Mỹ đổ dầu vào chảo lửa Vùng Vịnh để làm gì?

VOV Thứ bảy, ngày 17/08/2019 20:20 PM (GMT+7)
Ngày 16/7, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố lệnh bắt giữ siêu tàu chở dầu Grace 1 của Iran. Động thái này diễn ra  một ngày sau khi Tòa án Tối cao Gibraltar, vùng lãnh thổ thuộc Anh ra phán quyết thả con tàu này.  Điều này đang làm dấy lên lo ngại nguy cơ làm leo căng thẳng tại vùng Vịnh trong bối cảnh trong thời gian qua khu vực này diễn ra hàng loạt vụ bắt giữ tàu.
Bình luận 0

img

Tàu chở dầu Grace 1 của Iran. Ảnh: VesselFinder

Mỹ đã kêu gọi bắt giữ tàu Grace 1 vẫn đang thả neo tại vùng lãnh thổ của Anh ở Địa Trung Hải, vì “âm mưu tiếp cận một cách bất hợp pháp hệ thống tài chính của Mỹ nhằm hỗ trợ những chuyến hàng trái phép tới Syria từ Iran do lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), bị coi là một tổ chức khủng bố nước ngoài, thực hiện”.

Lệnh bắt giữ cũng khẳng định, tàu Grace 1, tất cả dầu trên tàu và 995.000 USD đều bị tịch thu vì các hành vi vi phạm Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) và dựa trên các quy chế tịch thu tài sản do gian lận ngân hàng, rửa tiền, khủng bố. Ngoài ra, văn bản của Bộ Tư pháp Mỹ nhấn mạnh “lệnh bắt giữ và tịch thu tàu đều dựa trên những cáo buộc khác nhau. Việc chứng minh trách nhiệm của tàu sẽ phụ thuộc vào những hành động của chính phủ Mỹ”.

Mỹ được cho là đã thực hiện nỗ lực cuối cùng để bắt giữ tàu Grace 1 chỉ một giờ trước khi Gibraltar sẵn sàng trả tự do cho con tàu.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif ngay lập tức đã tuyên bố hành động này của Mỹ là "cướp biển". Ông cũng cáo buộc “sự hiện diện của lực lượng ngoài tại khu vực là nguồn cơn gây ra bất ổn.

“Như chúng ta cũng thấy, sự hiện diện của Mỹ tại đâu mang đến sự bất ổn, bất an cho nơi đó. Khu vực vịnh Ba Tư, Trung Đông đã cho thấy điều đó. Những nơi Mỹ có mặt đều có chủ nghĩa khủng bố, cực đoan và bạo lực”, ông Zarif nói.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Iran cũng cho rằng, Mỹ đã thất bại trong việc hình thành liên minh tại Vịnh Ba Tư, do Mỹ “đơn độc trên thế giới và các quốc gia khác cảm thấy xấu hổ khi liên minh với Mỹ”.

Tàu Grace 1đã được thả vào ngày 16/8 sau khi Gibraltar thông báo đã nhận được sự đảm bảo từ thuyền trưởng rằng tàu chở dầu sẽ không chuyển hàng đến Syria. Các thành viên thủy thủ đoàn cũng được tự do.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Abbas Mousavi, ngày 16/8 cho biết, Iran không đảm bảo rằng tàu chở dầu Grace 1 sẽ không đến Syria sau khi được thả. Ông Mousavi xác nhận một tuyên bố trước đó của Bộ Ngoại giao Iran rằng, tàu chở dầu không đến Syria khi nó bị bắt giữ ngoài khơi bờ biển Gibraltar bởi thủy quân lục chiến Anh vào ngày 4/7. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran lưu ý, nước này đang cung cấp cho Syria hỗ trợ trong các lĩnh vực như năng lượng và dầu mỏ.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh leo thang căng thẳng ở Vịnh Ba Tư, trong đó một số tàu chở dầu đã bị tấn công, khiến Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực.

Về phần mình, Iran đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ trên khu vực ven eo biển Hormuz, trong vùng lãnh hải của nước này, và suýt dẫn đến một cuộc tấn công quân sự của Mỹ, vốn được Tổng thống Donald Trump lệnh huỷ bỏ vào phút chót. Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran vốn đã tồi tệ kể từ tháng 5/2018 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), tên chính thức của thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, đồng thời áp dụng chính sách "gây sức ép tối đa" nhằm buộc Iran tìm kiếm một thỏa thuận mới có lợi hơn cho Mỹ. Mỹ đã điều động một nhóm tàu sân bay tấn công và máy bay ném bom tới vùng Vịnh nhằm truyền tải “thông điệp rõ ràng” tới Iran.

Giới phân tích cho rằng, sự bất lực của Mỹ trong việc xử lý hồ sơ Iran một cách rõ ràng và những chính sách không nhất quán của Mỹ đối với việc cấm phổ biến vũ khí hạt nhân đang đẩy Trung Đông vào một tình thế nguy hiểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem