Một xã ở Quảng Nam trở thành phường nội thị, nông nghiệp chỉ còn 18,76%
Một xã ở Quảng Nam trở thành phường nội thị, nông nghiệp chỉ còn 18,76%
Trần Hậu - Hiếu Nhi
Thứ tư, ngày 28/06/2023 12:57 PM (GMT+7)
Tháng 4/2023, Điện Phương đã được công bố trở thành phường nội thị của thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của địa phương này.
Ông Dương Phú Toàn – Chủ tịch UBND phường Điện Phương cho biết, sau ngày giải phóng, Điện Phương đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức là "cuộc chiến" chống lại đói nghèo lạc hậu, lo cơm ăn, áo mặc, học hành.
Đây cũng là cuộc chiến không kém phần gian nan, vất vả. Nhưng với sự đoàn kết và kế thừa truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Phương đã nỗ lực vượt qua tất cả, đưa quê nhà vững bước đi lên.
Điện Phương đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016, đây cũng là "bước đệm" để Điện Phương bứt phá.
Sau khi cán đích xã nông thôn mới, chính quyền Điện Phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm, tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo lộ trình từ xã lên phường.
"Điện Phương có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam, cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện giúp đỡ trực tiếp của Thị ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam thị xã Điện Bàn, cùng với đó là sự giúp đỡ về nhiều mặt của các cấp, các ngành cấp trên. Chúng tôi sẽ không ngủ quên trên kết quả đã đạt được, mà sẽ quyết tâm xây dựng Điện Phương trở thành đô thị trẻ, năng động…".
Ông Đặng Hữu Tú -
Bí thư Đảng ủy phường Điện Phương
Điện Phương đã căn cứ vào các tiêu chí về xây dựng xã lên phường, từ đó rà soát, đánh giá từng tiêu chí, xác định rõ từng nhiệm vụ theo thời gian cụ thể.
Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác quy hoạch khu trung tâm phường; hệ thống giao thông, đèn chiếu sáng, cống thoát nước chính, khu đô thị, cây xanh công cộng... Xây dựng, lập quy hoạch các khu dân cư theo quy hoạch đô thị; tranh thủ các nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng về giao thông, giáo dục; cơ sở vật chất văn hóa. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại để tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.
Điện Phương xác định, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, những năm qua công tác quy hoạch, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng được địa phương triển khai thực hiện quyết liệt và có hiệu quả.
Hiện nay, thị xã Điện Bàn đã phê duyệt và địa phương đã triển khai thi công nâng cấp giai đoạn 2 tuyến đường DH2 từ nhà thờ Tộc Đỗ (Triêm Trung 1) đến HTX Nông nghiệp Điện Phương để hoàn thiện tuyến đường huyết mạch của phường, giao thông đi lại thuận lợi, kết nối từ tuyến Quốc lộ 1A qua trung tâm hành chính phường đến khu vực Lai Nghi được thông suốt.
Khu trung tâm hành chính của phường cũng đã được phê duyệt phương án đầu tư giai đoạn 2022-2025, tạo ra một vùng đô thị mới ở phía Đông Bắc của phường. Bên cạnh đó, Điện Phương cũng đang khuyến khích, kêu gọi đầu tư khu dân cư ven tuyến đường làng nghề đến làng gốm Thanh Hà, để tạo vệt giao thông thuận lợi từ Hội An đến phường Điện Phương.
Phường cũng đã khảo sát và cùng với Trung tâm phát triển Quỹ đất thị xã Điện Bàn triển khai đầu tư Khu dân cư đô thị Triêm Đông 2, với diện tích 9,8ha bao gồm các hạng mục như khu nhà ở thương mại, nhà ở liền kề, nhà ở vườn, khu công trình thương mại dịch vụ (chợ), khu cây xanh thể dục - thể thao, khu xử lý rác thải.
Cùng với đó, các dự án cơ sở hạ tầng khác cũng sẽ được đầu tư xây dựng như: Khu dân cư chợ truyền thống Đông Khương Cầu Mống, với hình thức chỉnh trang cụm làng nghề Đông Khương; kè chống xói lở…
Riêng trong năm 2022, trên địa bàn đã triển khai 19 công trình xây dựng cơ bản, với số vốn đầu tư hơn 14 tỷ đồng. Các công trình, dự án trên đã và đang triển khai xây dựng, sau khi đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ tạo nên một không gian đô thị mới cho Điện Phương.
Kinh tế khởi sắc
Ông Dương Phú Toàn cho biết, lĩnh vực kinh tế ở địa phương đã có nhiều khởi sắc và phát triển toàn diện theo đúng định hướng cơ cấu ngành, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ - du lịch, từng bước đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Tổng giá trị sản xuất năm 2022 toàn phường ước đạt 374,662 tỷ đồng, tăng 3,98% so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Trong đó, công nghiệp - xây dựng chiếm 44,35%, thương mại - dịch vụ - du lịch chiếm 36,89%, nông nghiệp chiếm 18,76%.
Về giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2022 ước đạt 166,170 tỷ đồng, tăng 4,83% so với năm 2021. Các doanh nghiệp trọng cụm làng nghề duy trì tốt sản xuất, kinh doanh.
Thời gian qua, phường Điện Phương cũng đặc biệt quan tâm chú trọng đến công tác đào tạo nghề, thực hiện tốt các hoạt động khuyến công, áp dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm… nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Sau dịch Covid-19, hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch trên địa bàn phường từng bước được khôi phục. Hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân đa dạng về chủng loại, mẫu mã giá cả ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn. Các chợ Hương Đàn, Cầu Mống được sắp xếp, bố trí thuận tiện cho các tiểu thương buôn bán. Xã tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng làng du lịch Triêm Tây. Năm 2022, giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ - du lịch của Điện Phương ước đạt 138,312 tỷ đồng, tăng 3,83% so với năm 2021.
Cũng năm 2022, mặc dù thời tiết không lợi nhưng lĩnh vực nông nghiệp của đIện Phương vẫn tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 70,28 tỷ đồng, tăng 2,35% so với năm 2021. Tổng diện tích gieo trồng cả năm là 924ha, tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 3.357 tấn.
Theo ông Toàn, mặc dù đã đạt được những kết quả ấn tượng trong thời gian qua, tuy nhiên khi "khoác áo" đô thị, Điện Phương vẫn còn đó nhiều thách thức, nhất là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; cơ sở hạ tầng cần được đầu tư nâng cấp mở rộng để thích ứng với việc phát triển không gian đô thị; xây dựng nếp sống văn minh đô thị...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.