Muôn nẻo buôn lậu cận Tết: Chiêu “hô biến” hàng lậu thành hợp pháp

Nhóm PV Thứ tư, ngày 07/02/2018 06:25 AM (GMT+7)
Những kẽ hở trong việc quản lý hóa đơn bán hàng tại các vùng biên giới đã và đang khiến cho công tác chống buôn lậu tại Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung ngày càng khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều.
Bình luận 0

Chiêu thức hiệu quả

Trong nhiều đêm, PV đã đeo bám những chiếc xe máy, ôtô chở hàng từ khu vực sau chùa Tân Thanh, đường mòn Rọ Bon, phát hiện điểm cuối của những chuyến hàng lậu. Đấy là những nhà kho nằm ở sát các con đường quanh khu vực thị trấn Đồng Đăng… Rất chóng vánh, hàng từ kho chứa được đưa lên các xe tải nhỏ hoặc loại xe Ford Transit hoán cải đã được tháo toàn bộ ghế chở người để chở hàng về nội địa. Phục kích tại đây một thời gian ngắn, PV đã ghi lại được cảnh hàng lậu vận chuyển.

img

Mặc dù lực lượng chức năng căng mình chống buôn lậu, nhưng tình hình vẫn rất phức tạp. Ảnh: P.V  

Thủ đoạn thông dụng của dân buôn lậu đó là sử dụng những chiếc xe biển giả để đánh lừa các cơ quan chức năng. Loại xe thường được sử dụng là xe Suzuki 7 chỗ (dân địa phương gọi là xe cóc) và xe tải loại 16 tấn. Đặc biệt, để các phi vụ trót lọt, các chủ hàng đã “hợp thức hóa” hàng lậu thành hàng hợp pháp bằng thủ đoạn mua hóa đơn.

Theo báo cáo của Trạm Kiểm soát liên hợp (KSLH) Dốc Quýt (Lạng Sơn) - chốt chặn phòng tuyến quan trọng thứ hai sau tuyến biên giới trong việc ngăn chặn hàng nhập lậu vào thị trường trong nước - năm 2017, các lực lượng chức năng của trạm đã kiểm tra, xử lý 274 vụ vi phạm, trong đó có 218 vụ vận chuyển hàng lậu, 28 vụ vận chuyển hàng cấm như pháo nổ, súng, dao, kiếm, dụng cụ... với tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước gần 7,5 tỷ đồng.

Trao đổi với Dân Việt, Trạm trưởng Trạm KSLH Dốc Quýt Nguyễn Minh Tuấn cho biết, các mặt hàng sau khi vận chuyển trót lọt qua biên giới, sẽ được các đối tượng buôn lậu hợp thức hóa thành hàng hợp pháp bằng cách mua hóa đơn chứng từ, khai khống giá trị hàng… để qua mặt các lực lượng chức năng.

Cụ thể, các chủ hàng lậu sẽ khai giá trị hàng hóa rất thấp, hoặc gom hàng miễn thuế của cư dân biên giới xé lẻ vào các chợ. Tiếp đó, các chủ hàng sẽ dùng hóa đơn mua của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn các huyện giáp biên như Văn Lãng, Cao Lộc…, để hợp thức hóa hàng lậu thành hàng hợp pháp, sau đó có thể công khai tiêu thụ. Do đó, để ngăn chặn việc buôn bán hàng luậu, hợp thức hóa hàng lậu bằng việc mua hóa đơn, chứng từ thì phải chặn việc mua bán hóa đơn này triệt để - Trạm trưởng Tuấn nhấn mạnh.

Là người nhiều năm gắn liền với công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, Đội trưởng QLTT số 2 (Chi cục QLTT Lạng Sơn) Chu Ngọc Hà phân tích thêm: Các đối tượng buôn lậu hợp thức hóa hàng lậu bằng việc mua sau đó viết hóa đơn khống.

img

Hàng lậu được tập kết và vận chuyển  khu vực gần chùa Tân Thanh. Ảnh:  P.V

Khi hàng lậu được hợp thức hóa bằng hóa đơn, hàng sẽ được vận chuyển về xuôi để tiêu thụ. Nếu không may lực lượng chức năng có kiểm tra cũng khó có thể xử lý, tịch thu số hàng lậu này do hàng đã có hóa đơn hợp lệ. Kể cả trường hợp làm rõ được hành vi khai khống hóa đơn hoặc mua hàng không rõ nguồn gốc, lực lượng chức năng cũng chỉ xử lý hành chính chủ hàng, với mức phạt không đủ sức răn đe.

Theo tìm hiểu của PV, những hóa đơn này được Cục Thuế Lạng Sơn cấp cho những hộ kinh doanh là người có hộ khẩu tại các huyện giáp ranh biên giới Việt - Trung. Mua hóa đơn không khó, chỉ cần đồng ý thanh toán 6 - 7% giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn thì các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng cấp hóa đơn khống cho các chủ hàng lậu, với số lượng hàng hóa và giá trị tùy theo ý chủ hàng.

Theo như tờ hóa đơn mà chúng tôi mua được, nồi cơm điện được ghi với giá 20.000 đồng/chiếc, bếp từ cũng giá 20.000 đồng/chiếc, nồi lẩu điện thậm chí chỉ 10.000 đồng/chiếc, máy sấy tóc 4.000 đồng/chiếc.

Trong khi đó qua khảo sát một số chủ kinh doanh tại thị trấn Đồng Đăng, nồi cơm điện có giá thấp nhất từ 200.000 - 500.000 đồng/chiếc, nồi lẩu điện từ 300.000 - 500.000 đồng/chiếc. “Làm gì có nồi cơm điện 10.000 - 20.000 đồng? Hóa đơn này chỉ để hợp thức hóa hàng lậu mà thôi” – chị Hương, chủ kinh doanh ở chợ Đồng Đăng nói.

Bao giờ mới đến hồi kết?

Chúng tôi đã tìm đến Chi cục QLTT Lạng Sơn để tìm hiểu rõ hơn về các tồn tại này. Tuy nhiên cán bộ Chi cục nói lãnh đạo Chi cục bận không tiếp được. Sau khi liên hệ với ông Nguyễn Văn Trường – Chi cục trưởng chi cục, chúng tôi được hẹn 14 giờ 30 cùng ngày ông sẽ tiếp. Song, quá 30 phút ngồi đợi chúng tôi không được ông Trường tiếp (dù trước đó Phó Chủ tịch UBND Lạng Sơn thông báo qua điện thoại đã nói với ông Trường).

Khoảng 10 phút sau, một cán bộ tên Hương giới thiệu là Phó Trưởng phòng Thanh tra pháp chế đến cho biết “sếp có việc bận” nên giao ông cung cấp thông tin cho báo chí.

Chúng tôi được cung cấp một báo cáo về “công tác chống buôn lậu” của Ban chỉ đạo 389 Lạng Sơn; một bản “thống kê các vụ vi phạm năm 2017”. Ngoài ra không cung cấp gì thêm.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Công Trưởng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn – Trưởng ban chỉ đạo 389 Lạng Sơn (BCĐ 389) cho biết, việc chốt trực, tuần tra của các lực lượng chức năng trên khu vực biên giới, của các đội kiểm tra liên ngành (theo kế hoạch số 196/KH – BCĐ) chưa đạt hiệu quả cao, việc phối hợp giữa các đội kiểm tra liên ngành và các đơn vị chức năng khác đôi khi chưa kịp thời, đồng bộ, cơ sở vật chất thiếu thốn, công tác chỉ đạo, thực hiện việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của BCĐ 389 các huyện và thành phố chưa quyết liệt, công tác triển khai thực hiện của các lực lượng chưa thật sự quyết liệt và triệt để…

Lý giải cho những tồn tại này ông Trưởng phân tích: Tình hình chống buôn lậu gặp khó khăn do hoạt động của các đội kiểm tra liên ngành mang tính tạm thời, vị trí địa lý, địa hình hiểm trở, cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ cho các cán bộ, chiến sĩ tham gia trực ban đêm, ngoài giờ còn hạn chế. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát trên các địa bàn liên quan đến đường đi của hàng lậu từ biên giới qua các địa phương vào sâu trong nội địa chưa được tăng cường mạnh mẽ.

Ông Trưởng cũng thừa nhận, chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa sản xuất ngoài Việt Nam lưu thông trên thị trường còn nhiều kẽ hở, dễ bị các đối tượng lợi dụng để hợp pháp hóa hàng lậu vận chuyển vào nội địa.

Theo báo cáo do Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cung cấp, phương thức thủ đoạn buôn lậu hiện nay không có nhiều thay đổi so với những năm trước đây: Các đối tượng đầu nậu vẫn tiếp tục thuê người mang, vác, vận chuyển nhỏ lẻ hàng hóa qua các khu vực đường mòn, lối mở dọc biên giới, chủ yếu tập trung ở khu vực Đồi Keo, Rọ Bon, Đồi Cao, Nà Hàn (thuộc xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng); Khu vực Gốc Nhãn, Gốc Bưởi, đường đồi 386, muốc 474, khe Bà Lan (thuộc địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng); Khu vực Kéo Kham, Thác Nước, Bãi Gianh, khe Bà Đen (thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc), khu vực xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem