Mùa vàng trên đất khó

Thứ sáu, ngày 06/09/2013 09:22 AM (GMT+7)
Bằng cách tập hợp sức mạnh từ nông dân, HTX 714 đã làm nên “mùa vàng” trên vùng đất khó, mang lại đời sống ấm no cho các xã viên…
Bình luận 0
img

“Bó đũa” 714

Sau giải phóng, ông Vũ Xuân Thu (hiện là Chủ nhiệm HTX 714) lên Tây Nguyên tham gia vào Trung đoàn 714. Ngày ấy, nhiệm vụ của 714 là vừa truy quét Fulro, vừa khai hoang lấy đất sản xuất để đưa dân kinh tế mới vào Tây Nguyên làm ăn. Chỗ 714 đóng quân (giờ là xã Ea Pal, huyện Ea Kar, Đăk Lăk) là một vùng rừng le cằn cỗi. Nhưng với ý chí quyết tâm, những người lính của 714 cũng như ông Thu đã bắt “sỏi đá cũng thành cơm”.

Hàng ngàn ha đất được khai hoang, trên 500ha ruộng lúa nước được hình thành. Năm 1985, Trung đoàn này chuyển đổi sang mô hình Nông trường cũng với tên 714 trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam… Năm 2006, Nông trường 714 bị giải thể, toàn bộ diện tích đất của 714 được huyện cho người dân nhận khoán để sản xuất. Nhưng “việc tổ chức có nhiều bất cập nên thu nhập của nông dân rất ít ỏi. Hơn nữa, nơi này giao thông trắc trở, dân trí lại thấp, người dân chẳng biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống rất khó khăn”- ông Thu chia sẻ.

Chủ nhiệm HTX 714 Vũ Xuân Thu (người đứng giữa) đi kiểm tra ruộng lúa của bà con nông dân trước ngày thu hoạch.
Chủ nhiệm HTX 714 Vũ Xuân Thu (người đứng giữa) đi kiểm tra ruộng lúa của bà con nông dân trước ngày thu hoạch.

Tiếc mồ hôi, công sức, có khi là cả máu xương mà anh em đồng đội mình đã đổ xuống làm nên mảnh đất này, từ ngày Nông trường 714 giải thể, ông Thu lúc nào cũng trăn trở- làm sao để nông dân có thể giàu lên nhờ cánh đồng lịch sử này? Thế rồi, trong một lần “trà dư tửu hậu” cùng mấy đồng đội cũ, ý tưởng thành lập một HTX sản xuất nông nghiệp được đưa ra.

Tưởng chỉ là chuyện đùa nhưng ý tưởng ấy cứ “ám ảnh” ông Thu. Tra cứu Internet, tìm hiểu các mô hình kinh tế HTX ở các địa phương… cuối cùng ông quyết định biến cái ý tưởng kia thành hiện thực. Ông tập hợp đồng đội cũ, bạn bè, người thân ngồi lại trình bày phương án thành lập HTX của mình. Đồng đội ủng hộ, mọi người ủng hộ nhưng một lần nữa lòng quyết tâm của ông Thu lại bị thử thách. Bởi số công nợ mà Nông trường 714 đang “ôm” lên đến 1,6 tỷ đồng. Muốn HTX hoạt động trên diện tích đất của nông trường thì các xã viên phải “lãnh” thay khoản nợ khủng ấy… Nhưng chí đã quyết, giữa năm 2010, ông Thu cho ra đời HTX Nông nghiệp 714 (trụ sở tại thôn 12 xã Ea Pal, huyện Ea Kar) với 24 xã viên. Với ông Thu, HTX 714 là lời tri ân đối với những đồng đội cũ

“Cách mạng” sản xuất

HTX 714 được thành lập với tổng số 24 xã viên, trong đó bộ máy vừa quản lý vừa điều hành gồm có 1 chủ nhiệm, 1 phó chủ nhiệm, 2 kiểm soát, 1 kế toán và 1 thủ quỹ. Với tổng diện tích hơn 383ha lúa nước 2 vụ, ngay sau khi được cấp chứng nhận quyền sử dụng, HTX tổ chức họp dân, ký kết lại hợp đồng giao nhận khoán và triển khai kế hoạch gieo trồng theo thời vụ. Lần lượt có đến 857 hộ dân ở địa bàn các xã Ea Pal, Ea Ô (huyện Ea Kar) và Ea Kly (huyện Krông Păk) ký hợp đồng với HTX để trồng lúa. Liền sau đó, Ban Chủ nhiệm HTX tính đến chuyện đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất.

Chuyện đã tính xong nhưng nguồn vốn ít ỏi lại một lần nữa ngáng đường ông Thu. Trước tình thế đó, ông Thu phải đến gõ cửa từng nhà, tìm gặp từng người, từ xã viên đến các hộ nhận khoán kêu gọi, vận động bỏ vốn đầu tư mua máy cày, máy gặt tham gia vào HTX. Đồng thời, ông kêu gọi các hộ có máy hoạt động riêng lẻ bên ngoài kết hợp với máy của HTX thành lập các tổ dịch vụ phục vụ sản suất cho bà con nhận khoán. Kết quả là HTX đã thành lập được 4 tổ dịch vụ làm đất và máy gặt đập liên hoàn ở 4 đội sản suất, bảo đảm đủ công suất phục vụ cho nhu cầu của gần 400ha lúa cả HTX.

Trên con đường nhựa phẳng lỳ là những ngôi nhà kiểu mới còn tươi màu ngói đua nhau mọc lên san sát. Có ai ngờ đâu rằng nơi đấy ngày xưa là một vùng đầy le và đá sỏi!


Nếu trước, nông dân phải tự thuê máy cày, máy gặt chẳng những năng suất không đạt mà người dân còn bị ép giá thì giờ chuyện ấy đã không còn: “Nếu như trước đây, máy làm đất hoạt động đơn lẻ, mỗi ngày chỉ làm được khoảng 1,5ha, thì đến nay do được điều hành tập trung, làm theo kiểu “cuốn chiếu” từ xa đến gần, từ thấp đến cao nên máy đỡ phải di chuyển nhiều, mỗi ngày có thể làm đất từ 2-2,5ha. Tính ra giá thành làm 1ha đất cho đến khi gieo sạ đã giảm xuống cho xã viên và người lao động nhận khoán 300.000 đồng. Tương tự với cách điều hành khoa học này nông dân tiết kiệm được khoảng 400.000 đồng tiền máy gặt đập/ha . Chỉ riêng 2 khoản này, mỗi mùa, trên toàn bộ cánh đồng, nông dân đã tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng.

Bên cạnh đó, với việc sản xuất tập trung, thống nhất kế hoạch gieo sạ, HTX đã giúp nông dân tiết kiệm được thời gian bơm nước, rút ngắn gần nửa thời gian gieo sạ. Cùng với đó, HTX cũng đã tổ chức cho nông dân tiếp cận các giống lúa mới, tiếp cận với khoa học kỹ thuật… từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Vậy nên, nếu như trước đây, cánh đồng 714 chỉ cho tối đa 6 tấn/ha/vụ thì giờ đã có hộ đạt đến 10 tấn/ha, năng suất bình quân cả cánh đồng đạt 7,5-8 tấn/ha/vụ.

Ngày mới trên cánh đồng 714

Theo ông Thu, hiện có trên 800 hộ dân tại các xã Ea Pal, Ea Ô (huyện Ea Kar) và Ea Kly (huyện Krông Păk, Đăk Lăk) ký hợp đồng nhận khoán với HTX. Đời sống của các hộ dân này đã thay đổi rõ rệt. Dẫn chúng tôi xem cơ ngơi của mình, ông Bùi Văn Sóc (thôn 3 xã Ea Ô), phấn khởi: “Cơ ngơi này là nhờ cây lúa chú ạ”. Ông Sóc bảo, ở chỗ ông chuyện nông dân làm giàu từ lúa không còn là chuyện lạ. Ông Sóc mới xây căn nhà gần nửa tỷ đồng, nhưng ông bảo “chẳng bõ bèn gì so với nhiều người ở đây”. Hỏi kỹ ra, nhà ông Sóc hiện chỉ có 1,3ha lúa. Nhiều năm qua, với cái kiểu làm ăn nhỏ lẻ, kiếm đủ cái ăn đối với ông Sóc đã là khó. Từ ngày tham gia cùng HTX 714, năng suất lúa của ông Sóc đạt đến trên 10 tấn/ha/vụ, gấp 2 lần so với lối sản xuất cũ. Không chỉ thế, ông Sóc còn tiết kiệm được nhiều thời gian tiền bạc cho những việc khác.

Dọc theo con đường vào xã Ea Pal (một xã vùng sâu, vùng xa của Ea Kar) vào cánh đồng 714, chúng tôi cảm nhận được ở đó một sức sống mới đang trỗi lên. Trên con đường nhựa phẳng lỳ là những ngôi nhà kiểu mới còn tươi màu ngói đua nhau mọc lên san sát. Có ai ngờ đâu rằng nơi đấy ngày xưa là một vùng đầy le và đá sỏi!
Duy Hậu (Duy Hậu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem