Một thương binh ở Quảng Bình làm trang trại VAC nuôi đủ thứ, đẹp như phim, thu nhập cao
Một thương binh ở Quảng Bình làm trang trại nuôi đủ thứ con, cảnh đẹp như phim, thu nhập cao
Trần Anh
Thứ tư, ngày 19/07/2023 05:18 AM (GMT+7)
Thương binh Đặng Văn Diên (ở xã Đức Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) mang thương tật 4/4 nhưng đã vượt lên số phận, vay mượn để làm mô hình VAC nuôi bò, lợn, gà, cá cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Thương binh 4/4 làm mô hình VAC nuôi bò, lợn, gà, cá
Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Đặng Văn Diên (SN 1948, ở xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Thời trai trẻ, tôi cùng bao thanh niên khác lên đường nhập ngũ. Thuở đó, tôi chiến đấu ở chiến trường Huế, trong trận đánh cuối năm 1970, tôi bị thương ở vai rồi được đồng đội cõng về trạm y tế chữa bệnh. Suốt nhiều tháng liền tôi phải nằm viện và được xác định thương tật 21%, một năm sau, tôi xuất ngũ trở về địa phương".
Clip: Thương binh Đặng Văn Diên (ở xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ kinh nghiệm làm mô hình VAC, nuôi bò, lợn, gà, cá.
Trở về quê, với thương tích đầy trên cơ thể nhưng ông không đầu hàng trước số phận, ông lập gia đình, rồi cùng vợ làm ruộng.
"Quẩn quanh mãi với mấy vào ruộng cũng chỉ đủ ăn. Nên tôi đã trăn trở kiếm việc để phát triển kinh tế, dù mang thương tật trong người nhưng tôi không nản chí, làm đủ nghề để mưu sinh", ông Diên nói.
Đến năm 2007, được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, ông Diên thuê 1 ha đất 5% của xã rồi đầu tư làm mô hình VAC. Để có vốn, ông vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình rồi mua bò, lợn, gà chăn thả trong trang trại.
Ông Diên cho hay: "Để có kinh nghiệm nuôi trồng, tôi dành thời gian học hỏi các mô hình xung quanh và tích cực tham gia các lớp tập huấn. Sau đó, tôi mới mạnh dạn mua thêm con giống về để nuôi".
Chia sẻ kinh nghiệm
Ông Diên cho rằng, để mô hình VAC phát triển ổn định, bền vững, ngoài việc lựa chọn con nuôi phù hợp, nguồn thức ăn chăn nuôi đảm bảo thì quan trọng nhất phải làm tốt công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh.
Phân chuồng của các loài vật sẽ được đưa đi ủ, tái sử dụng. Sau khi ủ kỹ, mang đi bón cho cây trồng, giúp tăng khả năng giữ nước của đất và trở nên màu mỡ hơn.
Ngoài ra, nên làm đa canh, tận dụng nguồn thải loài này sử dụng cho loài kia giúp giảm chi phí và đề phòng rủi ro khi thị trường lên xuống.
"Thời tiết Quảng Bình nắng lắm và thường xuyên xảy ra bão lũ nên nuôi, trồng gặp rất nhiều khó khăn. Cách đây 3 năm, trận lũ lịch sử đã cuốn lợn, gà của tôi đi trong đêm, nghĩ tới còn thấy buồn, nhưng ý chí của người lính không cho phép tôi chùn bước, tôi đã vực dậy và làm lại mô hình".
Đến nay, trang trại rộng 1 ha của ông Diên đang nuôi 7 con trâu, 350 con gà, 35 con lợn cùng 2 ao cá thả các loài cá: cá chim, cá mè, cá trắm, cá trê phi… thu nhập một năm trang trại mang về cho ông Diên hơn 200 triệu đồng.
Ông Đăng Văn Diên chia sẻ: "Mang thương tật trong người nên trái gió, trở trời là người tôi lại đau ê ẩm, tay cứng không làm được việc. Nhưng tôi cố gắng, vượt lên số phận để làm giàu trên quê hương và tạo động lực cho bà con xung quanh cùng phát triển kinh tế.
Đến tháng 7, tôi lại thổn thức nhớ đồng đội cũ, chiến trường xưa. Tới đây, chúng tôi tổ chức gặp mặt nhau để ôn lại chuyện cũ, nhắc lại kỷ niệm đồng đội sát cánh bên nhau để chiến đấu giành lại độc lập cho tổ quốc ta".
Ông Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch UBND xã Đức Ninh (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Ông Đăng Văn Diên là thương binh 4/4, mang thương tật trong người nhưng ông có nghị lực rất lớn, luôn vượt lên số phận để phát triển kinh tế. Hiện, ông là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương và luôn chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, gương mẫu trong tất cả hoạt động trên địa bàn".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.