Mùa nước nổi dân Sóc Trăng nuôi cá đồng đăng quầng, cá rô đồng, cá trê, cá lóc đồng bán hút hàng
Mùa nước nổi dân Sóc Trăng nuôi cá đăng quầng, cá rô đồng, cá trê vàng, cá lóc đồng là cá ngon
Chủ nhật, ngày 13/10/2024 05:38 AM (GMT+7)
Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thuộc khu vực vùng trũng nên hằng năm, mùa nước nổi kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11. Tận dụng nguồn nước trên đồng, nông dân tại một số địa phương trên địa bàn thị xã Ngã Năm nuôi cá đồng theo hình thức đăng quầng...
Thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) thuộc khu vực vùng trũng nên hằng năm, mùa nước nổi kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11. Đây là thời điểm đã thu hoạch xong vụ lúa Hè - Thu, nước tràn về trên khắp các cánh đồng.
Tận dụng nguồn nước trên đồng, nông dân tại một số địa phương trên địa bàn thị xã Ngã Năm nuôi cá đăng quầng (đăng bằng lưới quản lý cá trên ruộng); nuôi cá trong vèo; nuôi cá trong bờ bao để tăng thêm thu nhập.
Ông Nguyễn Thanh Long, xã Long Bình, thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: "Tôi nuôi cá đăng quầng mùa nước nổi từ năm 1995 đến nay. Nuôi cá trong mùa này hông tốn chi phí mua con giống hay thức ăn.
Hình thức nuôi cá rất đơn giản. Sau thu hoạch lúa Hè - Thu, nước từ thượng nguồn đổ về đem lại lượng phù sa và nhiều loại thủy sản nước ngọt như: cá lóc, cá sặc, cá rô, tép…
Để quản lý tốt lượng cá đồng trên, với 4ha đất canh tác của gia đình, tôi sẽ dùng lưới bao quanh hết cả diện tích đất trên.
Sau 1 tháng bao giữ cá trên đồng, tôi dùng lưới giăng bắt cá hằng ngày, thu hoạch từ 5 - 7kg cá các loại, kiếm được vài trăm ngàn đồng mỗi ngày. Hơn 2 tháng giữ nước trên đồng để nuôi cá tự nhiên thì tiến hành tháo nước ra khỏi ruộng vừa thu hoạch cá đồng, vừa chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Đông - Xuân.
Diện tích 4ha nuôi cá đăng quầng, ước sản lượng thu về hằng năm gần 1 tấn cá các loại, đem về thu nhập hơn 50 triệu đồng".
Ông Nguyễn Thanh Long (bên phải), xã Long Bình, thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) bên ruộng nuôi cá đăng quầng trong mùa nước nổi, đem về thu nhập hàng chục triệu đồng/mùa nước. Ảnh: THÚY LIỄU
Diện tích nuôi cá đăng quầng trong ruộng lúa trên địa bàn thị xã Ngã Năm là 153ha, cá nuôi tập trung chủ yếu tại các xã: Vĩnh Quới, Long Bình, Mỹ Bình và Phường 2.
Ngoài nuôi cá đăng quầng trong thời điểm mùa nước nổi, người dân còn tận dụng bờ bao, ao trữ cá đồng để quản lý nuôi cá đồng tự nhiên để thực hiện mô hình lúa - cá.
Cá sau thu hoạch được tiêu thụ tại các chợ địa phương trên địa bàn thị xã và được vận chuyển đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn...
Ngoài ra, từ nguồn cá đồng, nông dân còn chế biến các loại mắm cá rô không xương, mắm cá lóc đồng, được thị trường ưa chuộng. Từ các hình thức nuôi cá trên đồng ruộng, hiệu quả kinh tế đem lại cho nông dân trong mùa nước nổi là hơn 10 triệu đồng/ha.
Đồng chí Kim Thái Phong - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, để phát triển nuôi cá đồng trên địa bàn thị xã trong thời gian tới, đặc biệt là nuôi cá đăng quầng trong mùa nước nổi, thị xã có định hướng sẽ xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cá đồng trong và ngoài tỉnh; xây dựng thương hiệu sản phẩm cá đồng đặc trưng của địa phương.
Bên cạnh đó, phát triển các loại hình nuôi thủy sản kết hợp, gắn với đa dạng các sản phẩm thông qua chế biến tạo giá trị gia tăng như: khô, mắm, chả cá.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, thị xã sẽ phát triển diện tích nuôi cá đăng quầng hằng năm trên địa bàn thị xã là 240ha; hỗ trợ người nuôi cá về con giống như: cá trê vàng, cá rô đồng, cá lóc đồng.
Cùng với đó, phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn hỗ trợ người dân quản lý kỹ thuật trong quá trình nuôi cá và sẽ tiếp tục nhân rộng việc nuôi cá đăng quầng trong các năm tiếp theo, góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân canh tác lúa.
“Nuôi cá đăng quầng mùa nước nổi sẽ góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội đồng, mô hình đem lại nguồn thu nhập tốt cho nông dân trồng lúa, tạo việc làm cho người dân trong những tháng nông nhàn khi mùa nước nổi về.
Đặc biệt cách thức nuôi cá đăng quầng trên ruộng lúa giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm chi phí phân bón cho mùa vụ lúa tiếp theo. Điều đó còn hướng đến phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”, đồng chí Quách Thị Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng nhận xét.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.