Năm 2019: Cổ phiếu ngân hàng nào có triển vọng nên nắm giữ?

Quốc Hải Thứ hai, ngày 04/03/2019 07:26 AM (GMT+7)
Năm 2019, nhiều ngân hàng có thể đối mặt với tình trạng sụt giảm lợi nhuận khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết tâm siết chỉ tiêu tín dụng tùy mức độ “sức khỏe” và khả năng tăng vốn của từng nhà băng. Lựa chọn đầu tư mã cổ phiếu "vua" nào trong năm 2019 cũng được các nhà đầu tư “soi” khá cẩn thận…
Bình luận 0

img

Các ngân hàng sẽ rất áp lực trong năm 2019 bởi cuộc đua tăng vốn (Ảnh: IT)

Theo dự báo của các chuyên gia, áp lực tăng vốn sẽ rất “khủng khiếp” với các ngân hàng trong năm 2019. Bởi, chỉ có tăng vốn thì các ngân hàng mới được NHNN duyệt tăng chỉ tiêu tín dụng và vì thế mới có lợi nhuận.

Cuộc đua “sống còn” trước giờ G

Theo lộ trình đề ra, đến năm 2020, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải có mức vốn tự có theo chuẩn Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 NHTM áp dụng thành công Basel II. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 3 ngân hàng gồm Vietcombank, VIB và OCB được NHNN công nhận đạt chuẩn Basel II.

Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng, khẳng định, trong bối cảnh “giờ G” đã cận kề, việc tăng vốn được coi là cuộc đua khốc liệt và sống còn nhất của các NHTM năm 2019, bởi nếu không tăng vốn, không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vốn thì  sẽ bị “siết” chỉ tiêu tín dụng và vì thế sẽ sụt giảm lợi nhuận so với năm 2018.

“Nên nhớ, năm 2018 đã có một số ngân hàng “ngấm đòn” khi NHNN siết chặt room tín dụng và buộc phải điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận giảm xuống rất nhiều. Chẳng hạn như LienVietPostBank phải giảm chỉ tiêu lợi nhuận từ 1.800 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng. Hoặc, thậm chí là “ông lớn” VietinBank cũng phải giảm lợi nhuận từ 10.800 tỷ đồng xuống chỉ còn 6.700 tỷ đồng, gây sốc cho nhà đầu tư”, ông Tín dẫn chứng.

Thực tế, từ đầu năm 2018, có khoảng gần 20 ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng vốn. Song kết thúc năm, số ngân hàng tăng vốn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Cụ thể, chỉ có MBBank và Techcombank đã tăng vốn thành công từ 30.9 nhờ vào chiến lược cổ tức và chia cổ phiếu thưởng; các ngân hàng còn lại như: VIB, HDBank, VPBank, Maritime Bank, Nam Á Bank…  thì kế hoạch tăng vốn điều lệ chỉ là “khá thuận lợi”. Tất nhiên, nhà đầu tư có thể vẫn kỳ vọng mạnh mẽ vào kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng này thông qua các đợt chào bán cổ phần, trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành trái phiếu… dự kiến sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2019 này.

Riêng với một số ngân hàng có quy mô nhỏ như SaigonBank, VietCapital Bank, BaoVietBank… thì kế hoạch tăng vốn năm 2019 này có lẽ sẽ rất khó khăn.

Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), để tăng tín dụng 14% - 15% theo chuẩn Basel II, các ngân hàng niêm yết sẽ phải tăng vốn thêm khoảng 237.000 tỷ đồng trong năm 2018-2019, tương đương 10 tỷ USD…

Trong bối cảnh dư địa tăng vốn hạn hẹp, không chỉ có các NHTM quy mô nhỏ, nhiều “ông lớn” ngành ngân hàng cũng đang lo lắng cho cuộc đua tăng vốn năm 2019.

Tại VietinBank, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của nhà băng này đã giảm tới sát mức tối thiểu theo quy định của pháp luật, trong khi các biện pháp tăng vốn tự có (gồm vốn cấp 1 và vốn cấp 2) đã được VietinBank khai thác tối đa và đã tới hạn theo các quy định của pháp luật.

Vì vậy, việc tăng vốn là “đặc biệt cấp bách” với nhà băng này nhưng đến nay phương án tăng vốn vẫn đầy khó khăn. Lý do là hiện VietinBank đang có gần 9.000 tỷ đồng thặng dư vốn, nhà băng này đang đề xuất được dùng khoản tiền này để tăng vốn bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng chưa được NHNN duyệt.

Cũng lo lắng không kém là BIDV, kế hoạch phát hành cổ phiếu mới cho đối tác chiến lược KEB Hana Bank vẫn chưa hoàn tất trong năm 2018 dự kiến sẽ được gấp rút triển khai trong nửa đầu năm 2019. Theo tính toán của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC), sau khi hoàn tất thương vụ bán vốn cho KEB Hana Bank, vốn cấp 1 của BIDV có thể tăng khoảng 30%, tương đương 18 nghìn tỉ đồng với giả định là BIDV sẽ bán riêng lẻ 15% cổ phần trên vốn sau phát hành tại thị giá hiện tại là 30.000 đồng/CP. Sau đó, ngân hàng sẽ có thêm khoảng 9.000 tỉ đồng dư địa huy động vốn cấp 2. Ước tính hệ số CAR sẽ tăng từ 9% lên 13% và lúc đó thì BIDV có thể sẽ được NHNN giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức 14% sau khi hoàn tất phương án tăng vốn.

img

Khách hàng được tư vấn vay vốn tại Agribank (Ảnh: Quốc Hải)

Cổ phiếu ngân hàng nào được khuyến nghị “nắm giữ”?

Câu chuyện tăng vốn trong năm 2019 là căn cứ để các nhà đầu tư quyết định sẽ nắm giữ mã cổ phiếu “vua” nào. Tuy nhiên, với nhiều nhà đầu tư dài hạn thì việc xác định “sức khỏe” các ngân hàng thông qua chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu… vẫn là yếu tố quan trọng.

Theo báo cáo từ các công ty chứng khoán về triển vọng ngành ngân hàng năm 2019, ACB là cái tên được đa số các công ty khuyến nghị “nắm giữ”. Điều này cũng không ngạc nhiên khi tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 của ACB năm 2018 lần lượt 0,73% và 0,17%, thấp nhất so với toàn bộ các ngân hàng (kể cả chưa niêm yết). Thậm chí, liên tục 5 năm gần đây (từ 2014 - 2018), ACB đều giữ được tỷ lệ nợ xấu thấp hơn Vietcombank.

Kế đến, Vietcombank là ngân hàng giữ được tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng ở mức thấp 0,5%.

Một loạt các ngân hàng khác có tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 dưới mức 2%, như: TPB lần lượt là 1,12% và 2,06%; MBB lần lượt là 1,32% và 1,71%; HDB lần lượt là 1,53% và 1,3%; VietinBank lần lượt là 1,56% và 0,62%; Techcombank lần lượt là 1,75% và 1,62%; Eximbank lần lượt là 1,84% và 0,6%...

Trong khi đó, một số các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu khá cao so với ngành, trên 2% như: Sacombank (2,11%), NCB (2,12%) và PGBank (2,96%), VIB (2,52%), OCB (2,29%), Saigonbank (2,19%)… Trong đó với Sacombank, tỷ lệ nợ xấu dù vẫn cao nhưng đã được cải thiện đáng kể từ sau sáp nhập (tỷ lệ nợ xấu 2016 - 2017  lần lượt là 6,91% và 4,67%).

Riêng với VPBank, ngân hàng này duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3% suốt giai đoạn 2011-2016, nhưng đến 2017 thì tỷ lệ nợ xấu tăng lên 3,39% và năm 2018 đạt 3,51% (tỷ lệ nợ nhóm 2 là 5,27%).

Một yếu tố khác được giới đầu tư cân nhắc  là năng lực xử lý nợ xấu của các ngân hàng. Theo đó, Vietcombank là ngân hàng dẫn đều hệ thống với tỷ lệ trích lập dự phòng lên tới 165% so với nợ xấu. Với mức trích lập này, trong trường hợp xấu nhất là 100% nợ xấu không thu hồi được, Vietcombank vẫn còn lại phần 65% để hoàn nhập dự phòng.

Cũng có tỷ lệ trích lập dự phòng “xông xênh” không kém là ACB, hiện ngân hàng này hiện có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu là 152%.

Một loạt các ngân hàng khác cũng được xếp hạng cao về năng lực xử lý nợ xấu với mức bao nợ xấu quanh 100%, chẳng hạn như: MBB (113%); TPB (103%), VietinBank (96%). Một số ngân hàng khác thì có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu xấp xỉ 70% - 90% như: Techcombank (85%), BIDV (74%), HDBank (71%).

Các ngân hàng còn lại có mức dự phòng bao nợ xấu thấp nhất ngành, từ 46% - 65%, chẳng hạn như: STB (65%); EIB (56%), VPB (46%)… thì có khả năng rủi ro cao khi những món nợ xấu lớn vượt quá khả năng xử lý của quỹ dự phòng.

M&A ngành ngân hàng sẽ diễn ra sôi động trong năm 2019 - 2020?

Việc bổ sung hàng tỷ USD để tăng vốn chỉ trong năm 2019 với các ngân hàng không hề dễ dàng, vì vậy từ nay đến năm 2020, các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng có thể sẽ diễn ra sôi động. Việc tăng vốn để đáp ứng chuẩn mực Basel II đang lớn dần, trong khi dư địa tăng vốn không nhiều, buộc một số ngân hàng phải sáp nhập lại để lớn hơn, TS.LS Bùi Quang Tín, chia sẻ.

Trước đó, trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định, Chính phủ khuyến khích các ngân hàng nhỏ sáp nhập thành các ngân hàng lớn hơn. Mặt khác, tuy Chính phủ sẽ hạn chế hoặc không cấp phép ngân hàng 100% vốn nước ngoài, nhưng sẽ mở cửa cho nước ngoài mua ngân hàng Việt Nam; đồng thời sẽ bán và chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã mua trước đó như OceanBank, CBBank và GPBank…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem