Trong 2 năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng đột biến, nhờ đó Trung Quốc thay Mỹ đứng ở vị trí số 1 trong top 10 thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam.
Tuy nhiên, kể từ tháng 6.2018, tốc độ xuất khẩu sang thị trường này có chiều hướng giảm dần trong khi đó tăng mạnh sang thị trường Mỹ (giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng trung bình từ 50 - 66 triệu USD/tháng).
Đến hết tháng 8, xuất khẩu cá tra đã đạt 1,41 tỷ USD. Ảnh: T.L
Hết tháng 8.2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 321,2 triệu USD (tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 sau Trung Quốc. Tuy nhiên, có thể trong quý IV với sự gia tăng xuất khẩu khả quan hơn, Mỹ lại trở lại vị trí dẫn đầu.
Ở một diễn biến khác, từ tháng 6.2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU bắt đầu tăng dần với giá trị đạt trung bình từ 21 - 25 triệu USD/tháng. Theo VASEP, đây là một tín hiệu đáng mừng sau 3 năm liên tiếp xuất khẩu cá tra sang thị trường này dường như không tìm thấy “lối thoát”.
Tính đến hết tháng 8.2018, duy nhất giá trị xuất khẩu sang thị trường Anh giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, 3 thị trường đơn lẻ lớn khác trong khối là Hà Lan, giá trị xuất khẩu tăng 37%, Đức tăng 0,5% và Italy tăng 75,5%. Dự báo, mức tăng trưởng dương này còn tiếp tục kéo dài cho tới hết năm 2018. Tính chung 8 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 160,1 triệu USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Liên qua đến vấn đề xuất khẩu cá tra hiện nay, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP cho biết, hiện nay, không chỉ có Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đã nuôi và chế biến cá tra như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia. Vì vậy, để tiếp tục cạnh tranh được và có lãi thì phải nghiên cứu cải tiến ngành nuôi, chế biến cá tra theo hướng bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.