Một vùng đất ở Lai Châu làm ra thứ "hạt ngọc trời" ngon nức tiếng khắp Tây Bắc

Bình Minh Chủ nhật, ngày 23/06/2024 11:02 AM (GMT+7)
Huyện Than Uyên (Lai Châu) không chỉ nổi tiếng với những sản phẩm nông nghiệp như: Chè, ớt, cá lòng hồ... nơi đây còn được biết đến như vùng đất sở hữu nhiều giống lúa đặc sản, có giá trị cao, làm ra thứ gạo nổi tiếng như: gạo nếp Tan Pỏm, gạo tẻ tròn, gạo Séng cù, gạo lứt Séng cù...
Bình luận 0

Than Uyên - Vùng đất sở hữu nhiều loại gạo đặc sản

Dòng nước mát lạnh, trong vắt từ trên đỉnh núi cao chảy vào con mương đã được bê tông hóa ở xã Hua Nà (Than Uyên). Từ đây, dòng nước này được đưa vào những mảnh ruộng bậc thang, "tưới mát", nuôi dưỡng những cây lúa "đang thì con gái", vươn mình xanh mướt.

Ông Lò Văn Niên, bản Nà Ban (Hua Nà) bảo rằng, mấy chục năm nay người dân trong bản đều trồng giống lúa Séng cù, bởi không chỉ chất lượng gạo thơm, ngon, bán được giá mà đây còn là giống lúa đặc sản có từ nhiều đời nay nên bà con bảo nhau cố gắng giữ gìn, bảo tồn giống lúa này.

"Séng cù là một trong những loại lúa thơm đặc sản ở Than Uyên từ nhiều năm nay. Các tràn ruộng bậc thang nằm trong thung lũng, xen giữa những ngọn núi cao lô nhô đá nhọn. Đất làm ruộng cũng được tích tụ từ ngàn đời, được bồi đắp từ những khe nước nhỏ chảy ra từ rừng già. Đất, đá hòa với nước, keo sơn gắn chặt với nhau thành từng mảnh ruộng rồi cứ thế làm nên cả một dải nối tiếp nhau. Những cánh đồng ấy cũng là nơi phù hợp nhất để lúa Séng cù bén rễ vươn cao", ông Niên chia sẻ.

Một vùng đất ở Lai Châu làm ra thứ "hạt ngọc trời" ngon nức tiếng khắp Tây Bắc- Ảnh 1.

Giống lúa nếp Tan Pỏm của người Thái được trồng ở xã Tà Hừa, huyện Than Uyên (Lai Châu). Ảnh: Văn Chức

Ở Hua Nà, có một thời gian mỗi nhà cấy một giống lúa, ai thích ăn gạo gì thì cấy lúa đó. Séng cù là giống đặc sản nhưng nếu so với lúa lai hoặc các giống lúa mới thì năng suất “đuối” hơn hẳn. Thế nên, hộ thì cấy Séng cù, hộ thì cấy lúa lai, hộ lại trồng lúa nếp. Trên cùng một dải, theo gió, lúa thụ phấn chéo, chất lượng gạo cũng vì thế mà nhà ngon, nhà không.

Để bảo tồn giống lúa đặc sản, hiện nay, ông Niên cùng bà con trong bản đã liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung với Công ty TNHH MTV Dũng Long (đơn vị triển khai chuỗi liên kết sản xuất lúa đặc sản trên địa bàn huyện Than Uyên).

Từ khi được sự định hướng, tuyên truyền, hỗ trợ của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các hộ đã mạnh dạn tham gia chuỗi liên kết sản xuất lúa đặc sản. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu, hầu hết người dân đều tỏ ra hoài nghi, nhưng khi thu hoạch ai nấy đều rất phấn khởi khi năng suất lúa cao, doanh nghiệp về tận ruộng thu mua toàn bộ sản lượng với giá 15.000 đồng/kg (trước phải chở từng bao thóc đi xa để bán, thương lái ép giá, dìm giá).

Đến nay, với sự tham gia liên kết của doanh nghiệp, gạo Séng cù đã được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2021. Ngoài sản phẩm gạo Séng cù, huyện Than Uyên cũng đã xây dựng thành công các sản phẩm nông sản khác như: nếp Tan Pỏm, gạo tẻ tròn, gạo lứt Séng cù đạt sản phẩm OCOP 3 sao.

Một vùng đất ở Lai Châu làm ra thứ "hạt ngọc trời" ngon nức tiếng khắp Tây Bắc- Ảnh 2.

Ông Lò Văn Niên, bản Nà Ban (Hua Nà) chăm sóc mạ non - là giống lúa Séng cù được người dân trong bản canh tác nhiều năm nay. Ảnh: Bình Minh

Tại xã Mường Cang, anh Tòng Văn Phát, bản Pom Pó chia sẻ, gia đình anh có hai sào ruộng, anh đã ký kết trồng lúa Séng cù với doanh nghiệp được hai năm nay. Toàn bộ giống và đầu ra sản phẩm đều được công ty cấp và bao tiêu. Nhờ đó, người dân yên tâm hơn khi có đầu ra ổn định, bán giá cao.

"Liên kết sản xuất không chỉ góp phần bảo tồn và phát triển được giống lúa đặc sản của địa phương mà còn giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng và thu nhập ngay từ chính đồng ruộng của quê hương", anh Phát bày tỏ.

Một vùng đất ở Lai Châu làm ra thứ "hạt ngọc trời" ngon nức tiếng khắp Tây Bắc- Ảnh 3.

Gạo Séng cù được Công ty TNHH MTV Dũng Long xay xát, đóng gói trước khi chuyển đến tay người tiêu dùng. Ảnh: Bình Minh

Liên kết sản xuất lúa đặc sản bền vững

Ông Nguyễn Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dũng Long (đơn vị triển khai chuỗi liên kết sản xuất lúa đặc sản trên địa bàn huyện Than Uyên) chia sẻ, Công ty xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa đặc sản với các hộ theo hình thức doanh nghiệp cung cấp, cho trả chậm giống, vật tư đầu vào (phân bón, thuốc BVTV) và thu mua toàn bộ đầu ra với giá cao hơn 1 - 2 giá so với thị trường.

Không chỉ đơn thuần thực hiện liên kết và thu mua lúa sau thu hoạch cho người dân, mà để có được những sản phẩm OCOP chất lượng, được nhiều người biết đến, tin dùng, ông Hạnh cho biết, công ty thường xuyên hướng dẫn cho nhân dân từ cách ủ giống đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch, bảo quản lúa sau khi thu hoạch nếu gặp thời tiết bất lợi. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm ngặt việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Một vùng đất ở Lai Châu làm ra thứ "hạt ngọc trời" ngon nức tiếng khắp Tây Bắc- Ảnh 4.

Giống lúa nếp Tan Pỏm được coi là đặc sản ở Than Uyên, hiện được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Văn Chức

Theo ông Hạnh, khi tham gia liên kết, cả doanh nghiệp và nông dân đều được hưởng lợi. Đối với doanh nghiệp, sẽ chấm dứt được tình trạng không có vùng cung cấp nguyên liệu ổn định, tạo điều kiện nâng cao công suất sử dụng máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến. Từ đó, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả hoạt động chế biến và tiêu thụ nông sản.

Công ty cũng đầu tư dây chuyền xay xát, giàn sấy, hệ thống nhà xưởng và thành lập trang Web để đưa các sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử để quảng bá, giới thiệu.

Ông Nguyễn Trọng Hưởng, Trưởng phòng NNPTNT huyện Than Uyên cho biết, được thiên nhiên ban tặng điều kiện tự nhiên thuận lợi, Than Uyên được biết đến là một trong 4 cánh đồng lúa lớn nhất khu vực Tây Bắc: “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” (Mường Thanh - Điện Biên; Mường Lò - Yên Bái, Mường Than - Than Uyên; Mường Tấc - Sơn La).

Năm 2023, toàn huyện gieo cấy hơn 4.800ha lúa (2 vụ), sản lượng hơn 25.800 tấn. Trong đó, duy trì hơn 1.500ha sản xuất lúa hàng hóa tập trung, tăng cường sử dụng giống lúa thuần chất lượng cao, năng suất ổn định.

Đặc biệt, với định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung là động lực để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, thu mua, chế biến lúa gạo với các hộ dân; thúc đẩy việc duy trì và phát triển nhãn hiệu gạo đặc sản như Séng Cù Than Uyên, nếp Tan Pỏm (Tà Hừa), gạo tẻ tròn…

Một vùng đất ở Lai Châu làm ra thứ "hạt ngọc trời" ngon nức tiếng khắp Tây Bắc- Ảnh 5.

Công ty TNHH MTV Dũng Long cùng lãnh đạo UBND, bà con xã Hua Nà (huyện Than Uyên) thăm cánh đồng sản xuất lúa hàng hóa tập trung trên địa bàn. Ảnh: Hồng Hạnh

Đánh giá về mô hình liên hết sản xuất lúa đặc sản trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên Nguyễn Văn Thăng cho hay, thời gian qua, huyện Than Uyên được tỉnh Lai Châu quan tâm tạo điều kiện để xây dựng, phát triển thương hiệu gạo Séng cù cũng như phát triển thương hiệu gạo đặc sản khác. Hiện Than Uyên có hai đơn vị được Sở Công Thương hỗ trợ trong việc sản xuất gạo Séng cù; trong đó, Công ty TNHH MTV Dũng Long đã được Sở Công Thương trao địa chỉ trang web nhằm đưa sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. 

Để giữ vững thương hiệu gạo Séng cù và các loại gạo đặc sản khác, huyện Than Uyên tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về việc xây dựng và phát triển thương hiệu gạo đặc sản. Cùng đó, khuyến cáo người sản xuất phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình kỹ thuật canh tác, chăm sóc lúa Séng cù như: sản xuất giống, sản xuất lúa thương phẩm, bảo quản và chế biến sản phẩm gạo; thực hiện đúng quy chế quản lý thương hiệu, quy trình kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và kiểm soát chất lượng sản phẩm; xây dựng các kênh tiêu thụ, từ đó đưa sản phẩm thực sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem