Chúng tôi rất ấn tượng khi đến thăm trang trại và ao nuôi cá của ông Nguyễn Văn Trì (sinh năm 1940), là một thương binh hạng 4/4, trú tại thôn 2, xã Suối Rao (Huyện Châu Đức, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu). Tuy sức khỏe không tốt nhưng bản chất vốn rất cần cù, chịu thương chịu khó, cộng thêm sự sáng tạo “nhạy bén” trong lao động sản xuất, nên đã từng bước vươn lên làm giàu chính đáng bằng chính đôi tay và khối óc của mình.
Huân chương chiến sĩ vẻ vang của thương binh Nguyễn Văn Trì.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trì cho hay, ông xuất thân từ một gia đình nghèo ở xã Trà Võ, huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh), ông mồ côi cha mẹ từ lúc còn rất nhỏ, được bà con đem về nuôi dưỡng. Vừa bước vào tuổi thanh niên ông gia nhập đội du kích Bến Mương do anh Mười Đề làm Xã Đội Trưởng từ năm 1960 ở Tây Ninh. Năm 1962 ông Trì là du kích công binh trinh sát ở Huyện Châu Đức (BRVT) đến năm 1975.
Theo lời ông Trì kể, trong quá trình tham gia Cách mạng, ông từng đánh 5 trận đánh mà chỉ có 1 mình, ông đã diệt được trên 40 tên giặc, gài mìn cháy 3 xe tăng, bắn cháy 2 khẩu đại liên, diệt 1 xe đích cách Mỹ, bắn rơi 1 chiếc đầm già do thám của Mỹ. Đơn vị ông bị quân giặc đánh úp 2 lần trong rừng, ông tiêu diệt được 16 tên. Chiến sự “ác liệt”, quân giặc phải dùng trực thăng lấy xác trong đêm, còn ông 1 mình xông pha lấy xác tử sĩ và cứu các thương binh.
Tấm ảnh cùng những huân chương của thương binh Nguyễn Văn Trì
Ông được hưởng 4 huân chương trong đó có huân chương chiến sĩ vẻ vang và huân chương Giải phóng. Hiện nay ông là thương binh của xã Suối Rao và gia đình ông là gia đình thương binh liệt sĩ.
Sau khi hòa bình lập lại, ông rời quân ngũ lui về xã Xà Bang, Huyện Châu Đức (BRVT) lập nghiệp, tăng gia sản xuất. Khi đất nước vào những ngày đầu mới giải phóng, ông đã giữ 1 khoảnh đất công thổ khoảng 4 sào để xây dựng mấy lớp tiểu học cho các con em trong xã học hành. Khi còn ở địa phương này, ông vận động quần chúng nhân dân góp công góp của cùng hợp sức ủi đất làm đường và kiến thiết sửa chữa các công trình khác trong thôn xóm.
Những ngày rảnh rỗi, ông vào rừng bắn chim và khám phá ra một khu đất đầm lầy của khu rừng thưa vẫn còn hoang sơ không một bóng người, cách nhà ông khoảng ba chục cây số, và ông dự định sẽ vào đây tận dụng khu đất trũng này, đào ao thả cá nước ngọt, mà sau này nơi đây được gọi là xã Suối Rao, Huyện Châu Đức, (BRVT).
Thương binh Nguyễn Văn Trì bên ao nuôi cá của mình.
Đến năm 1987, ông chuyển cả gia đình vào Xã Suối Rao lập nghiệp. Sau 10 năm bỏ ra biết bao nhiêu công sức tiền của, gia đình ông cũng tạo nên được cơ ngơi như ngày hôm nay với hồ nuôi cá diện tích trên 4 ha, ông nuôi đủ các loại cá nước ngọt : cá lóc, cá trê, cá trắm, cá bống, cá rô phi …, xung quanh bờ ao là đất sản xuất gần cả chục mẫu, gia đình ông trồng thêm khoai, đậu, bắp, mì … làm cây lương thực lấy ngắn nuôi dài, tận dụng lá cây khoai mì và nguồn cỏ dồi dào làm thức ăn cho cá và chăn nuôi bò, bỏ vốn thì ít mà thu lãi khá cao.
Vào thời điểm ấy các loại cá nước ngọt bán rất chạy, cá nuôi nhiều nhưng không đủ cung cấp cho các thương lái từ các tỉnh lân cận về mua, hằng năm gia đình ông thu lợi nhuận riêng nguồn cá nước ngọt, trừ chi phí, công cán, cũng kiếm được trung bình vài ba trăm triệu đồng mỗi năm, chưa kể đến hoa màu ruộng đất, lợi nhuận từ vật nuôi và cây trái trong rẫy vườn.
Tôi còn nhớ rất rõ vì tôi cũng đã từng vào đây hái củi, vùng đất nầy xưa kia hoang vu, ban đầu không có đường sá đi vào chỉ có một con đường xe bò nhỏ của người dân vào rừng kiếm củi, hoặc chặt lá “buông” về bán, cũng chính ông thương binh này đã bỏ tiền của, công sức, vận động một số bà con thuê xe ủi biến thành con đường đi vào xã Suối Rao bây giờ. Sau này Nhà nước đã theo đó nâng cấp thành con đường nhựa liên huyện rộng rãi khang trang. Dân cư ở xã Xà Bang chỗ ông ở trước kia cũng đua nhau vào đây khai phá, tậu rẫy lập vườn tạo dựng cơ nghiệp, dân cư mỗi ngày một trở nên đông đúc, làm ăn có hiệu quả và hiện nay ai cũng đã có cuộc sống ổn định.
Ông Nguyễn Văn Trì là một nông dân sản xuất giỏi, vừa là người thương binh tiêu biểu, vừa là hội viên Hội Cựu chiến binh xã Suối Rao. Với ý thức của một người lính cách mạng, ông luôn giúp đỡ bà con lối xóm trong lao động sản xuất, tư vấn trồng trọt cũng như trong vấn đề tiền bạc. Vì trong những năm chiến tranh khốc liệt, ông đã từng “vào sinh ra tử” mạng sống lúc đó được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng ông vẫn kiên cường cộng thêm “may mắn” và dũng cảm vượt qua tất cả gian nan thử thách.
Là người thương binh nặng cũng là một công dân tốt ở địa phương, ông Nguyễn Văn Trì thường xuyên tham gia tích cực các hoạt động xã hội, luôn gương mẫu và vận động bà con nông dân cũng như các hội viên CCB thực hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, xây dựng gia đình văn hoá, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, luôn xứng đáng là anh bộ đội Cụ Hồ góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.