia vào HTX, thực hiện trồng chè hữu cơ, việc đầu tiên của các thành viên là cải tạo đất. Quá trình chuyển đổi thực chất là dừng toàn bộ sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học. Để bổ sung các chất dinh dưỡng hữu cơ vào đất, cho cây, bà con được hướng dẫn thực hiện kỹ thuật ủ phân gà và sử dụng phân hữu cơ vi sinh, sinh học thảo mộc...

Đồng thời, khu vực trồng chè của HTX được quy hoạch "vùng đệm, cách ly" là những cây trồng thân gỗ, có tán lớn, giúp cho cây chè được che bóng, tránh được nguy hại ô nhiễm xung quanh.

Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc 2023 ở Phú Thọ trồng chè theo hướng hữu cơ, tạo việc làm cho người dân tộc Mường - Ảnh 3.

Bắt đầu quy trình chế biến chè xanh, từng búp chè tươi hái về được quạt làm héo. Ảnh: Hoan Nguyễn

Dẫn chúng tôi đi thăm đồi chè Kim Tuyên xanh tốt, chị Mỹ cho biết, vượt qua muôn vàn khó khăn ban đầu, hiện nay, trong diện tích 30ha chè, HTX đã có hơn 15ha chè sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, sản lượng khoảng 240 tấn chè búp tươi/năm. Giá bán chè hữu cơ trung bình từ 120.000-150.000 đồng/kg, gấp 2 lần so với chè canh tác truyền thống.

"Năm nay thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, cộng thêm đất đai cằn cỗi do dư lượng thuốc hóa học nên nhiều đồi chè truyền thống bị cháy hết lá, mất mùa. Tuy nhiên, nhờ trồng chè theo hướng hữu cơ, nên cây chè của HTX chè Cẩm Mỹ vẫn đang sinh trưởng khá tốt, chỉ khoảng 10 ngày nữa bà con sẽ hái lứa thứ 3 trong năm" - chị Cẩm Mỹ dẫn chứng về "sức khỏe" vượt trội của cây chè trồng hữu cơ.

Đẩy mạnh liên kết với đồng bào dân tộc thiểu số để trồng chè hữu cơ

Hiện nay, ngày càng nhiều người ở xã Tất Thắng nói riêng và huyện Thanh Sơn nói chung quan tâm, mong muốn tham gia, chuyển đổi sang trồng chè hữu cơ.

Để thúc đẩy sản xuất chè hữu cơ bền vững, năm 2021, HTX chè Cẩm Mỹ thành lập Chi hội sản xuất chè xanh với 17 hội viên và liên kết với 4 hộ dân có diện tích chè lớn trong địa phương. Đa số hội viên của Chi hội à người dân tộc Mường.

Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc 2023 ở Phú Thọ trồng chè theo hướng hữu cơ, tạo việc làm cho người dân tộc Mường - Ảnh 4.

Tham gia vào HTX chè Cẩm Mỹ và trồng chè hữu cơ, các hộ dân đều khá giả hẳn. Ảnh: Hoan Nguyễn

Chị Mỹ cho hay, HTX chè Cẩm Mỹ cam kết thu mua, bao tiêu toàn bộ chè búp tươi của thành viên và người dân trên địa bàn với giá ổn định. HTX còn tổ chức các buổi tuyên truyền, giao lưu trao đổi kinh nghiệm phương thức phát triển cây chè đạt tiêu chuẩn.

Bà Đinh Thị Lý (dân tộc Mường, ở xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh phú Thọ) chia sẻ, ở độ tuổi như bà rất khó xin việc làm thuê. Từ ngày HTX chè Cẩm Mỹ thành lập, bà trở thành lao động thường xuyên ở đây, thu nhập ổn định với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng.

"Ngoài ra, hơn 7 sào chè của gia đình tôi cũng được HTX chè Cẩm Mỹ hướng dẫn trồng theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, những đồi chè không còn mùi thuốc trừ sâu độc hại, môi trường làm việc trong lành, sức khỏe được đảm bảo, giảm chi phí mua phân bón, thuốc trừ sâu hóa học… Chè thu hoạch đến đâu, HTX thu mua đến đấy, nhờ đó thu nhập từ cây chè tăng lên rõ rệt, gấp 2-3 lần so với trước đây" - bà Lý phấn khởi nói.

Cũng theo chị Mỹ, song song với việc áp dụng quy trình trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, HTX chè Cẩm Mỹ còn xây dựng khu vực nhà xưởng, sử dụng máy móc hiện đại để sản xuất chè, bảo đảm tự động hóa đến 70% công đoạn sản xuất.

Bên cạnh đó, HTX chè Cẩm Mỹ cũng chú trọng xây dựng thương hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc, thực hiện đầy đủ các giai đoạn kiểm định chất lượng từng sản phẩm thường niên, làm hồ sơ công bố sản phẩm, đăng ký bảo hộ thương hiệu logo của HTX…

Năm 2022, HTX Cẩm Mỹ có 2 sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh Phú Thọ. Doanh thu năm 2022 của HTX đạt 2,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi gần 340 triệu đồng.

Đến nay, chè thành phẩm của HTX chè Cẩm Mỹ được bán khắp các đại lý, siêu thị, cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai… Hằng năm, HTX tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động là người dân tộc Mường, với mức lương từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng.

Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc 2023 ở Phú Thọ trồng chè theo hướng hữu cơ, tạo việc làm cho người dân tộc Mường - Ảnh 5.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Mỹ cho biết, đến nay HTX có 2 sản phẩm là Chè xanh thơm Kim Tuyên và Chè xanh Cẩm Mỹ (loại móc câu đặc biệt) đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Ảnh: Hoan Nguyễn

Thời gian tới, HTX chè Cẩm Mỹ sẽ đẩy mạnh liên kết chế biến, phấn đấu có thêm các sản phẩm OCOP mới, từng bước xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm chè của HTX xuất khẩu ra nước ngoài… Từ đó, tăng giá trị sản phẩm chè, nâng cao thu nhập cho bà con, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

"Tôi mong chính quyền, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ chúng tôi thực hiện hiệu quả mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến xây dựng vùng sản xuất chè hữu cơ trên địa bàn. Tạo điều kiện HTX tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ giống chè chất lượng cao, vật tư nông nghiệp an toàn, được tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong các siêu thị lớn…" - Phó Giám đốc HTX chè Cẩm Mỹ kiến nghị.

HTX chè Cẩm Mỹ được bình chọn là 1 trong 63 HTX tiêu biểu trên toàn quốc, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương năm 2023.
Từng bị chê bởi kiểu trồng chè "bắt cây ăn kham khổ", nay ai cũng mong vào HTX này ở Phú Thọ - Ảnh 7.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem