Mức xử phạt uống rượu bia vẫn còn thấp so với người thu nhập cao

Thế Anh Thứ tư, ngày 08/01/2020 13:20 PM (GMT+7)
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, từ ngày 1-5/1, lực lượng chức năng đã xử phạt 1.518 người lái ô tô, xe máy vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Bình luận 0

Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông cho biết, trong 6 ngày (từ 1-6/1) có 103 người chết do TNGT, trung bình 17 người chết/ngày, thấp hơn 4 người so với con số 21 người chết/ngày do TNGT trong năm 2019. Dù phải cần một thời gian nữa để đánh giá toàn diện hơn nhưng đây chính là hiệu quả thực sự của quy định này.

Chiều 6/1, Cục CSGT (Bộ Công an) có công điện chỉ đạo lực lượng CSGT công an các tỉnh, thành phố tập trung lực lượng, huy động cao nhất phương tiện, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện có, tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định số 100 của Chính phủ.

img

Lực lượng CSGT xử phạt vi phạm nồng độ cồn.

Cục CSGT yêu cầu lực lượng chức năng (cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, công an cơ sở) phối hợp với CSGT kiểm soát chuyên đề về vi phạm nồng độ cồn kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm soát và chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với cơ quan truyền thông tổ chức đưa tin, tuyên truyền về hành vi, thái độ của người vi phạm và kết quả kiểm soát, xử lý vi phạm ngay tại hiện trường.

Đối với trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành, có thái độ, hành vi chống đối thì tổ chức lực lượng, khống chế đưa về trụ sở công an nơi gần nhất và xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định. Nếu người vi phạm là đảng viên, lực lượng vũ trang, cán bộ công chức Nhà nước thì thông tin với cơ quan, đơn vị công tác để phối hợp xử lý.

Trao đổi với PV, Luật sư Diệp Năng Bình Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: Nghị định 100 với những chế tài mạnh (nhiều quy định xử phạt mới, mức phạt tăng cao) chắc chắn đủ sức răn đe người điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia. Hy vọng luật có hiệu lực sẽ phần nào giảm bớt số vụ tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Nghị định có rất nhiều điểm mới, tăng mức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở. Cùng nồng độ này, sẽ phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển xe mô tô, phạt từ 400.000 - 600.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ vi phạm như trên.

“Tôi vẫn có chút lo lắng trong quá trình thực hiện. Có thể thấy khi có chút rượu bia trong người thì người say cũng cho rằng mình tỉnh, bất chấp sự can ngăn của người khác. Mức phạt có thể cao với người thu nhập thấp nhưng lại vẫn còn thấp với người thu nhập cao. Để xử lý triệt để không nửa vời đối với hành vi uống rượu bia khi lái xe thì cần phải hình sự hóa hành vi này bởi khi nào còn xử phạt uống rượu bia, vi phạm hành chính là vẫn còn nhẹ, tiêu cực vẫn có thể xảy ra, tai nạn giao thông vẫn tiếp diễn”, Luật sư Diệp Năng Bình kiến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem