Mỹ-Hàn thống nhất các điều kiện chung để đối thoại với Triều Tiên
Mỹ-Hàn thống nhất các điều kiện chung để đối thoại với Triều Tiên
Thứ tư, ngày 26/05/2021 11:16 AM (GMT+7)
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tuần trước giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thống nhất các điều kiện cần thiết để nối lại đối thoại với Triều Tiên. Bộ trưởng Bộ thống nhất của Hàn Quốc, ông Lee In-Young sẽ sớm thông báo các điều kiện này.
Ngày 21 tháng 5 vừa qua, ông Moon và ông Biden đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đối thoại trực tiếp đầu tiên tại Washington và đồng ý trước các chính sách ngoại giao mới với Triều Tiên. Các bên sẽ cùng thực hiện các bước để giảm căng thẳng, đồng thời khẳng định rằng tái đối thoại sẽ được thúc đẩy dựa trên các thỏa thuận trước đó, bao gồm cả thỏa thuận Singapore năm 2018 giữa Triều Tiên và Mỹ.
Đồng thời trong cuộc họp, ông Biden cũng tuyên bố chỉ định Sung Kim, cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, làm đặc phái viên về Triều Tiên, một động thái được coi là báo hiệu Washington đã sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên. "Rõ ràng Mỹ đã biểu thị sự sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên bằng cách chỉ định đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của họ cho công việc này", một quan chức cho biết. Ông này nói thêm: "Sau tất cả, Hội nghị thượng đỉnh Moon-Biden là cơ hội để tạo ra các điều kiện giúp Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ tạo ra một vòng đối thoại lành mạnh, tích cực cải thiện quan hệ".
Năm 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore và nhất trí hướng tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn tại bán đảo Triều Tiên để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ Washington. Tuy nhiên, tiến độ của thỏa thuận này không cao kể từ Hội nghị thượng đỉnh thứ hai của họ vào đầu năm 2019. Cuộc họp được đánh giá là thất bại do Bình Nhưỡng và Washington không thể đi đến thỏa thuận về các bước phi hạt nhân hóa và các biện pháp trừng phạt. Quan hệ liên Triều cũng bị đình trệ trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân bế tắc.
Chính quyền Mỹ cho biết họ đã liên hệ với Triều Tiên vào giữa tháng 2 nhưng quốc gia này vẫn không phản hồi. Washington gần đây cũng đề nghị giải thích kết quả của cuộc rà soát chính sách Triều Tiên mà Bình Nhưỡng đã đáp lại rằng: "Lời đề nghị này sẽ được Triều Tiên được đón nhận nồng nhiệt." Ông Lee bày tỏ hy vọng rằng Triều Tiên sẽ sớm có quyết định nối lại đối thoại. "Khi Mỹ gõ cửa Triều Tiên vào tháng Hai, Triều Tiên đã từ chối, khi Mỹ tìm cách giải thích kết quả của việc xem xét chính sách, Triều Tiên cũng đã không hồi đáp. Tôi nghĩ Triều Tiên đang đợi kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Mỹ và đưa ra một quyết định nào đó."
Về khả năng Triều Tiên sẽ phản ứng tiêu cực với một thỏa thuận đạt được trong hội nghị thượng đỉnh tuần trước nhằm dỡ bỏ các hạn chế đối với tên lửa của Hàn Quốc, ông Lee nói rằng vấn đề này nên được coi là nằm ngoài những gì liên quan đến Triều Tiên. Nó đơn thuần là vấn đề bảo vệ tổ quốc và chủ quyền tên lửa của một quốc gia.Trong khi đó, Lee Jong-Joo, người phát ngôn của Bộ Thống nhất, nói rằng chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để khởi động tiến trình hòa bình đang bị đình trệ bằng cách nối lại đối thoại với Triều Tiên dựa trên những thành tựu đạt được trong hội nghị thượng đỉnh giữa ông Moon và Biden vào tuần trước. Người phát ngôn này cho biết thêm: "Chúng tôi cũng hy vọng rằng Triều Tiên sẽ trở lại với tinh thần của Tuyên bố Panmunjom và thỏa thuận Singapore, đồng thời tích cực đáp ứng đề nghị đối thoại và hợp tác".
Tuyên bố Panmunjom đề cập đến một thỏa thuận thượng đỉnh được ký vào tháng 4/2018 giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên, trong đó kêu gọi hợp tác nhằm xoa dịu căng thẳng, mở rộng giao lưu và loại bỏ vũ khí hạt nhân trên bán đảo khu vực này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.