Mùa thu, hoa cúc, nhớ Xuân Quỳnh

Thứ ba, ngày 23/10/2012 14:16 PM (GMT+7)
Dân Việt - Sáng 23.10, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức cuộc tọa đàm “Xuân Quỳnh - Còn mãi một tình yêu”. Trong tiết thu Hà Nội, những hồi ức về một người phụ nữ xinh đẹp tài năng hiếm có của làng thơ càng thêm nồng đượm.
Bình luận 0

Nhà thơ Bằng Việt nói thay cho suy nghĩ của rất nhiều người: “Được mời đến dự cuộc tọa đàm này, tôi ngạc nhiên vô cùng khi được nhắc rằng Xuân Quỳnh năm nay đã 70 tuổi rồi. Trong tâm trí tôi, chưa bao giờ nghĩ rằng người bạn tài năng và xinh đẹp đó có lúc nào sẽ trở thành một bà già 70 tuổi. Tôi tin rằng, nếu Xuân Quỳnh còn ở lại với chúng ta, thì lúc nào chị cũng vẫn giữ được sự trẻ trung tươi mới trong tâm hồn, chị vẫn luôn chơi với chúng tôi hồn nhiên như thể không hề biết có tuổi tác ở trên đầu.

Không hiểu sao, mỗi khi nhớ đến thơ Xuân Quỳnh, tôi luôn nhớ đến hai câu thơ của chị: Ngủ đi hòn đá thì mềm/Bàn chân thì cứng, ngọn đèn thì xa. Hai câu thơ luôn gây cho tôi sự xúc động và mối liên tưởng về sự lan xa, vang vọng, khắc khoải về một ngọn đèn như đích đến luôn ở xa tít tắp”.

img
Nhà thơ Xuân Quỳnh

Nhà thơ Bằng Việt nói ông thích nhất mỗi khi được nghe các ca sĩ hát bài “Thơ tình cuối mùa thu” của Xuân Quỳnh được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, mỗi lần nghe là mỗi lần xúc động đến lặng người đi bởi đó là một bài thơ ý ở ngoài lời với những suy nghĩ không phải nhà thơ nào cũng đạt được. Với bài thơ này, theo Bằng Việt, Xuân Quỳnh đã đạt tới ngưỡng của thiên tài, và ông nhấn mạnh mình nói điều này không phải vì quá yêu quý hay vì nể đối với bạn.

Trong nỗi xúc động, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng tâm sự: “Tôi nhớ mãi lần xem chương trình Con đường âm nhạc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trên VTV, ông rất đau khổ nói rằng các ca sĩ từ hàng “sao” đến người mới vào nghề thường rất hay hát sai một chữ trong bài thơ nổi tiếng “Thơ tình cuối mùa thu” của Xuân Quỳnh, đó là Mùa thu vào hoa cúc thì thành Mùa thu vàng hoa cúc hay Mùa thu và hoa cúc. Thật là đau khổ cho người làm thơ, bởi chỉ cần sai một chữ thôi, cái quyết liệt của câu thơ khi tác giả dồn hết mùa thu vào sắc vàng của bông hoa cúc không còn lại gì cả”.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái lại yêu một mùa thu khác, mùa thu của dự cảm trong bài thơ “Tự hát” của Xuân Quỳnh: ...Mùa thu nay sao bão mưa nhiều/Những cửa sổ con tàu chẳng đóng/Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm /Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh /Em lo âu trước xa tắp đường mình /Trái tim đập những điều không thể nói /Trái tim đập cồn cào cơn đói /Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn...

Theo PGS.TS Minh Thái, Xuân Quỳnh yêu trong thơ đến hết và đến chết. Thành tựu lớn nhất của Xuân Quỳnh là đã trở thành một nữ thi sĩ của thơ tình, mà trong thơ, chị luôn là một người yêu đơn phương, người cả đời chỉ săn đuổi một thứ duy nhất là hạnh phúc. Khắc khoải lớn nhất trong đời Xuân Quỳnh là không biết mình có được yêu hay không. Hơn ai hết, trái tim nhạy cảm và khối óc thông thái của một người đàn bà đích thực trong Xuân Quỳnh hiểu, hạnh phúc chỉ là tương đối, hôm nay cầm nắm được trong tay nhưng ngày mai có thể sẽ tuột khỏi nên chị yêu thương tất cả những thứ gần gũi xung quanh mình, như một bông hoa cúc, một ít nước nóng trong phích trên bàn.

img
Buổi tọa đàm sáng 23.10 tại Hà Nội

Xuân Quỳnh luôn cô đơn trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc nên nỗi cô đơn ấy lay động trái tim tất cả những người phụ nữ đọc thơ chị bằng một giọng thơ ám ảnh. Đọc thơ Xuân Quỳnh, người đọc tìm được sự an ninh trong tâm hồn, một sự an ninh mà hôm nay đang ngày càng khó tìm thấy.

Có mặt trong buổi gặp mặt, nhà thơ Vân Long hết sức xúc động nhớ lại những kỷ niệm của riêng ông với thi sĩ Xuân Quỳnh, từ khi chị còn là một cô bé 10 tuổi nhảy dây trong sân nhà chị gái Đông Mai cho đến khi trở thành một diễn viên múa trong Đoàn ca múa Trung ương ở khu văn công Mai Dịch. Lúc chị hoang mang không biết tìm đâu lối rẽ cho đời mình, đi tiếp con đường diễn viên múa hay quyết rời xa nó để lấn sân sang địa hạt văn chương, chị đã viết thư cho ông.

Và nhà thơ Vân Long đã trả lời cho tâm sự ấy của Xuân Quỳnh bằng một lá thư dài, lá thư mà cho đến giờ ông cũng chưa dám khẳng định là liệu có phải là vì nó mà Xuân Quỳnh đã quyết định bước hẳn vào văn nghiệp và để đến nay, chúng ta có một nữ thi sĩ tài năng đã vượt ra khỏi mọi rào khung của thời gian, vượt lên cái chết.

Có lúc nhà thơ Vân Long nghẹn ngào không thốt nổi nên lời, để giúp ông thoát khỏi tâm trạng quá xúc động, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn lên đọc lại bài thơ “Qua mưa” của Vân Long: Qua dải sân mưa tôi ngắm em/Màn mưa nhòa những nét thân quen/Tình yêu mới nở sao mà đẹp/Một thoáng nhìn nhau mưa cũng ghen và tiết lộ, đây chính là bài thơ ông làm tặng thi sĩ Xuân Quỳnh để kỷ niệm mối tình thầm kín với một người phụ nữ tài sắc. Nhà thơ Vân Long gật gật mái đầu bạc trắng để công nhận điều này.

Xuân Quỳnh - người đàn bà làm thơ bằng trái tim trọn vẹn cho tình yêu và cuộc tìm kiếm hạnh phúc năm 2012 này đã 70 tuổi. Cho dù chị đã rời xa bạn bè, người thân đã 24 năm trong một tai nạn thảm khốc cùng chồng - nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ và con trai, nhưng cùng với tình yêu và mùa thu, Xuân Quỳnh đã vĩnh viễn ở lại trong lòng người yêu thơ và yêu mến chị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem