Mỹ triển khai chiến lược "nghiêng về châu Á"

Thứ sáu, ngày 15/06/2012 13:43 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kết thúc chuyến công du 9 ngày đến châu Á – Thái Bình Dương, mở đường cho việc “xoay trục” từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc.
Bình luận 0

Tỷ lệ 6/4

Phát biểu tại Hội nghị an ninh châu Á, ông Panetta cho biết nhằm hiện thực hóa chiến lược hướng về châu Á, đến năm 2020, Mỹ sẽ triển khai 60% năng lực hải quân của họ tại Thái Bình Dương, và 40% tại Đại Tây Dương, thay đổi so với tỷ lệ 50/50 hiện nay.

img
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khẳng định Mỹ sẽ chuyển hướng quân sự sang Thái Bình Dương

Nhưng thay vì xây dựng những căn cứ cố định, chiến lược quân sự mới của Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương sẽ dựa trên sự triển khai linh hoạt, vũ khí hiện đại và gia tăng tàu hải quân. Các lực lượng quân sự Mỹ, trong đó có các tàu hải quân, máy bay và binh sĩ, sẽ tổ chức diễn tập và hoạt động chung với các nước đồng minh.

Họ cũng được phép tiếp cận với các bến cảng, sân bay và nhiều địa điểm khác. Panetta cho biết Mỹ cũng sẽ nỗ lực tăng số chuyến thăm viếng và hoạt động của hải quân tại Thái Bình Dương, như các cuộc tập trận chung... Ngoài ra, Lầu Năm Góc còn khẳng định tăng cường hiện diện ở Nhật Bản, Guam và phía bắc Australia; đồng thời đảm bảo sẽ tiếp cận hơn nữa tới các cơ sở quân sự ở những quốc gia thân thiện khác với Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Vũ khí mới...

Ông Panetta cho biết, sức mạnh Mỹ ở Thái Bình Dương sẽ được thúc đẩy bằng việc đầu tư vào công nghệ. Lầu Năm Góc đang tích cực phát triển các chiến đấu cơ, máy bay ném bom hiện đại, các tàu chiến và hệ thống phòng thủ tên lửa. Không chỉ vậy, ông còn nhấn mạnh Mỹ sẽ tung ra nhiều loại vũ khí thế hệ mới và hiện đại, bất chấp tình trạng ngân sách quốc phòng sẽ giảm.

img
6 trên tổng số 11 hàng không mẫu hạm của Mỹ sẽ được triển khai tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương
img
Máy bay chiến đấu tàng hình siêu hiện đại F-35 của quân đội Mỹ

Cụ thể, đến 2020, Mỹ sẽ có khoảng 150 tàu chiến ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có siêu tàu sân bay mới USS Gerald R.Ford cực tối tân sắp ra lò - tàu này đắt hơn nhiều so với tàu chiến đắt giá nhất hiện thời của Mỹ, với giá khoảng 12,5 tỷ USD. Ngoài ra, Mỹ đang phát triển tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt để dành riêng cho chiến lược “xoay trục”, có giá tới 3 tỷ USD mỗi chiếc, dự kiến sẽ xuất hiện trên Thái Bình Dương lần đầu vào năm 2014.

Chúng có khả năng hoạt động ở cả vùng biển sâu và gần bờ, có thể chở theo máy bay trực thăng, được trang bị ít nhất 80 quả tên lửa, súng điện từ (dùng từ trường để bắn đạn bay gấp vài lần tốc độ âm thanh). Về tàu ngầm, nổi bật nhất phải kể tàu tấn công tốc độ cao lớp Virginia, có khả năng hoạt động ở cả vùng nước cạn và nước sâu, chạy bằng năng lượng nguyên tử. Giá mỗi chiếc lên tới 1,8 - 2,4 tỷ USD. Virginia di chuyển dưới nước với tốc độ 46km/giờ, được trang bị thủy lôi, tên lửa Tomahawk, Harpoon...

Với máy bay, Bộ trưởng Panetta có nhắc đến máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Joint Strike Fighter (F-35 Lighting II), máy bay ném bom thế hệ mới, máy bay tuần tra hàng hải và chống tàu ngầm hiện đại... Trong đó, F-35 thuộc dòng máy bay chiến đấu tàng hình do Hãng Lockheed Martin sản xuất, tốc độ bay tối đa 1.900 km/giờ, có thể tiếp liệu trên không. Vũ khí của “siêu” chiến đấu cơ này là 2 tên lửa không đối không và 2 quả bom định hướng ở khoang chứa bom, 4 bom và tên lửa khác dưới cánh. F-35 không chỉ tránh sóng ra-đa cực tốt mà còn tránh được các thiết bị dò tìm bằng tia hồng ngoại. Mỗi chiếc có giá từ 197-236 triệu USD.

Cũng cần nhắc đến Boeing P-8 Poseidon, phi cơ vừa dùng làm tuần tra hàng hải, vừa có nhiệm vụ chống tàu ngầm. Loại phi cơ này sẽ vào “biên chế” từ năm 2013, thay cho dòng Lockheed P-3 Orion đã cũ. Giá mỗi chiếc vào khoảng 220 triệu USD. Không chỉ có khả năng tuần tra trên biển và phát hiện tàu ngầm bằng thả phao âm, Boeing P-8 Poseidon mà còn mang theo nhiều loại vũ khí như thủy lôi, bom phá tàu ngầm, tên lửa chống tàu...

... Nhưng bất an!

img
Hải quân Hoa Kỳ tác nghiệp kỹ thuật trên một chiến hạm đóng gần Okinawa, Nhật

Việc chuyển trọng tâm quân sự của Mỹ đã nhận được sự đồng thuận của hầu hết các nước châu Á tại Hội nghị an ninh châu Á Shangri-La ở Singapore (kết thúc ngày 3.6).

Với trung tâm kinh tế đang chuyển dần về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các lợi ích Mỹ cũng gắn bó chặt chẽ với khu vực này. Nhưng châu Á còn là ngôi nhà của một số "điểm nóng" và khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng là nơi mà Trung Quốc và Mỹ có lợi ích chồng chéo.

Vì vậy, sự chuyển dịch của Lầu Năm Góc khiến Bắc Kinh cảm thấy bất an. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho rằng việc tăng quân của Mỹ ở Thái Bình Dương là “không phù hợp” và đáp lại, ông Panetta nhận xét sự thay đổi về mặt chiến lược này không phải là một thách thức đối với phía Trung Quốc vì cả hai quốc gia đều có lợi ích chung trong việc thúc đẩy an ninh và thương mại khu vực.

Tuy nhiên, thay đổi chiến lược của Mỹ khiến nhiều nước châu Á lo ngại mình sẽ gặp tình trạng khó cân bằng giữa quan hệ kinh tế với Bắc Kinh và quan hệ quốc phòng với Washington. Một số nước lại lo, nếu Mỹ cố cô lập TQ, các nước châu Á còn lại sẽ phải trả giá.

Theo Thế giới & Hội nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem