Mỹ có run khi Nga cảnh báo nóng?

Thứ sáu, ngày 07/12/2018 21:30 PM (GMT+7)
“Bất kể xung đột vũ trang nào xảy ra giữa Nga và Mỹ đều có khả năng cao sẽ leo thang thành chiến tranh hạt nhân”.
Bình luận 0

Tối hậu thư cho Nga

Mỹ và NATO đã chính thức ra “tối hậu thư” yêu cầu Nga có 60 ngày để giải trình việc mà Washington cáo buộc là những hành vi vi phạm hiệp ước kiểm soát vũ khí cấm triển khai các tên lửa tại châu Âu. Theo đó, nếu sau thời hạn này không có gì thay đổi, Mỹ sẽ bắt đầu tiến trình kéo dài 6 tháng nhằm rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Tuy nhiên, giới lãnh đạo và chuyên gia Nga đã ngay lập tức đưa ra lời đáp trả cứng rắn cùng cảnh báo quen thuộc về “chiến tranh hạt nhân”. Đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5.12 cảnh báo Nga sẽ buộc phải trả đũa nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.

Phát biểu trên truyền hình, ông Putin cho biết Moscow phản đối việc phá bỏ thỏa thuận, nhưng Mỹ từ lâu đã muốn rút khỏi thỏa thuận và đổ lỗi cho Nga vi phạm văn kiện này để viện cớ rút lui.

img

Tổng thống Nga V. Putin cảnh báo đáp trả tương xứng nếu Mỹ rút khỏi INF

Trong khi đó, tờ Báo mới của Nga dẫn lời chuyên gia Aleksey Arbatov nhận định rằng: “Bất kể xung đột vũ trang nào xảy ra giữa Nga và Mỹ đều có khả năng cao sẽ leo thang thành chiến tranh hạt nhân”.

Theo chuyên gia này, tình hình hiện nay đang trở nên tồi tệ hơn do xuất hiện “mối đe dọa mới” - có thể được coi là “mối đe dọa nguy hiểm nhất, đó là các thể chế chính trị và quân đội của cả Nga và Mỹ trên thực tế đang tính đến một cuộc xung đột trực tiếp giữa các lực lượng lục quân và không quân của hai nước”.

Chuyên gia Arbatov cho rằng khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu, giới lãnh đạo hai nước đã tiến hành nhiều “cuộc kiểm tra sức mạnh”. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, hai bên trở nên “cẩn trọng hơn và bắt đầu coi nhau là những đối thủ đáng được cân nhắc, thậm chí hai bên còn tìm kiếm một nền tảng cơ sở để hiểu nhau”.

Nhưng theo ông, các nhà lãnh đạo quân sự của cả Nga và Mỹ hiện đang “không coi trọng lẫn nhau”. Thay vào đó, họ bình tĩnh nói về “khả năng chiến tranh và thậm chí là chiến tranh hạt nhân”, bất chấp thực tế rằng một cuộc xung đột như vậy sẽ dẫn tới những hậu quả không thể chấp nhận được.

Theo ông Arbatov, “một thế hệ mới đang nổi lên, họ không hiểu và không muốn tìm hiểu về trải nghiệm này” trong quá khứ, và họ chưa từng phải trải qua “sự căng thẳng tâm lý khủng khiếp nhất của những tình huống khủng hoảng”. Đó là trải nghiệm của những người từng đi qua Thế chiến II cũng như những người từng chứng kiến Chiến tranh Lạnh.

Chuyên gia Nga mỉa mai rằng: “Có vẻ như những nhà lãnh đạo hiện nay của các cường quốc và các cố vấn của họ - những người chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh cho quốc gia của họ và cho toàn thế giới - cho rằng mình là những người đầu tiên trên trái đất này, và như thể chưa có ai từng sống trước họ...hoặc những người đi trước chẳng để lại bài học gì cho họ cả”.

img

Chuyển gia Nga cảnh báo về nguy cơ chiến tranh hạt nhân

Theo ông, thế giới dường như đang bị cuốn theo những vấn đề khác hơn là mối đe dọa về một cuộc chiến tranh mới. Ông Arbatov nói: “Ngày nay, đối với châu Âu, Brexit và vấn đề nhập cư là những vấn đề quan trọng nhất; Còn đối với Mỹ, đó là bức tường với Mexico và vấn đề thuế quan; Và đối với Nga, đó là eo biển Kerch”.

Chuyên gia này cảnh báo: “Nguy cơ chiến tranh đang lớn dần không tuân theo những kịch bản của 40 năm trước, mà đây là mối đe dọa phức tạp hơn và khác hoàn toàn về bản chất. Tuy nhiên, nó hoàn toàn có thật và rất nghiêm trọng. Một cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Mỹ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào ở Syria, Baltic, Bắc Cực hoặc Ukraine”.

Mỹ đe dọa ngược

Ngày 4.12, Mỹ đã cảnh báo Nga về việc Washington sẽ rút khỏi INF nếu Moscow không tiêu hủy các loại tên lửa. Washington đặt ra thời hạn cho Nga để thực thi yêu cầu này trong vòng 60 ngày. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington không còn bị giới hạn bởi hiệp ước này trừ khi Moscow rút khỏi hệ thống tên lửa mới vốn đe dọa làm dấy lên cuộc chạy đua vũ trang.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết hiện đang "gây áp lực đối với Nga" để cứu vãn thỏa thuận này, vốn được nhiều nước cho là một phần quan trọng của cấu trúc kiểm soát vũ khí toàn cầu. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hiện là thời điểm để Nga chuẩn bị để tiêu hủy các loại tên lửa.

Phát biểu sau cuộc gặp với các ngoại trưởng NATO, ông Pompeo nhấn mạnh: "Hôm nay Mỹ tuyên bố Nga đang vi phạm nghiêm trọng hiệp ước này và chúng tôi sẽ tạm thời không thực thi trách nhiệm của mình ngay khi thời điểm 60 ngày kết thúc, trừ khi Nga tuân thủ đầy đủ và có kiểm chứng việc thực thi Hiệp ước”.

Ngoại trưởng Mỹ nói thêm: “Những hành động của Nga làm suy yếu trầm trọng an ninh quốc gia Mỹ, đồng thời đe dọa các đồng minh và đối tác của Mỹ. Việc Mỹ vẫn tuân thủ Hiệp ước này không có ý nghĩa gì khi mà phải kiềm chế khả năng của mình để đổi lấy những vi phạm của Nga".

Mỹ và NATO cho biết hệ thống tên lửa 9M729 của Nga cũng được biết đến với tên gọi SSC-8, vi phạm hiệp ước INF, vốn cấm các loại tên lửa phóng từ mặt đất trong phạm vi từ 500-5.500 km.

img

Phương Tây cáo buộc Nga phát triển tên lửa 9M729 vi phạm INF

Theo NATO, tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga rất linh hoạt và khó phát hiện, và có thể tấn công các thành phố của châu Âu với ít hoặc không có sự cảnh báo.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết rằng mặc dù Nga đã có thay đổi mới đây để tuân thủ yêu cầu từ phía Mỹ, song "chúng tôi cũng phải bắt đầu chuẩn bị cho một thế giới không có hiệp ước hạt nhân", vốn là hiệp ước đầu tiên quy định tiêu hủy toàn bộ các loại vũ khí.

Tuyên bố của các Ngoại trưởng NATO sau cuộc họp mới đây có đoạn: “Các nước đồng minh kết luận rằng Nga đã phát triển và sản xuất Novator 9M729, một hệ thống tên lửa vi phạm INF và tạo những rủi ro đáng kể đối với an ninh khu vực châu Âu-Đại Tây Dương.

Chúng tôi mạnh mẽ ủng hộ kết luận của Mỹ rằng Nga vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ của mình theo INF. Chúng tôi kêu gọi Nga phải khẩn trương trở lại việc tuân thủ hiệp ước một cách đầy đủ và có thể kiểm chứng được”.

img

Theo giới chuyên gia, chưa cần chế tạo tên lửa mới, chỉ cần cho Pershing II tái xuất, Mỹ cũng đủ khả năng đáp trả Nga

Báo chí phương Tây dẫn lời Ngoại trưởng Mike Pompeo tiết lộ, trong hơn 5 năm qua, Mỹ đã có ít nhất 30 lần bày tỏ quan ngại với Nga về SSC-8 tại các cuộc họp "lãnh đạo cấp cao nhất", nhưng chỉ nhận được sự phản đối, đáp trả lúng túng và giả tạo.

Hồi tháng 10.2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ có khả năng rút khỏi INF và đẩy mạnh hệ thống vũ khí hạt nhân của Mỹ "đến khi mọi người nhận thức được ý nghĩa của nó". Tuy nhiên, vào ngày 3.12, ông Trump cho biết ông muốn hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin để ngăn chặn một cuộc chay đua vũ trang lớn và không thể kiểm soát".

Trên trang Twitter, một ngày sau khi gặp các lãnh đạo Trung Quốc và Nga tại Hội nghị G20 ở Argentina, ông Trump viết: “Tôi chắc chắn rằng vào một thời điểm nào đó trong tương lai, Chủ tịch Tập Cận Bình và tôi, cùng với Tổng thống Nga Putin, sẽ bắt đầu bàn về một sự trì hoãn có ý nghĩa đối với những gì đã trở thành một cuộc chạy đua vũ trang lớn và không kiểm soát được. Mỹ đã chi 716 tỷ USD trong năm nay. Thật là khủng khiếp!”.

INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8.12.1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1.6.1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).

Đông Triều (Báo Đất Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem