Mỹ không cản Ukraine tấn công tên lửa sâu vào lãnh thổ Nga

Lê Phương (RT) Thứ bảy, ngày 04/02/2023 17:11 PM (GMT+7)
Lầu Năm Góc nói rằng chính quyền Kiev sẽ tự quyết định quyết định cách sử dụng tên lửa mới cho các bệ phóng HIMARS do Mỹ cung cấp, đồng thời xác nhận rằng lô vũ khí viện trợ mới nhất sẽ bao gồm các loại bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB).
Bình luận 0
Lầu Năm Góc cho phép Ukraine bắn tên lửa tầm xa theo ý muốn - Ảnh 1.

Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) trong cuộc tập trận quân sự tại sân bay Spilve ở Riga, Latvia, ngày 26 tháng 9 năm 2022. Ảnh: AP

Trả lời các phóng viên, Chuẩn tướng Patrick Ryder xác nhận gói viện trợ mới nhất sẽ bao gồm GLSDB, với tầm bắn lên đến hơn 150km.

Ông Ryder cũng khẳng định Mỹ sẽ không cản Ukraine sử dụng tên lửa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

"Ukraine sẽ tự lên kế hoạch tác chiến. Đó là lĩnh vực họ nắm rõ nhất", ông nói hôm 3/2. "Tôi sẽ không suy đoán về các hoạt động của Kiev trong tương lai, nhưng có thể nói chúng tôi sẽ cung cấp những khả năng giúp lực lượng Ukraine hoạt động hiệu quả trên chiến trường".

GLDSB do Boeing hợp tác sản xuất với Saab AB của Thụy Điển, kết hợp bom đường kính nhỏ GBU-39 với động cơ tên lửa M26. Không rõ Lầu Năm Góc dự định gửi số lượng bao nhiêu, hoặc liệu chúng sẽ đến từ kho dự trữ quân sự của Mỹ hay được sản xuất mới.

Theo Reuters, các đợt giao hàng đầu tiên có thể diễn ra "sớm nhất là vào mùa xuân năm 2023". Trong khi đó, Bloomberg dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết thời gian có thể kéo dài tới 9 tháng, tùy thuộc vào thời điểm Không quân Mỹ ký hợp đồng. Bloomberg cũng báo cáo rằng đơn đặt hàng GLSDB sẽ chiếm 200 triệu USD trong số 1,75 tỷ USD tài trợ cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine.

Lầu Năm Góc cho phép Ukraine bắn tên lửa tầm xa theo ý muốn - Ảnh 3.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty

Hôm 3/2, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói rằng các xe tăng được NATO gửi tới Ukraine đang đoàn kết người dân Nga.

"Sai lầm lớn nhất của phương Tây là công bố nguồn cung cấp xe tăng, đặc biệt là những chiếc xe tăng tuyệt vời do Đức sản xuất", ông Vucic nói, theo hãng truyền thông nhà nước Nga TASS. "Điều này đã khiến cả nước Nga tập trung lại. Đó là sai lầm chính trị lớn nhất của phương Tây vì họ đã đoàn kết được người Nga chỉ trong một ngày".

Trước đó, ông Vucic cho biết trong một cuộc họp quốc hội rằng Serbia không muốn gia nhập NATO và sẽ tiếp tục giữ thái độ trung lập về mặt quân sự.

"Sáng nay, tôi đã nghe những tuyên bố về việc chúng tôi sẽ dẫn dắt Serbia gia nhập NATO", ông Vucic cho biết hôm 2/2, theo TASS. "Câu trả lời là không! Chúng tôi sẽ trung lập về mặt quân sự và xây dựng một đội quân của riêng mình".

Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Serbia chia sẻ với Newsweek: "Nga vẫn là trở ngại duy nhất cho hòa bình ở Ukraine. Chúng tôi đoàn kết với hơn 50 quốc gia hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine. Chúng tôi khuyến khích mạnh mẽ các nước khác tiếp tục cung cấp các thiết bị quân sự cần thiết để Ukraine tự vệ trước Nga và chúng tôi đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao khi thích hợp. Chỉ Nga có thể chấm dứt cuộc xung đột này hôm nay".

Hôm 1/2, Tổng thống Vladimir Putin đã giao nhiệm vụ cho quân đội "loại bỏ mọi khả năng" Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga. Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 2/2 rằng Moscow sẽ "đẩy lùi" quân đội Ukraine đến phạm vi mà họ không còn là mối đe dọa.

Ông Lavrov nói: "Vũ khí cung cấp cho chế độ Kiev càng có tầm bắn xa thì quân đội của họ càng cần phải di chuyển xa hơn".

Ukraine đã sử dụng các bệ phóng HIMARS do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu ở Donbass, Kherson và Zaporozhye. Kiev nhiều lần yêu cầu cung cấp tên lửa Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội MGM-140 (ATACMS), có tầm bắn khoảng 300 km.

Moscow cảnh báo Washington rằng việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine có nguy cơ vượt qua "lằn ranh đỏ" của Nga và khiến Mỹ và NATO trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột. Đáp lại, Mỹ và các đồng minh khẳng định họ không tham gia vào các hành động thù địch nhưng vẫn tiếp tục trang bị vũ khí cho Kiev. Theo Lầu Năm Góc công bố, Mỹ đã cam kết viện trợ quân sự trị giá 32 tỷ USD cho Ukraine.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem