Mùa hè - lo giữ an toàn cho trẻ em

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 29/04/2017 06:23 AM (GMT+7)
Vừa chớm hè đã xảy ra hàng loạt vụ tai nạn khiến nhiều trẻ thiệt mạng hoặc bị thương tích nặng. Nguyên nhân thường do sự bất cẩn, chủ quan của người lớn. Các chuyên gia y tế lo ngại, vào hè khi trẻ được nghỉ học, nguy cơ tai nạn trẻ em càng gia tăng.
Bình luận 0

Sểnh một ly đi… cả mạng

Bệnh viện Nhi T.Ư vừa tiếp nhận một bé gái 8 tuổi (Hà Nội), nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, môi tái, hôn mê sâu, đồng tử giãn, không có phản xạ ánh sáng. Người nhà cho biết, bố bé tắm cho con gái, tuy nhiên anh có việc nên chạy ra ngoài khoảng 30 phút, khi quay lại đã thấy con gái nằm sõng soài trong bồn tắm.

Dù được điều trị tích cực, nhưng sau 2 ngày bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, phản xạ ánh sáng yếu, rối loạn nước điện giải. “Chúng tôi đã cố gắng hết sức để cứu cháu, nhưng do tình trạng bệnh nặng, cháu bé đã đã tử vong” – TS - bác sĩ Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Điều trị tích cực (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết.

Theo TS Tuấn, đuối nước là tai nạn thường xảy ra ở trẻ em với tỷ lệ tử vong rất cao. Thông thường người nhà phòng ngừa bằng cách không cho con em mình ra bờ ao, sông suối. Nhưng rất nhiều trẻ lại bị đuối nước trong bồn tắm, chậu tắm, xô nước ở nhà. “Trẻ nhỏ khi bị ngã úp sấp xuống nước thường không có khả năng đứng dậy nên dễ bị đuối nước” –TS Tuấn cho biết.

img

   Người lớn luôn phải cẩn trọng khi chăm sóc trẻ (ảnh chụp tại khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai). ảnh: Diệu Linh

Trước đó vài ngày, một bé gái 10 tháng tuổi (Hóc Môn, TP. HCM) cũng được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) trong tình trạng tím tái, trụy mạch, đồng tử giãn. Dù đã được cấp cứu nhưng bệnh nhi vẫn tử vong. Theo lời người nhà, người bố  trông con, sau khi nằm nghỉ một lát thì không thấy con đâu. Gia đình đi tìm thì thấy con bị té úp mặt vào chậu nước.

Theo các bác sĩ, chỉ cần trẻ ngã sấp vào chậu nước vài phút cũng có thể xảy ra tử vong, nếu cứu được cũng bị tổn hại thần kinh, sống thực vật. Do đó, cha mẹ thường phải để trẻ trong tầm mắt, không cho trẻ nhỏ ra gần bờ ao, vũng nước, thậm chí trong nhà không nên để các xô, thùng nước không có nắp đậy. Mùa hè nóng nực, trẻ lớn thường thích ra ao hồ chơi, vầy nước. Đối với trẻ lớn, cha mẹ phải nhắc nhở, cảnh báo các con về nguy cơ đuối nước. Còn với trẻ nhỏ luôn phải theo dõi, dù trẻ tắm trong chậu hay bồn tắm.

Hại con vì bất cẩn

Trẻ em hay bị tai nạn nhất ở độ tuổi từ 1-5. Ở độ tuổi này trẻ rất hiếu động, ham khám phá xung quanh, lại thiếu nhận thức về nguy hiểm nên rất dễ hành động dại dột. Do đó, người lớn khi trông trẻ phải cảnh giác mọi nơi, mọi lúc, không để các vật nhọn, sắc, vật nhỏ, nước sôi, bếp lửa, các hóa chất ở trong tầm với của trẻ. Đừng để sơ sểnh trong vài phút rồi hối hận cả đời”.
TS Nguyễn Tiến Dũng 

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư cũng vừa phẫu thuật để lấy 13 viên bi trong dạ dày của bé trai gần 2 tuổi (quê Thanh Chương, Nghệ An). Theo người nhà, khi thấy con nôn ói dữ dội, gia đình nghi con bị ngộ độc thức ăn nên đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đô Lương. Chiếu chụp cho thấy trong dạ dày bệnh nhi có một chuỗi các viên bi kết liền nhau. Do các viên bi là nam châm nên dính chặt vào nhau, không thể bài tiết theo đường tiêu hóa.

Theo lời người nhà, bệnh nhi thường hay chơi bi với các trẻ trong xóm. Đây có thể là viên bi xe đạp. Bệnh nhi đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư để được phẫu thuật. Theo các bác sĩ, viên bi bám vào thành dạ dày, gây loét. Nếu như không kịp thời phẫu thuật, cháu bé có thể bị bục dạ dày, nguy hiểm đến tính mạng.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bé trai 4 tuổi, đến từ Long An vừa thoát khỏi cái chết trong gang tấc. Cháu bé đã hít vào đường thở một mẩu nhựa là lõi của cây kèn đồ chơi . Rất may vật lạ chui thẳng vào phổi phải mà không tắc ở đường thở. Các bác sĩ đã dùng phương pháp nội soi để gắp dị vật ra.

Tuy nhiên có nhiều trẻ không may mắn như vậy. Theo PGS - TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), dị vật nguy hiểm có thể cướp đi sinh mạng trẻ trong tích tắc chính là kẹo thạch. Bệnh viện đã tiếp nhận hàng chục ca hóc kẹo thạch nhưng hầu như không cứu được. “Kẹo thạch mềm, xuống đường thở dễ thay đổi hình dáng và ôm khít lấy đường thở, khiến trẻ nhanh chóng bị ngạt và tử vong. “Cha mẹ hầu như đều ý thức được sự nguy hiểm của kẹo thạch nhưng lại chủ quan, để trẻ tự lấy thạch, bóc và hút ăn. Khi đó miếng thạch to nhanh chóng tụt vào đường thở và mắc nghẹn, không thể cứu vãn được” – TS Dũng nhận định.

Theo TS Dũng, ngoài ra, trẻ còn thường uống nhầm axit loãng, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, hóa chất, dầu luyn, xăng do cha mẹ trẻ thường đựng các hóa chất này trong vỏ chai đựng nước ngọt và để trong tầm tay với của trẻ. Không ít trẻ đã tử vong, còn nếu được cứu sống cũng để lại di chứng về sức khỏe. Theo bác sĩ Lê Tuấn Anh – Phó trưởng khoa Chỉnh hình (Bệnh viện Nhi T.Ư), phụ huynh ở nông thôn còn phải đặc biệt chú trọng đến các nguy cơ tai nạn của trẻ khi đến gần các máy xay, máy xát, máy cắt cỏ… Bệnh viện đã từng tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị máy xay nghiền nát bàn tay, chân. Có cháu còn bị máy xát nghiền chân đến tận bẹn.

“Trẻ ở nông thôn càng ít trò giải trí, cũng tiếp xúc, chạy nhảy ngoài môi trường nhiều hơn nên dễ gặp các tai nạn đuối nước, gia súc tấn công, bị bỏng, điện giật, tai nạn máy nông nghiệp… Do đó, trong mùa hè, cha mẹ càng cần phải cẩn trọng hơn” – bác sĩ Tuấn Anh cho biết. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem