Nhìn lại cách Trung Quốc đối phó với phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông, điểm xuất phát cơ bản là sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh, bố trí lực lượng quân sự lớn tại khu vực Biển Đông, sẵn sàng tác chiến, nhằm vào tàu sân bay của Mỹ, đặc biệt lực lượng tên lửa của Trung Quốc còn phô trương vũ khí sát thủ tàu sân bay.
Trang mạng National Interest ngày 15.8 nhận định, nếu như Trung Quốc đang ủ mưu thay đổi hoàn toàn hiện trạng của Biển Đông bằng cách tiếp tục ngang ngược cải tạo bãi cạn Scarborough, có khả năng kế hoạch này sẽ được tiến hành vào khoảng đầu tháng 9 đến ngày 8.11. Đây là khoảng thời gian sau Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tổ chức tại Trung Quốc và trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra. Trước đó, ngày 13.8, tờ South China Morning Post (SCMP) cũng trích dẫn một nguồn tin tin cậy, cho biết Bắc Kinh sẽ không thực hiện bất kỳ công việc cải tạo nào trên bãi cạn cho đến khi Hội nghị G-20 được tổ chức vào tháng tới và sẽ bắt đầy xây dựng trước khi Mỹ bỏ phiếu Tổng thống.
Tuy vậy, giới phân tích cho rằng, nếu Trung Quốc ra tay ở thời điểm đó, Mỹ sẽ không thể có hành động quyết liệt ngay với Trung Quốc vào thời điểm này.
Nguyên nhân hàng đầu đó là kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút với cuộc đua rất khó đoán định giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump. Hiện cả hai ứng cử viên đều muốn tranh thủ lá phiếu của cộng đồng Hoa kiều tại Mỹ. Do đó, Chính quyền Obama sẽ không dám hành động mạnh vì không muốn để mất số phiếu này, hoặc chí ít không để đảng đối lập lợi dụng lôi kéo.
Thứ hai, nền kinh tế và chính trị Mỹ đang bị Trung Quốc và cộng đồng Hoa kiều chi phối một phần. Trong nhiều năm qua, người Mỹ gốc Hoa và giới tỷ phú Trung Quốc đã chen chân được vào nhiều tập đoàn lớn của Mỹ. Họ có những ảnh hưởng nhất định đối với giới hoạch định chính sách ở cả cấp bang và liên bang. Tương tự, giới chính trị gia ở Trung Quốc cũng có rất nhiều kênh liên lạc và tác động tới các chính trị gia Mỹ. Ngược lại, Mỹ hầu như không thể chi phối hoặc tác động mạnh tới nền chính trị Trung Quốc. Những tác động ngầm đối với kinh tế cũng không nhiều.
Trong tình hình Biển Đông hiện nay, Chính quyền Obama (của đảng Dân chủ) và Quốc hội (của đảng Cộng hòa) khó đi đến thống nhất phương thức hành động, ít nhất cho tới sau khi biết kết quả bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.
Ngoài ra, nếu Mỹ-Trung thực sự đối đầu, Mỹ sẽ có nguy cơ đánh mất vị thế siêu cường thế giới và sức mạnh trước Nga, Trung Quốc. Bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa Mỹ với Trung Quốc cũng sẽ tạo điều kiện cho Nga, một đối thủ nguy hiểm khác của Mỹ, trỗi dậy. Mỹ hiện rất lo ngại việc Nga-Trung bắt tay nên sẽ không quá cứng rắn với bất cứ bên nào để tránh đẩy hai bên xích lại gần nhau hơn.
Như vậy, có thể thấy Mỹ hiện rất khó có thể đưa ra quyết sách hành động mạnh với Trung Quốc tại thời điểm này.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, càng cố tỏ ra là một đất nước phớt lờ luật pháp, ỷ lớn hiếp bé, Trung Quốc sẽ tự họ làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của đất nước mình trên trường quốc tế. Hơn nữa, dù Mỹ có thể không thể phản ứng mạnh ở thời điểm hiện tại, thì Mỹ cũng không bỏ qua những hành động của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải trên Biển Đông, ảnh hưởng đến lợi ích nước Mỹ và chiến lược “xoay trục” của Mỹ.
Một số nhà phân tích cho rằng, phản ứng của Mỹ và hành động của Trung Quốc như thế nào chưa thể nói cụ thể, song điều dễ đoán định nhất là mùa Thu này, Biển Đông sẽ không yên ả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.